Có lần giận chồng, tôi bồng con về nhà ba mẹ. Hôm ấy, tôi đã nói một câu vừa thật lòng nhưng ngẫm lại cũng thiếu tế nhị: “Giận chồng là động lực mạnh mẽ nhất để con xách gói về nhà mình”. Mẹ tôi vốn dễ tính, ít xét nét nên bà không “chấp” mấy lời ấy của tôi, nhưng ba thì khác. Ông vặn lại: “Là khi giận chồng con mới... sực nhớ tới ba mẹ? Con coi nhà ba mẹ là nơi tá túc những lúc giận chồng chứ đâu phải con chủ động về thăm ba mẹ?”.
|
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Ba phân tích không sai. Nhưng thử hỏi, mỗi lúc giận chồng, phụ nữ thường ẵm con đi đâu? Tôi tin, trên 50% là về nhà ba mẹ đẻ, vì đó là nơi bình yên nhất để được nương tựa, được bộc bạch. Về để nằm vô lo trên chiếc giường thời con gái, hay giao con cho ba mẹ để đi chơi với bạn bè mà chẳng sợ ba mẹ phiền lòng.
Ba mẹ thương con mỗi người mỗi kiểu. Nếu mẹ tôi bảo bọc thì ba nguyên tắc. Mẹ muốn giữ cô con gái đang giận chồng ở với mẹ lâu hơn thì ba chỉ muốn đuổi con về với chồng. Ba nói, vợ chồng vui vẻ thì về ở bao lâu ba cũng... chứa. Ba muốn tôi về thăm trong tâm thế của đứa con gái nhớ ba nhớ mẹ thì về.
Sau sự cố phát ngôn thiếu chín chắn ấy, tôi tự nhủ từ nay mấy chuyện vợ chồng giận nhau không đáng, sẽ tự mình giải quyết, nhất định không để ba mẹ bận lòng. Từ sau lần đó, vợ chồng tôi ít giận nhau hơn, tôi siêng về thăm ba mẹ hơn, và về khi lòng mình hân hoan.
Con gái giận chồng, khó lòng qua mắt phụ huynh, bạn bè tinh tế cũng dễ nhận biết. Nhà ba mẹ luôn là điểm đến bình yên. Về để giãi bày, để mong nhận lời khuyên chứ không phải về để trốn chạy hay tự hào ta vẫn còn chỗ trú chân an toàn. Biết tính ba, nhớ có lần vừa bước chân tới đầu ngõ, tôi đã vội vàng kể chuyện vợ chồng tôi giận nhau thế nào. Ba bảo tôi vào nhà, ba mẹ lắng nghe câu chuyện lần nữa, rồi cho lời khuyên. Ba giảng hòa bằng cách chiều tối kêu con rể qua “uống với ba vài ly”. Có lời khuyên chân tình của phụ huynh, vợ chồng tôi bình thường trở lại, như chưa có chuyện gì xảy ra.
Thực tế, khi giận chồng, phụ nữ dù cố gắng tỏ ra vui vẻ nhưng có những lúc không thể kiểm soát hết cảm xúc, dễ bị người khác bắt gặp. Ra quán cà phê để “xả” bớt cục tiêu cực cũng là một lựa chọn hay mỗi khi giận chồng. Ở đó, tôi không cần phải cố tỏ ra mình ổn. Ở đó cũng không cho phép tôi ngồi lì từ ngày này sang ngày khác.
|
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Ly cà phê trong không gian yên tĩnh sẽ giúp chuyện giận hờn tan dần như mấy cục đá trong ly. Khi tâm hồn thư thái trở lại, cảm xúc sẽ được vuốt ve bởi những điều tích cực, tôi lại muốn trở về nhà, dù có thể về nằm... kèo dưới, về để hạ giọng với chồng, nhưng lòng đã thấy nhẹ nhàng hơn. Thậm chí, khi giận chồng, bạn hãy tự pha cho mình ly cà phê. Nhâm nhi cà phê tại nhà cũng có thể... hạ hỏa. Hay là đi mua sắm, đi dạo phố cũng là lựa chọn tốt.
Bạn bè tôi có vài đứa lấy chồng gần, hễ giận chồng liền xách vali về nhà mẹ. Riết rồi chồng quen nghĩ: nhà vợ là nơi an toàn, vợ đi rồi vợ về. Thậm chí có anh còn mong vợ ở bên ngoại lâu lâu cho... khỏe. Cũng có ông chồng phóng qua nhà vợ mắng vốn ba mẹ vợ vì mỗi lần vợ chồng giận nhau, ba mẹ lại “chứa chấp” con gái chứ chưa một lần giảng hòa.
Giận chồng, phụ nữ về nhà ba mẹ hay đi đâu là quyền của phụ nữ. Có muôn nẻo lánh chồng khi giận. Đi đâu cũng được, miễn tìm cho mình một liều thuốc xoa dịu cơn bốc hỏa trong lòng. Để sau khi hờn giận qua đi, phụ nữ vẫn đủ tỉnh táo, đủ yêu thương để níu giữ hạnh phúc.
Theo phụ nữ TPHCM