leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa

Nói không với thiết bị điện tử

Nhà cậu em tôi, từ lâu đã không dùng tivi vì sợ con lên Youtube, xem Tiktok. Wifi cũng không mà chỉ có 4G để cậu kiểm tra e-mail. Điện thoại đều để trong phòng làm việc hoặc phòng khách còn phòng ngủ tuyệt đối không điện thoại. Con trai lớn của cậu chỉ được dùng điện thoại "cục gạch" để nghe, gọi và về nhà là tắt máy.

Sau 22h là chẳng ai liên lạc được với bất cứ ai trong gia đình cậu. Cậu cực đoan đến độ sợ cả điều hòa vì sợ biến con thành đứa trẻ lệ thuộc điều hòa nên ở nhà cửa nẻo mở toang, chỉ dùng quạt cây. Tôi đùa cậu: "Sao chú không bỏ luôn loa đài, đừng dùng nồi cơm điện, lò vi sóng, tủ lạnh nữa đi". Cậu bảo: "Không! Em chỉ muốn tốt cho các con em thôi. Em sợ những thiết bị điện tử làm xao nhãng, đứt gãy kết nối gia đình".

Có nhiều cha mẹ cũng giống như cậu em tôi, đều nói không với thiết bị điện tử, đồ công nghệ. Đặc biệt là điện thoại thông minh, mạng xã hội. Đúng là không ôm điện thoại thì thời gian cả nhà quây quần, tương tác với nhau có tốt lên. Vợ chồng, con cái chơi với nhau nhiều hơn. Mẹ đọc sách cho con, cha chơi cùng con. Con trẻ có cha mẹ dành thời gian cho mình cũng lấp lánh hạnh phúc.

Nhưng không phải cha mẹ nào cũng có thể đến 22h là tắt điện thoại, là dành trọn vẹn buổi tối chơi cùng con. Phải là những cha mẹ đủ điều kiện kinh tế. Chứ phần đông cha mẹ "cày" bục mặt, có khi phải mang cả công việc về nhà mới hoàn thành được chỉ tiêu. Có nhiều cha mẹ cấm con dùng điện thoại thông minh nhưng mình thì… không cai được.

Lý do là nhiều mối quan hệ phải trao qua đổi lại, phải tương tác để nuôi dưỡng mối quan hệ. "Khi anh bình luận trên Facebook là để giữ quan hệ với họ đấy chứ đâu phải "like" dạo, "comment" (bình luận) dạo đâu". Hoặc với nhiều người là "update" (cập nhật) thông tin vì không muốn mình lơ ngơ như bò đội nón khi tới công sở nghe mọi người nói chuyện.

"Em bị đồng nghiệp coi là người nhạt nhẽo nhất cơ quan vì chả biết mọi người đang nói gì. Vì ít lướt Facebook nên các 'trend' trên đó không biết".

leftcenterrightdel
 Nhà văn Hoàng Anh Tú

Con trẻ cũng chẳng khá khẩm hơn. Nhiều đứa trẻ bị cô lập chỉ vì không tham gia các nhóm "chat" của hội bạn. Cô giáo giao bài tập về nhà thông qua nhóm "chat" nhiều hơn. Bạn bè trao đổi tài liệu hỗ trợ học tập cũng qua các nhóm "chat". Rồi phải làm các bản trình chiếu. Rồi phải lên mạng tìm tài liệu thay vì vào thư viện.

Như con trai của cậu em tôi, học sinh lớp 7 mà lơ ngơ vì ngồi giữa đám bạn cùng tuổi chẳng biết nói gì. Đứa nào cũng cắm mặt vào điện thoại, ai rảnh mà nói cùng? Chiếc điện thoại "cùi bắp" chỉ nghe gọi của cậu nằm im trong túi, có khi cả tháng không ai gọi.

Công nghệ làm chúng ta thú vị hơn

Tôi lại có một cậu em khác, một nhà báo mê công nghệ. Nhà cậu gần như 100% "máy làm". Từ rèm cửa tự động, trợ lý ảo, máy giặt wifi, tủ lạnh wifi (còn có cả chức năng chơi nhạc), robot lau nhà tự động…

Con trai lớn của cậu học lớp 7 nhưng đã kiếm ra tiền từ việc… sửa điện thoại, tạo ra những ứng dụng, minigame. Cậu bé mày mò thế nào mà lập trình được cả những ứng dụng giúp mẹ quản lý hàng hoá. Cậu em tôi khoe: "100% cháu học trên mạng đấy anh. Đang muốn sau này đi theo con đường công nghệ thông tin.

Cô em gái mới lớp 4 đã nhoay nhoáy dùng trí tuệ nhân tạo ra lệnh bằng văn bản để tạo những bức ảnh và ước mơ trở thành… nhà thiết kế thời trang sau khi AI giúp cô bé tạo ra những mẫu quần áo, váy vóc. Điều đáng nói là cả nhà buổi tối vẫn quây quần bên nhau nói đủ thứ chuyện liên quan đến công nghệ, thậm chí thành lập nhóm "chat" gia đình dù mọi người vẫn đang ngồi cạnh nhau. Vì chỉ trên nhóm "chat" mới chia sẻ được những video, hình ảnh, âm thanh.

Tôi nhớ năm 2016, hồi "Pokemon Go" làm mưa làm gió ở Việt Nam và thế giới, tôi với 3 đứa con của mình tiêu một mùa hè bên nhau bằng việc… đi bắt Pokemon. Những ngày nắng chói chang mà 4 bố con lỉnh kỉnh dây sạc, điện thoại và lên đường đi khắp hang cùng ngõ hẻm của Hà Nội để "săn" Pokemon.

Giờ 3 đứa con của tôi thuộc làu từng góc phố bằng việc nhớ chỗ này bắt được con Pokemon này, chỗ nọ là nơi "đánh gym" (một hoạt động trong game). Đó là mùa hè thú vị của 3 đứa trẻ. Mặc dù khi về, mẹ của các con tôi mắng cho 1 trận vì nắng nôi thế mà mấy bố con cứ nhong nhong ngoài đường.

Công nghệ không xấu. Công nghệ không chia cắt chúng ta. Wifi không làm chúng ta xa nhau. Điện thoại thông minh càng không khiến chúng ta mất kết nối với nhau. Mạng xã hội cũng vậy. Ở đây, thứ mà chúng ta phải phân biệt rõ ràng là cách chúng ta đang dành thời gian cho nhau hay dành thời gian cho ta.

Vợ chồng lên giường, hai người ôm hai chiếc điện thoại nhưng chân vẫn gác lên nhau, miệng vẫn nói với nhau, vẫn "anh xem này, cái X mới có bạn trai nước ngoài này", vẫn "em nghe nhé, bài viết của ông T về hôn nhân hay quá, chúng mình phải thay đổi để tốt lên thôi". Chiếc tivi vẫn gắn kết gia đình khi cùng nhau ngồi xem.

Công nghệ đang hỗ trợ chúng ta rất nhiều. Hai đứa lớn nhà tôi vẫn nấu ăn cho cả nhà bằng những clip dạy nấu ăn chúng xem trên Youtube. Cô út vẫn "đãi" cha mẹ bằng những bản nhạc đang "hot" trên Tiktok. Vợ tôi vẫn "tag" (gắn thẻ) tên tôi vào mỗi bài viết hay mà nàng đọc được trên mạng.

Chúng tôi vẫn ngồi nhà video call với ông bà nội ngoại ngay sau khi 1 trong 3 đứa trẻ nhà tôi đạt thành tích gì đó. Khoe với ông bà. Và trong thành tích của lũ trẻ, chiếc điện thoại thông minh đã giúp chúng rất nhiều trong việc tìm kiếm tài liệu, học hỏi. Đến cả các cụ nhà tôi giờ cũng quen dùng Google Map, mua hàng trên mạng nhoay nhoáy.

Ba vợ tôi có một vườn hoa cực đẹp nhờ tham khảo kinh nghiệm trên mạng và đặt mua cây từ khắp nơi. Người già bớt cô đơn khi có chiếc điện thoại thông minh và mạng xã hội đầy thứ hấp dẫn.

Đừng sợ 4.0, bạn vẫn còn nguyên quyền được hạnh phúc!

Nếu ai từng đọc Facebook của tôi hẳn sẽ thấy rất nhiều người vợ "tag" chồng vào dưới mỗi bài viết về hôn nhân của tôi. Tôi tin rằng đó là những cuộc hôn nhân hạnh phúc khi mà họ vẫn giữ được kết nối với nhau.

Trong những gia đình, kết nối giữa cha mẹ- con cái, giữa chồng với vợ, giữa các thành viên trong gia đình với nhau sẽ càng mạnh mẽ hơn khi họ biết sử dụng công nghệ để hỗ trợ kết nối. Như chụp cùng nhau những bức ảnh chung rồi đưa vào album gia đình, chỉ gia đình mới xem được. Như những chia sẻ cho nhau biết bao bài học bổ ích trên mạng. Như "tingting" tin nhắn đến cho nhau cả lúc đang ngồi bên nhau.

Một tin nhắn xin lỗi ngọt ngào mà nhiều khi nói ra bằng miệng chưa chắc đã được như thế. Như hai vợ chồng tôi nhiều lúc trước mặt các con không thể nói những câu chuyện riêng tư, bèn nhắn tin cho nhau. Như trong album ảnh của tôi có gần 1.000 bức ảnh những bữa cơm mà 2 con lớn nhà tôi đã nấu. Hay có những lúc mở Facebook xem ngày này năm xưa những clip hồi bé của các con, bật tivi để cả nhà cùng xem và rưng rưng cùng nhớ.

Không! Sẽ chẳng có cái gì cướp đi người thân của chúng ta đâu nếu như chúng ta vẫn là số 1 trong tim nhau. Thời 4.0 hay có thêm AI cũng thế, công nghệ giải phóng sức lao động để ta có nhiều năng lượng dành cho nhau.

Như con robot lau nhà sẽ không làm vợ chồng cãi nhau về việc tại sao nhà bẩn quá. Như chiếc điện thoại để bất cứ lúc nào cũng có thể nhắn được cho nhau câu: "Anh nhớ em!" hay "Cảm ơn con trai của bố nhé!". Để niềm vui được chia sẻ. Để cả nước mắt nếu có rơi cũng sẽ được hong khô bằng những tin nhắn hay những tâm sự mà không thể bật thành tiếng.

Là cái cách chúng ta đừng bỏ rơi nhau dù vì những thiết bị điện tử hay không phải vì những thiết bị điện tử. Người nhà luôn là số 1, là ưu tiên cao nhất. Là đừng để ai trong nhà mình bị rớt lại phía sau chỉ vì ta đang bận bịu với chiếc điện thoại.

Buông máy xuống khi ta cần những cái ôm. Và cứ ôm máy đi nếu ta đang đi tìm điều thú vị để chia sẻ với người thân của mình. Một thời đại mà công nghệ, thiết bị điện tử đã và đang giúp chúng ta yêu thương nhau nhiều hơn nữa, giá trị hơn nữa.

Cuối cùng, Ngày Gia Đình Việt Nam của thời 4.0 sẽ là ngày mà chúng ta có thể lưu trữ lại rất nhiều, rất nhiều hình ảnh hạnh phúc của cả nhà. Và nếu như bạn chưa tìm ra cách gì để tổ chức ngày này được đặc biệt thì tại sao không dành một khoảng thời gian lên mạng tìm kiếm đi. Chúc bạn có Ngày Gia Đình Việt Nam đáng nhớ!

Hoàng Anh Tú