Có thể tha thứ khi không được xin lỗi?
Cập nhật lúc 15:37, Thứ hai, 15/05/2023 (GMT+7)
Có những chuyện, những việc mà ta không bao giờ nhận được lời xin lỗi, vậy làm sao để thứ tha?
Khi còn nhỏ, cha mẹ và giáo viên thường dạy phải xin lỗi sau khi gây lỗi, để nhận được sự tha thứ, bỏ qua. Tuy nhiên điều đó không phải luôn diễn theo trình tự như vậy. Có những chuyện, những việc mà ta không bao giờ nhận được lời xin lỗi, vậy làm sao để thứ tha?
Ba chồng tôi ngoại tình chỉ một năm sau khi lấy mẹ chồng tôi. Và kể từ ngày ấy, ông trượt dài trên những mối quan hệ bất chính với nhiều phụ nữ, kể cả với vợ của bạn bè hay cấp dưới trong cơ quan.
Vì mẹ chồng tôi chưa bao giờ đưa ra bằng chứng, nên ông không bao giờ thú nhận. Điều đó có nghĩa là ông chưa bao giờ nói lời xin lỗi mẹ chồng tôi. Chưa bao giờ, đến tận bây giờ.
|
|
Tha thứ không phải là đặc ân dành cho người khác mà chính là món quà cho trái tim mình (ảnh minh họa) |
Hồi học đại học, tôi được mẹ gửi ở trọ trong nhà một người cô quen biết tại TPHCM. Cùng nhà còn có 2 chị em khác, cũng là người quen của cô. Sống chung một thời gian, tôi bị 3 người lại còn lại tỏ thái độ ganh ghét, muốn cô lập và thậm chí không muốn tôi ở cùng.
Mặc dù hoàn thành đầy đủ trách nhiệm chung, tôi luôn bị ba người họ soi mói và hoạch họe những chuyện như: để đồ đạc không đúng chỗ, không tiết kiệm điện, thậm chí việc tôi đi chơi với bạn trai cũng bị họ tỏ thái độ.
Có lần tôi xin cô chủ nhà đi chơi và nói sẽ về nhà lúc 9g30. Khi tôi về, cả chủ nhà lẫn 2 người bạn vờ ngủ trong nhà, đóng chặt cửa, không cho tôi vào. Họ cùng nhau bắt nạt tôi, vì tôi khác họ nhiều điểm. Sau này, tôi có nghe cô chủ nhà thừa nhận với hàng xóm rằng hồi ấy đã xử sự quá quắt với tôi, nhưng tuyệt nhiên cô không nói lời nào xin lỗi tôi.
Người bạn thân nhất của tôi đã biến mất trong giờ phút đen tối nhất khi tôi kẹt tiền, biến mất cho đến giờ không một câu xin lỗi dù trước đó tôi đã nhiều lần giúp đỡ trong hoàn cảnh tương tự. Người đồng nghiệp cũ tôi tin tưởng cho mượn máy tính (chứa những dữ liệu quan trọng) để làm việc tại nhà cũng lẳng lặng mất liên lạc, không một lời giải thích...
Tôi sẵn sàng bỏ qua khi ai đó nhận lỗi, nhưng ở đây là một câu chuyện rất khác. Làm sao có thể tha thứ khi chưa bao giờ nhận được lời xin lỗi?
Có một định nghĩa tâm lý nói rằng, tha thứ là “một quyết định có chủ ý, có ý thức để giải tỏa cảm giác oán giận hoặc thù hận với ai đó có hành vi làm tổn hại đến bạn”. Nhưng làm sao để gạt bỏ những cảm xúc này? Một khi bị ai đó làm chuyện có lỗi, trái tim của chúng ta sẽ hình thành một "phiên tòa xét xử", gồm đầy đủ những những chứng cứ, luật sư bào chữa cho những tình tiết giảm nhẹ, sẵn sàng khoan hồng… chỉ trừ việc thủ phạm vắng mặt hoặc không nhận tội.
Khi không được xin lỗi, chúng ta còn có xu hướng hoài nghi rằng đó là vì chúng ta có khuyết điểm và nếu ta tốt hơn thì người đó sẽ không làm những gì họ đã làm.
Cho đến tận bây giờ, khi bị phản bội gần 40 năm, mẹ chồng tôi vẫn dằn vặt liệu bà có làm gì sai hay không. Dù con cái và cả tôi (con dâu) đều nhận thấy bà là một người phụ nữ tuyệt vời, đầy đủ phẩm chất tốt đẹp, bà vẫn nghĩ có khi nào do bà tệ đến mức người đàn ông của bà cũng coi thường, không muốn nói một lời nào với bà. Hay chính tôi cũng đã nhiều lần hoài nghi rằng, liệu có phải tôi không đủ tốt để có những mối quan hệ tử tế, có phải tôi "sao sao đó" nên mới bị bạn bè, đồng nghiệp lừa gạt, bỏ rơi…?
Nhiều người nói rằng “thời gian sẽ chữa lành mọi vết thương”, nhưng tôi lại không nghĩ như vậy. Thứ làm cho tôi cảm thấy nhẹ bớt nỗi buồn chính là sự tin tưởng vào giá trị của bản thân.
Khi mẹ chồng tôi được mọi người củng cố một niềm tin rằng bà là người phụ nữ tốt, rất nhiều người yêu quý bà, bà sẽ nguôi bớt để không dằn vặt. Khi tôi tự tin là một người tử tế, thì những lỗi lầm người khác gây cho mình đôi khi chỉ là hiểu nhầm, hoặc họ chưa đủ mạnh mẽ hoặc chưa có thời điểm thuận tiện để nói lời xin lỗi.
|
|
Tha thứ giúp giải phóng tổn thương, nhưng điều ấy không hề dễ (ảnh minh họa) |
Tha thứ chính là giải phóng những tổn thương của chính mình. Sau nhiều năm loay hoay, tôi nhận ra tha thứ không phải là đặc ân dành cho người khác mà là món quà dành cho chính trái tim của mình.
Nỗi đau không thể phá hủy, nhưng nó có thể biến đổi. Bị phản bội, bị lừa gạt là trải nghiệm rất đau khổ, nhưng hãy biến đổi nó bằng cách quay trở lại với nội tại để yêu thương chính bản thân mình nhiều hơn thay vì oán trách người đã gây ra lỗi lầm.
Theo phụ nữ TPHCM