|
|
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK |
Bỗng nhiên phải đưa tài sản cho chồng cũ
Trong bản án ly hôn năm xưa của họ, có phần liệt kê những tài sản tạo lập trong thời kỳ hôn nhân. Tài sản hiện hữu còn lại của thời điểm đó được phân chia bằng biên bản của một phiên tòa khác, độc lập với phiên xử ly hôn, nợ nần cũng được chia sòng phẳng ghi rõ trong biên bản: chồng trả nợ vay ngân hàng, vợ trả nợ vay bạn bè…
Vậy nhưng gần mười năm sau, người chồng đã có gia đình mới, có thêm con, đâm đơn ra tòa kiện vợ cũ, đòi chia phần tài sản có liệt kê nằm trong bản án xử ly hôn trước đó.
Tài sản ông đòi chia gồm một căn chung cư (đã được bán từ trước khi hai người phân chia tài sản) và một miếng đất ở tỉnh. Miếng đất này đã được ông bố làm giấy ủy quyền cho con gái được toàn quyền định đoạt từ trước khi hai người phân chia tài sản.
Ra tòa, người vợ cay đắng nói, cái sai lớn nhất của bà là khi làm biên bản phân chia tài sản tại phiên tòa năm xưa đã không yêu cầu ghi rõ: những gì có để chia là tất cả tài sản của vợ chồng còn đến thời điểm đó. Bởi vì, những tài sản khác đều đã bán hết, bán cái nhỏ để góp lại mua cái lớn hơn, còn đâu nữa mà chia. Mảnh đất ủy quyền cho con gái đã được con bán cho một người cháu, khi người cháu về quê sinh sống rao bán mảnh đất, bà tiếc nên mua lại, vậy nên bây giờ miếng đất mới mang tên bà, nếu bán cho ai khác rồi thì cũng làm gì còn để chia.
Tại tòa, vị chủ tọa bằng nhiều lý lẽ cố gắng thuyết phục người chồng rút yêu cầu phân chia căn hộ, vì căn hộ đã bán và người vợ cũ cũng đã một mình nuôi nấng chăm sóc hai đứa con chục năm nay, có thể coi như đó là phần ông đóng góp nuôi con, cho con. Vài trăm triệu theo giá trị định giá thời điểm hiện tại cũng đâu là bao.
Cuối cùng thì người chồng chấp nhận rút yêu cầu phân chia căn hộ, còn mảnh đất, anh nhất quyết đòi chia đôi, mặc cho lời đề nghị của vợ là để lại cho con hoặc chia làm bốn (tính cả hai đứa con), bà sẽ đưa lại cho ông 1/4 giá trị mảnh đất.
Tòa nhận định, mảnh đất là tài sản chung vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân, tuyên hủy các hợp đồng mua bán trước đó, vợ chồng chia đôi giá trị mảnh đất, chồng được giữ đất và trả lại cho vợ số tiền hơn 1 tỷ đồng - trị giá bằng nửa số tiền miếng đất theo định giá của Nhà nước. Người vợ tuyên bố sẽ kháng cáo bản án lên tòa cấp cao hơn.
|
|
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK |
Cú phản đòn của đàn ông?
Câu hỏi lớn nhất đọng lại trong tôi sau phiên tòa là, điều gì đã khiến người đàn ông hành xử như vậy với người phụ nữ từng là vợ mình đến 30 năm, là mẹ của hai đứa con mình? Miếng đất được định giá chỉ hơn 2 tỷ đồng, giá thị trường cũng chỉ tầm 3 tỷ đồng không quá cao, chia ra cũng chẳng phải là con số quá to tát để mười năm sau ông phải lôi bà đi hầu tòa ròng rã suốt hai năm?
Đây không phải là vụ việc ly hôn xong hàng chục năm vẫn quay lại đòi chia tài sản. Tôi từng chứng kiến một vụ kiện còn đắng chát hơn thế, kéo dài suốt hơn 20 năm từ phiên xử lần đầu tiên. Cả bị đơn lẫn nguyên đơn bây giờ đều đã trên 80 tuổi nhưng cuộc phân chia vẫn chưa ngã ngũ.
Ngày đó, ông bà ly hôn khi có với nhau sáu mặt con, trải qua cũng ngót nghét 30 năm đầu ấp tay gối. Ra tòa, bà được chia một căn nhà lớn hơn, ông được một căn nhà nhỏ và hai cái xe ô tô. Thời điểm những năm 1980 khi hai người chia tay, giá trị một chiếc xe ô tô lớn hơn giá trị căn nhà nhỏ.
Họ đường ai nấy đi, tài sản được chia ông cũng đã bán. Bà ở vậy, sống cùng con. Ông cũng kịp lấy thêm mấy đời vợ, có thêm con. Hơn mười năm sau, ông khởi kiện ra tòa, đòi chia lại tài sản, mà tài sản chung lúc đó chỉ còn căn nhà bà được chia năm xưa và bà vẫn đang sinh sống cùng con cháu nhưng chưa làm thủ tục sang tên đổi sổ qua tên bà.
Sau rất nhiều phiên tòa, cách đây gần 20 năm bà được tuyên thắng kiện, được cấp sổ đỏ căn nhà. Ông kháng cáo giám đốc thẩm, án bị hủy, xử lại từ đầu.
Từ đó đến nay đã hơn mười năm trôi qua vẫn chưa thể có phiên tòa kết thúc. Hệ lụy kéo theo là con cháu phải hầu tòa vì trở thành người có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan. Bà, giờ đã không còn nhiều sức lực, không ít lần bật khóc chua chát, không hiểu vì lẽ gì ông nhất định phải hơn thua bằng được với bà trong khi nếu xét về gia sản, ông giàu có hơn bà gấp nhiều lần. Cái nhà đó, nếu bà như ông bán từ xưa thì làm gì còn để ông đòi chia. Hoặc giả bà lấy chồng khác và đưa về nhà sinh sống khiến ông tức giận thì đã đành...
Hai câu chuyện, chung một bài học, chung một hệ lụy. Người nghe chuyện xem những người đàn ông trong các câu chuyện đó là cạn tình cạn nghĩa, coi nặng đồng tiền. Nhưng không thể phủ nhận một điều, những người đàn ông đó là những người duy lý. Họ có sự chuẩn bị rất kỹ càng cho cú phản đòn sau hàng chục năm. Nhưng đàn bà thì quá duy tình. Khi ly hôn, vết thương lòng còn rỉ máu, có mấy ai để ý đến thủ tục giấy tờ, để ý đến việc phải rạch ròi kỹ lưỡng về pháp lý để bảo vệ mình. Khi đụng chuyện, những người đàn bà đó mới ngơ ngác: tài sản đã chia rồi mà, phần này là của tôi, cũng là của con sau này, sao lại thế được!
Nhìn vào, ai cũng có thể thấy rõ nạn nhân trong những sự tranh chấp này, nhưng khi ra công đường, tòa xét xử trên chứng lý, về tình thì chỉ có thể thuyết phục mà thôi. Nhưng nếu đã có tình, nguyên đơn đâu kiện bị đơn ra tòa sau ngần ấy năm chia rẽ.
Bài học đặt ra là, tiền bạc phân minh, ái tình dứt khoát. Tài sản trong hôn nhân khi tan đàn xẻ nghé mà phải mang ra tòa phân chia thì nhất định phải giấy trắng mực đen.
Trong biên bản của tòa phải được ghi cụ thể, chi tiết, không bỏ sót bất cứ thứ gì. Vợ được gì, chồng được gì, rạch ròi dứt khoát. Chia xong rồi thì nhớ công chứng sang tên đàng hoàng, của ai ra người đó, không dính dáng gì đến người còn lại. Mười năm sau ly hôn mà còn phải đối mặt nhau trước tòa để chia thứ tài sản không còn hiện hữu, lỡ mà bị tuyên phải trả lại nửa tiền thì cay đắng lắm thay!
Theo phụ nữ TPHCM