Trời nhá nhem tối, cậu con út rên rỉ vì đau bụng. Chị hớt hải kiểm tra lại xem từ sáng đến chiều thằng nhỏ ăn gì, uống gì, có nghịch gì lạ không, nhưng thằng bé lắc lắc đầu mà cơn đau thì càng lúc càng dữ dội.

Thấy tình hình không ổn, chị gọi xe đưa con vào bệnh viện, chỉ kịp vơ theo bộ quần áo cho con, một ít tiền và cái điện thoại. Trên xe chị nhấn số gọi chồng. Cuộc gọi đầu tiên anh bắt máy, giọng có phần đã say, nghe vợ nói con đau bụng thì anh đáp gọn lỏn mấy tiếng: “Có khi rối loạn tiêu hóa, hồi bé đứa nào chẳng bị". Rồi anh cúp máy cái rụp.

Chị thở dài, kiên nhẫn gọi cho anh thêm cuộc nữa, mục đích cũng là để dặn anh về sớm, nhà vẫn còn thằng bé 10 tuổi đang phải ngủ một mình, mà theo lời hứa của mẹ là tối nay ba sẽ về sớm.

Nhưng ở cuộc gọi này anh không bắt máy, đầu dây bên kia đổ chuông rồi chỉ nhả lại những tiếng tút tút quen thuộc. Chị đành gọi nhờ đứa em họ qua trông cháu giùm. Cơn đau của thằng út thúc ruột, kéo chị tập trung vào chuyện đưa con đến viện. Kết quả là bé đau ruột thừa, mổ cấp cứu ngay trong đêm. Chị thức trắng, vừa lo sợ, vừa giận chồng.

Nhiều lần chị thất vọng với anh nhưng lần thằng út nhập viện này là chị thất vọng nhất (Ảnh minh họa)

Nhiều lần chị thất vọng với anh nhưng lần thằng út nhập viện này là chị thất vọng nhất (ảnh minh họa)

Đây không phải lần đầu anh vắng mặt khi vợ con cần. Chị biết số mình khổ ngay từ lần sinh nở đầu tiên. Người đưa chị đi sinh là mẹ, người giúp chị xuất viện cũng là mẹ, người chăm chị những ngày ở cữ yếu ớt cũng chỉ mẹ mà thôi.

Còn chồng chị, có chăng là ngó qua những lúc nhớ con, rồi anh lại tranh thủ đi với mấy ông bạn, sẵn sàng dành thời gian cho những cuộc nhậu thâu đêm suốt sáng...

Bọn trẻ thiếu vắng sự quan tâm của ba nên suốt ngày bám mẹ, nhèo nhẽo đi theo chị. Chị muốn làm gì cho bản thân mình cũng khó, muốn dành thời gian ngủ một giấc hoặc ra đầu hẻm cắt tóc cũng không xong.

Khi em trai chị làm đám cưới, cả gia đình hò nhau mỗi người phụ một chân một tay. Nhưng suốt ba 4 ngày chuẩn bị, anh không hề xuất hiện ở nhà ngoại, mà lúc anh xuất hiện thì lại chê bai góp ý đủ điều.

Lần ấy ba mẹ tuy không nói ra, nhưng chị biết ông bà buồn. Vợ chồng cậu em cũng tủi thân, cả đời có cái đám cưới mà anh rể cũng chẳng bỏ quá cho, cứ mượn rượu lè nhè than vãn những chuyện bé xíu.

Vậy nhưng bạn bè gọi là anh tới liền, từ chuyện bạn buồn vì thất nghiệp, bạn cãi nhau với vợ muốn giải sầu, bạn làm ăn khấm khá muốn chung vui… Đủ lý do của bạn, lý do nào anh cũng thấy hợp lý và đáng để chia vui chia buồn. Khi chị khéo nhắc chuyện người nhà không thấy anh lo, chỉ lo chuyện ngoài, thì anh biện minh: “Người ta có quý mới gọi đến mình, mới mời mình, còn người nhà ở với nhau lâu dài, khách sáo thăm nom làm gì”.

Cứ thế, nhiều lần chị thất vọng với anh nhưng lần thằng út nhập viện này là chị thất vọng nhất. Khi con đã dần bình phục, anh đến thăm lại trách thằng nhỏ chỉ biết hành ba mẹ. Những câu nói ấy khiến mẹ con khóc. Chị biết mình chọn sai chồng, kéo theo những người thân yêu buồn bã, khổ sở.

. Chị muốn làm thứ gì cho riêng bản thân mình cũng khó (Ảnh minh họa)

Chị muốn làm thứ gì cho riêng bản thân mình cũng khó (ảnh minh họa)

Hôm ra viện, thằng bé mới 6 tuổi đầu lí nhí hỏi chị: “Ba không thương con hả mẹ”? Chị không trả lời, vì chính chị cũng không rõ anh có thương vợ thương con hay không. Nói “không” thì cũng không đúng, đều là gia đình, ruột thịt cả, nhưng nếu nói “có” cũng là khập khiễng, bởi nhìn đi nhìn lại, chị chẳng thấy dáng hình anh mỗi khi nhà có chuyện, khi vợ con cần anh nhất.

Hoặc là anh thương ít, nên những cuộc vui ngoài kia hấp dẫn anh hơn. Cái sự ít ỏi đó làm chị thấy đau lòng trong từng chuyện, như mỗi lần con ốm, mỗi lần con buồn, thậm chí là mỗi lần con đón sinh nhật...

Anh vắng mặt trong rất nhiều lần như thế. Ly hôn thì chẳng đành, mà ở lại thì chị thấy có chồng cũng như không, thấy gia đình ngày càng trống rỗng...

Theo phụ nữ TPHCM