Cô Hạnh Dung kính mến,
Gia đình tôi có 2 con gái, 1 con trai. Chúng tôi sống trong căn nhà chỉ có 2 phòng ngủ. Lúc các cháu còn nhỏ, thì mọi việc tạm ổn. Bố mẹ một phòng, các con một phòng. Tới chừng thằng nhỏ 11 tuổi, nó nhất quyết không ngủ chung với các chị nữa.
Chúng tôi phải ngăn phòng khách ra một phòng nhỏ cho nó. Mọi việc cũng tạm ổn. Hai con gái tôi vẫn ở chung phòng nhiều năm nay.
Mới đây, con gái đầu của tôi tuyên bố ra ngoài thuê phòng ở. Nó mới đi làm được 2 tháng, có lương mới chỉ tầm 10 triệu, nhưng nhất quyết bỏ ra 5 triệu thuê phòng ở riêng.
Đầu tiên, nó nói muốn ở gần công ty cho tiện đi lại. Nhưng thật ra công ty cách nhà có hơn chục cây cũng không phải xa lắm. Sau nó nói rằng muốn có phòng riêng, cả đời ở chung với em, nó chán lắm rồi.
Tôi không muốn cho con gái ra ngoài ở riêng như vậy. Nó còn quá nhỏ, còn chưa có kinh nghiệm sống, tôi sợ nó gặp chuyện gì bên ngoài. Con gái sa sẩy một chút mất hết cuộc đời. Vả lại nó làm lương chưa bao nhiêu, trả hết phân nửa vào chuyện thuê nhà thì làm sao đủ sống, làm sao có tiền tích lũy riêng?
Ba chị em nó đồng lòng với chuyện chị ra ngoài ở. Tụi nó nói ở nước ngoài con cái 18 tuổi là ra ở riêng rồi. Nhưng ở nước ngoài khác Việt Nam chứ. Vì chuyện này mà không khí trong nhà rất căng thẳng. Con tôi tuyên bố là dù chúng tôi không đồng ý, nó cũng ra ngoài ở.
Nghe đâu nó đã đặt cọc phòng và giờ không thể mất tiền cọc được. Tôi và chồng đang rất lo lắng, bối rối. Chồng tôi tuyên bố nó đi thì từ con luôn.
Xin chị Hạnh Dung cho tôi lời khuyên ạ.
Thanh Hà
Chị Thanh Hà thân mến,
Hạnh Dung rất thông cảm với những lo âu của chị. Chúng hoàn toàn chính đáng, bởi chúng đến từ bản năng che chở cho con suốt nhiều năm qua. Người mẹ nào trong tình huống này cũng có cảm xúc như chị thôi.
Thế nhưng, có lẽ chị vẫn còn nhớ, từ lúc các con lọt lòng, cho đến giai đoạn dậy thì, chắc chắn chị đã phải chứng kiến rất nhiều những thay đổi tâm lý, tính cách, thậm chí là thói quen sống của con. Chị cũng từng sẵn sàng đối mặt với những thay đổi đó.
Một trong những bước trưởng thành quan trọng đang đến với con gái của chị. Ngày xưa, ở lứa tuổi này, bước trưởng thành đó là cha mẹ dựng vợ gả chồng cho con cái. Còn ngày nay, ở khá nhiều gia đình, đó lại là việc chấp nhận hay không việc cho con tách ra sống một mình, tự lập, thoát khỏi vòng "kiểm soát" của cha mẹ.
Nhu cầu được ra ngoài sống của giới trẻ đang ngày càng mạnh hơn bao giờ hết. Nó đã và đang trở thành chuyện bình thường chứ không còn là cá biệt trong một vài gia đình.
Điều này không hoàn toàn là cách sống du nhập từ phương Tây vào như nhiều người nghĩ. Hiện tượng rất đông thanh niên (cả trai lẫn gái) từ các tỉnh thành lên thành phố lớn để học tập, lập nghiệp, định cư tăng dần mỗi năm, khiến văn hóa sống tự lập đang càng ngày càng trở nên bình thường hóa trong giới trẻ.
Thậm chí người trẻ trong các gia đình nhìn vào đó và ngưỡng mộ. Sống riêng trở thành những điều đáng tự hào, đáng mơ ước.
Mặc dù biết rằng hết sức khó khăn, nhưng chị và chồng vẫn phải chấp nhận rằng đây là quyền tự do của con gái khi đã trưởng thành, và điều đó là một mong ước hoàn toàn chính đáng, không hề sai trái. Nhất là khi hoàn cảnh gia đình chị không đáp ứng được mong muốn riêng tư trong đời sống của một cô gái đã trưởng thành.
Thực sự, có lẽ chị cũng thấy, việc ngăn cấm, dọa dẫm để giữ chân con gái chỉ dẫn đến sự căng thẳng của một "cuộc chiến", và không khí gia đình thì ngày một tệ hơn.
Chị hãy cố hết sức thuyết phục con, nói rõ cho con biết những lý do khiến anh và chị không yên tâm. Thế nhưng, chị đừng để xảy ra tình trạng đối đầu khiến con bỏ nhà đi. Khi con bỏ đi như thế, chị sẽ càng khó giữ liên lạc với con hơn. Ít thông tin về con, con từ chối không về nhà thì chị sẽ không biết lúc nào có thể con cần sự hỗ trợ của gia đình...
Hãy thử đưa ra ý kiến về việc con có thể cùng ở chung với một bạn nữ nữa (thuê căn hộ 2 phòng ngủ), để con không sống hoàn toàn một mình, con có một người bạn tốt có thể hỗ trợ nhau. Nếu được như vậy, chị hãy tìm cách gần gũi và tạo mối quan hệ thân thiết với cô bạn gái đó như một người thân của gia đình.
Đương nhiên việc cân bằng chi tiêu sinh hoạt với số tiền lương hiện giờ của con gái chị có thể sẽ khó khăn. Thế nhưng chị nên suy nghĩ theo hướng tích cực, rằng những khó khăn đó sẽ dạy cho con những thói quen sống tốt, cho việc lập gia đình về sau.
Hạnh Dung mong rằng chị và con gái có thể có được những quyết định chung về vấn đề này, cũng như sẽ luôn có thể dõi theo, giữ liên lạc với con, dù cháu bắt đầu sống tự lập.
Ông bà ta còn có câu “Đi xa mới biết nhớ nhà”, có thể việc cháu rời xa cha mẹ, sẽ giúp cháu hiểu, yêu thương và trân trọng những gì cha mẹ đã làm cho mình. Hay nói cách khác, với sự nhẫn nại, bình tĩnh của chị, mọi hướng giải quyết đều có thể giúp gia đình hiểu và gắn bó với nhau nhiều hơn.
Theo phụ nữ TPHCM