Cha mẹ Thùy có 2 con gái. Chị em Thùy đều ở gần cha mẹ, lâu lâu lại đưa chồng con về ăn cơm cùng ông bà. Họ hàng làng xóm vẫn nói cha mẹ Thùy có phúc, nhiều nhà có con trai chưa được như vậy.
Một sáng, cha bị ngất ngoài công viên, đưa vào viện mới phát hiện cha có khối u trong não, chưa biết lành hay dữ. Những ngày này chị em Thùy thay nhau vào viện phụ mẹ chăm cha. Thật may sau khi xét nghiệm là u lành, nhưng cũng phải phẫu thuật.
|
|
Chị bàng hoàng khi biết cha mẹ không còn đồng nào trong nhà (ảnh minh họa) |
Thùy biết nhà có người bệnh sẽ tốn kém, nhưng cha mẹ xưa giờ tằn tiện tiết kiệm, hẳn còn tiền, chắc chưa cần con cái phải lo. Nghĩ là nghĩ vậy, nhưng vợ chồng Thùy vẫn lặng lẽ thu xếp dành ra một khoản, khi cha mẹ cần là có đưa ngay.
Và Thùy ngạc nhiên khi mẹ nói tiền dành dụm của cha mẹ sắp cạn, Thùy gặng hỏi mới biết mẹ cho vợ chồng chị Liên mượn. Thùy càng ngạc nhiên hơn khi mẹ nói chị không có tiền trả, anh chị nghĩ sau này cha mẹ cũng cho, coi như... lấy trước.
Thuỳ hỏi mẹ, anh chị tuy không giàu nhưng đều có công việc ổn định với thu nhập khá, nhà cửa được cha mẹ cho, thế thì thiếu gì mà phải vay? Đã thế còn vay mà không có ý định trả.
Lúc này mẹ mới ngập ngừng kể, là anh rể có máu... đan quạt. Ban đầu là chơi vui, dần dà hết vui, lại còn mang nợ. Sau khi lấy hết tiền tích cóp của vợ, anh rể nói chị về mượn ông bà ngoại.
Anh rể cho rằng cha mẹ có 2 con gái, ông bà có nhà, có xe, sau này cũng cho 2 con chứ cho ai. Cứ coi như giờ mình lấy trước, sau này lấy ít so với Thùy là được.
Anh bàn tính thế mà chị Liên cũng nghe. Chị về mượn tiền mẹ, mẹ thương chị, giấu cha đưa tiền cho chị mượn. Khoản lớn khoản nhỏ cộng lại cũng gần 500 triệu đồng. Đến giờ cha còn chưa biết trong nhà hết tiền.
Lúc này cha đang bệnh, mấy mẹ con sẽ không dám nói cho cha biết chuyện này, mọi chuyện giờ chỉ trông cậy vào vợ chồng Thùy, chồng Thùy tính chuyển cho mẹ 100 triệu đã chuẩn bị nhưng Thùy can. Thùy nói chuyện với mẹ cho rõ ràng với 3 ý:
Thứ nhất, nếu chị mượn tiền làm ăn hay đầu tư thì không nói làm gì, mà đây là mượn tiền trả nợ bài bạc, mà máu bài bạc một khi đã nhiễm thì khó mà dứt.
|
|
Thương con như cách của mẹ chị thấy không ổn (ảnh minh hoạ) |
Thứ hai, mẹ không nên giấu cha đưa tiền dưỡng già của ông bà cho chị. Nếu mẹ nói cho cha biết, có thể cha không cho chị mượn. Cứ để kệ anh rể bị người ta đòi nợ, bị đe doạ, biết đâu anh sẽ sợ.
Thứ ba là mẹ xót con gái, cho mượn tiền nhưng lại không nhắc nhở đòi lại. Chị thấy mượn được nên cứ mượn, gần như tiếp tay cho anh rể.
Nhìn mẹ ngồi thần người, Thùy vừa thương vừa giận. Lòng mẹ thương con Thùy hiểu, nhưng thương như mẹ thì không ổn. May là bệnh của cha không kéo dài, nếu không thì biết trông cậy vào đâu, không nhẽ phải bán nhà?
Thùy cũng không hiểu tại sao chị gái được ăn học mà còn tính toán bòn rút tài sản của cha mẹ đẻ, nghe lời tay cờ bạc. Gặp chuyện chỉ biết khóc mà không có phương án hay hướng sửa chữa khắc phục nào.
Về nhà rồi mà Thùy chưa hết bực. Cả tháng nay mẹ vất vả chăm cha trong bệnh viện, bà lại còn nhận việc nói chuyện với chị Liên: "Cứ coi như con chưa biết gì, để mẹ xử lý. Mẹ biết sai rồi, mẹ hứa sẽ nghiêm khắc!".
Nghe mẹ nhỏ giọng gần như van vỉ, Thùy rơi nước mắt. Thùy cáu không phải vì số tiền bị mất hay tài sản thừa kế sau này hao hụt, mà vì mẹ thương chị mù quáng. Thùy sẽ chờ mẹ nói chuyện với chị, nếu chị không nhận ra sai lầm mà sửa, khi ấy Thùy nói chuyện cũng chưa muộn.
Tình hình này, vợ chồng Thùy sẽ cố gắng lo cho cha trước. Cha khoẻ lại rồi tính tiếp.
Theo phụ nữ TPHCM