Chuyện một nam ca sĩ công khai con trai ruột trong tiệc mừng sinh nhật 51 tuổi mới đây khiến tôi nhớ ngay tới đứa cháu họ.
Em họ tôi từng là một hoa khôi, rồi số phận run rủi, em đành một mình sinh con, làm mẹ đơn thân hơn 10 năm nay. Con trai em 10 tuổi mới được gặp cha và nhà nội.
|
|
Trẻ thơ đến với cuộc đời này là để chữa lành, kết nối yêu thương (Ảnh minh họa) |
Hồi mới tốt nghiệp đại học, em may mắn được nhận vào làm ở một tập đoàn lớn. Vẻ ngây thơ thánh thiện của em đánh gục vị thiếu gia con ông chủ tịch tập đoàn. Tình yêu giữa họ nảy nở. Nhưng gia đình anh ta muốn con trai kết hôn với nhà giàu để nâng cao uy tín, mở rộng việc kinh doanh. Em tôi xuất thân nông dân, cha mẹ lại nghèo nên không được bước chân vào hào môn. Bà mẹ của bạn trai còn thẳng tay đuổi việc em khi em cận ngày sinh nở.
Chàng trai ấy cứ ngỡ sẽ dừng bước phiêu lưu khi gặp cô gái xinh đẹp, thiện lành như em, nhưng việc cha mẹ quyết liệt ngăn cấm, dọa cắt thừa kế khiến anh ta nản lòng. Em cũng dần biến thành món đồ cũ như những cô gái trước đó.
Mới 22 tuổi đã làm mẹ đơn thân, biết bao điều tiếng khiến em muốn gục ngã. Em không dám về quê, sợ cha mẹ mang tiếng xấu. Giữa xứ lạ quê người, em một mình chống chọi với giông gió cuộc đời. Em nguyện với lòng, con em không có cha, không có nhà nội yêu thương, em sẽ đền bù cho con gấp bội. Trước mặt con, bao giờ em cũng dịu dàng, chưa bao giờ rơi nước mắt để con phải sợ.
Những ngày đau buồn ấy rồi cũng qua. Em gửi con đi nhà trẻ rồi đi làm trở lại. Em không bắt đền, không đòi chu cấp cho con. Em chỉ xem như trả giá đắt cho bài học đầu đời.
Mấy năm sau này, người đàn ông ấy đến với nhiều cô gái khác nhưng chẳng đi tới đâu. Cô giàu có thì không đủ xinh đẹp. Cô xinh đẹp thì lại không đủ thông minh. Người đủ giàu đủ xinh thì không thèm ngó như anh. Anh qua tuổi 40, ba mẹ đã thôi không còn thúc giục, mai mối cho anh người này người nọ.
Năm đó sắp tới ngày tiệc mừng thọ ba anh, ba má anh muốn nhìn cháu nội, muốn anh nhận lại con để có người nối dõi tông đường. Em phản đối quyết liệt vì đã quá sợ mang tiếng ham của. Mẹ con em đang sống yên ổn, không muốn có bất cứ xáo trộn gì.
Ba anh biết không thể nhận cháu nội nên rầu rĩ tới nỗi lên cơn bệnh. Má anh nước mắt ngắn dài, năn nỉ em. Năm xưa khi từ chối em, hẳn không ai nghĩ tới kết cục này...
Nhìn má anh khóc, em bỗng quên hết những ngày đẫm nước mắt nuôi con, quên những lời cay đắng bà từng trút lên em. Em hiểu bà mẹ nào cũng vì con, vì gia đình. Em chọn tha thứ cho bà để những buồn đau được ngủ yên, để con em không phải lớn lên giữa những hờn giận của người lớn...
Em dắt con đến bên giường bệnh "ba chồng hụt". Nhìn ông gầy gò, cố níu từng hơi thở, em thấy xót lòng. Em khẽ bảo con: “Gọi ông nội đi con”. Đứa trẻ vòng tay: “Thưa ông nội”, “Thưa ba”…
Những tiếng ngắn ngủi ấy của đứa trẻ như hồi sinh người lớn, khiến người thì khóc, người thì cười. Người ông được đỡ dậy, run run ôm lấy cháu, mừng tới chảy nước mắt. Căn nhà tràn ngập nắng ấm…
Cha đứa trẻ ôm con vào lòng. Anh ta run lên, như thể sợi dây ruột rà đã được đánh thức.
"Ba xin lỗi con", lời xin lỗi em chờ hơn 10 năm rốt cuộc đã được thốt ra, dẫu muộn màng nhưng cũng đủ lấp đầy những chông chênh.
Tâm tình với tôi, em nói rằng khi buông xuống giận hờn, hòa giải với nhà nội của bé, em bỗng nhẹ nhõm như thể buông được gánh nặng. Con em có thêm nhà nội yêu thương sẽ không còn hụt hẫng, không còn mang tiếng trẻ không cha. Đoạn đường sắp tới của mẹ con em dường như sẽ bằng phẳng hơn...
Trẻ thơ đến với thế giới này là để tái sinh người lớn, chữa lành những tổn thương, để gieo mầm thiện lành; không phải là công cụ để người lớn mưu cầu, tranh đấu được - mất, hơn - thua. Cho dù thế nào cũng nên rộng lòng với trẻ...
Theo phụ nữ TPHCM