Con dâu chị Thủy là điều dưỡng ở một bệnh viện tư, mỗi tuần chỉ nghỉ được 1 ngày. Vào ngày ấy, con dâu sẽ cùng chồng, bé Nhím về thăm nhà ngoại ở vùng ven.
Nhà ngoại khá giả nên cô con dâu từ nhỏ đã được cưng chiều. Điều kiện nhà chị Thủy khó khăn hơn nhiều, vừa chật chội không gian sống, vừa phải chi tiêu eo hẹp. 2 con trai lớn của anh chị khi lập gia đình phải ra thuê trọ, ở riêng. Vợ chồng cậu con trai út ở chung với ba mẹ sau khi anh chị cơi nới thêm căn phòng nhỏ ở lầu 1.
|
Con dâu dần trở nên lười phụ mẹ chồng dọn dẹp, cơm nước, chợ búa (ảnh minh họa) |
Những ngày đầu về sống chung, con dâu hay lăng xăng phụ chị Thủy dọn dẹp nhà cửa, nấu nướng, giặt giũ, nhưng sau này, danh sách việc ấy dần bị... rút gọn.
Bây giờ con dâu chị hầu như chỉ rửa chén sau khi cả nhà ăn cơm xong và gấp gọn áo quần của từng người rồi để sẵn thành chồng lên trên chiếc kệ gỗ. Mọi sinh hoạt cá nhân, con dâu chị đều thực hiện riêng biệt trên lầu 1. “Mang tiếng là mẹ chồng với con dâu, nhưng ngày càng lạnh lẽo, xa cách. Có khi cả tuần chẳng nói với nhau được chục câu” - chị Thủy bức xúc kể với tôi.
Tôi và chị Thủy là hàng xóm lâu năm, tôi hiểu tính chị. Chị là mẫu phụ nữ truyền thống, chịu thương chịu khó, sẵn sàng quần quật làm lụng vì chồng con. Tuy nhiên, cũng chính vì vậy mà chị ôm đồm, thích săm soi, kiểm soát người thân.
Nhiều lần tôi nghe chị chê con dâu vụng về, không có kỹ năng dọn dẹp, không biết cách sơ chế, tẩm ướp gia vị, khiến món nào cũng không hợp khẩu vị nhà chồng. Chị chê con dâu tiêu xài hoang phí khi không đưa chị đến những khu chợ truyền thống, chợ đầu mối để gom hàng hóa, rau củ cho rẻ, mà chở chị đến những cửa hàng, siêu thị giá cả đắt đỏ...
Những ngày gần đây thời tiết nóng bức đỉnh điểm, việc con dâu chỉ ở trong phòng bật máy lạnh khiến hóa đơn tiền điện tăng cao, chị Thủy rất “nóng mặt”. Thế nhưng chị không trực tiếp góp ý, mà hờn giận, đá thúng đụng nia.
Chồng chưa ra khỏi bếp, chị đã với tay tắt đèn kèm lời càm ràm. Con trai xuống tầng mở tủ lạnh chưa kịp tìm được thứ mình cần, chị cũng ồn ào: “Tủ lạnh mở ra thì đóng ngay vào kẻo tỏa nhiệt, tốn điện!”.
|
Con trai không thích kiểm soát, hay bóng gió của mẹ (ảnh minh họa) |
Vài lần lặp đi lặp lại, anh con trai bắt đầu bực dọc: “Nhà 2 phòng ngủ. Ba mẹ ở dưới mát mẻ, phòng bọn con ở gác cao nên hứng nắng nóng cả ngày. Tối đến phòng con vẫn như một cái lò nung, nếu không dùng điều hòa thì bé Nhím làm sao ngủ. Bọn con đang sắp xếp gửi thêm tiền điện, nên mẹ không phải bóng gió”.
Nghe câu chuyện của chị Thủy, tôi soi lại gia đình mình, thấy thật may mắn, gần 20 năm lấy chồng rồi làm dâu, mẹ chồng tôi luôn là người phóng khoáng, thấu hiểu.
Mẹ chồng tôi sẽ thẳng thắn bàn bạc, trao đổi, nhờ con cái hỗ trợ, giúp đỡ khi gia đình lâm cảnh túng thiếu, khó khăn. Sau này, khi điều kiện đỡ hơn, bà lại tôn trọng, tạo điều kiện để con cháu được tự do, sống đúng theo tính cách, quan điểm sống.
Tôi muốn lựa lời kể về mẹ chồng mình cho chị Thủy, để chị cân nhắc bài học giữ hòa khí gia đình, nhưng tôi cũng lo chị giận, nên vẫn đang lưỡng lự...
Theo phụ nữ TPHCM