leftcenterrightdel
 (Quá nhiều nhóm Zalo khiến cuộc sống chúng tôi không còn bình yên) Ảnh minh hoạ

Sáng sớm, vừa đến cơ quan, chị đồng nghiệp bực bội ném cái điện thoại xuống bàn: "Chẳng lẽ gỡ quách cái Zalo cho xong!".

Rồi chị chìa cho tôi xem gần 20 tin nhắn gửi đến từ các hội nhóm trên Zalo: Cô giáo của con trai lớn nhắn tin thông báo chuyện của trường; cô giáo của con gái nhỏ nhắn việc của phụ huynh, ban quản lý tòa nhà của khu chưng cư thông báo bảo dưỡng thang máy… rồi gần chục cái tin nhắn chúc mừng sinh nhật trên nhóm bạn bè.

Chị ngán ngẩm: "Đêm qua, chị thức làm báo cáo muộn, quên tắt chuông nên mới 5g sáng điện thoại đã ting ting làm tỉnh ngủ luôn. Lên xe vừa khởi động máy, điện thoại lại rung rần rật. Không xem thì sợ có tin quan trọng cần xử lý gấp mà em thì chẳng thể tập trung lái xe".

Tôi gật gù đồng cảm với chị, bởi chính tôi cũng nhiều lần rơi vào tình cảnh giống chị. Thời đại mà các mạng xã hội, trong đó có Zalo trở thành công cụ để tương tác và giao tiếp chủ yếu nên cái smart phone lắm khi trở thành vật bất ly thân. Từ quan hệ cá nhân đến gia đình, công việc cơ quan và biết bao các mối quan hệ khác đều tương tác qua ứng dụng Zalo.

Các hội nhóm cũng mọc lên như nấm: nào nhóm bạn cấp I, cấp II, cấp III, đại học, cao học, nhóm đồng nghiệp cơ quan, nhóm phụ huynh của con, nhóm cộng đồng chung cư, nhóm tập yoga...

Nhiều lúc bất thình lình bị người quen add vào những hội nhóm vô thưởng vô phạt, ở lại thì phiền mà tự thoát ra cũng ngại. Có lần, tôi dở khóc dở cười khi bị chồng hiểu lầm, vì một anh bạn cài sẵn chế độ chúc mừng tự động qua Zalo, cứ đều đặn như cơm bữa 6h sáng và đủ 7 ngày trong tuần đều gửi đến điện thoại của tôi: “Ngày mới hạnh phúc, may mắn thành công”, thứ Ba hoa hồng đỏ chót “hạnh phúc, an lành”, cuối tuần hoa phong lan tím “vui vẻ, ấm áp, bình an”…

Vì phép lịch sự nên mỗi khi nhận được lời chúc mừng tôi đều reply cảm ơn. Rồi một ngày, chồng tôi vô tình cầm điện thoại của tôi nhìn thấy liền sửng cồ. Tôi giải thích rõ ràng nhưng anh vẫn nghi ngờ:

- Không có gì với nhau thì rỗi hơi mà ngày nào cũng gửi hình ảnh nhắn tin chúc mừng.

Từ hôm ấy, mỗi khi nhận được tin nhắn chúc mừng, tôi bỏ qua không xem. Một thời gian không thấy nhắn nữa, tôi mừng vì đỡ đi được một mối phiền phức. Ở trường của con tôi, cô giáo cũng lập nhóm Zalo để trao đổi với phụ huynh. Ngoài ra, phụ huynh lại có nhóm Zalo riêng. Họp phụ huynh đầu năm cô giáo đã quán triệt Zalo nhóm lớp là để cô giáo thông báo và trao đổi những việc chung của lớp, của trường những việc cá nhân đề nghị nhắn tin riêng. Cô giáo thực hiện rất nghiêm túc. Những việc liên quan đến từng học sinh, cô giáo sẽ gọi điện hoặc nhắn tin riêng. Ấy vậy mà nhiều phụ huynh việc cá nhân mà cứ nhắn qua lại lên nhóm Zalo lớp. Rồi đến ngày sinh nhật của các thành viên trong lớp cũng thi nhau chúc mừng trên nhóm chung.

Nhiều lúc đang ngồi làm việc hoặc họp hành, tôi cũng bị làm phiền. Có những tin nhắn của cô giáo gửi đến không ghim, nhiều phụ huynh chưa kịp đọc cũng trôi luôn. Mấy lần nhắc nhở không xong, cô giáo đành phải dùng chế độ khóa tin nhắn gửi đến. Chỉ có cô giáo mới được đăng thông tin trên Zalo nhóm lớp. Từ đó, Zalo nhóm lớp mới trở nên ngăn nắp, quy củ.

Nhóm Zalo của phụ huynh thì khó hơn, vì không làm được việc đó nên có những ngày lên đến cả trăm tin nhắn với đủ thứ chuyện. Có phụ huynh còn mượn Zalo nhóm lớp để quảng cáo bán hàng, rủ nhau đi chụp ảnh sen...

Tôi thấy bất ổn nên đã mạo muội soạn "tâm thư" gửi lên đó. Một vài phụ huynh cũng phản ứng nhưng đa phần ủng hộ. Có những người còn nhắn tin riêng cảm ơn tôi. Thì ra họ cũng có chung nỗi niềm bị Zalo nhóm lớp làm phiền mà không tiện nói ra. Không thể phủ nhận những lợi ích mà Zalo mang lại nhưng tôi thầm nghĩ, mỗi người có ý thức một chút khi tham gia tương tác trên các hội nhóm thì tốt biết mấy.

Sau khi dọn bớt các hội nhóm, tôi thấy đỡ mệt hẳn (ảnh minh họa)
Sau khi dọn bớt các hội nhóm, tôi thấy đỡ mệt hẳn (ảnh minh họa)

Sau lần ấy, tôi cũng cài lại ứng dụng Zalo trên điện thoại mình. Đối với những nhóm lớp bị đưa vào bất đắc dĩ, tôi tắt thông báo hoặc để chế độ ẩn. Một vài thao tác đơn giản nhưng mang lại cho tôi sự nhẹ nhõm và rảnh rang hơn nhiều.

Giờ nghỉ trưa, tôi đem những “bí quyết” đó chia sẻ với chị. Chị ấn luôn điện thoại của chị vào tay tôi:

- Đấy, em giúp chị đi, chị mù công nghệ thông tin nên không biết xử lý thế nào đâu.

Tôi nhìn chị vừa thấy buồn cười vừa thấy tội nghiệp. 2 chị em quyết định cắt giấc ngủ trưa, tôi giúp chị “dọn dẹp” lại cái smart phone để chị không còn phải bận lòng với những phiền toái không đáng từ các nhóm Zalo nữa.

Theo phụ nữ TPHCM