Tôi vẫn tin, vấn đề lớn nhất khi các cặp đôi ly hôn thường gặp phải là những đứa trẻ. Cái nhà, cái xe, cái giường còn dễ chia chác. Còn bọn con nít, nhiều khi chúng còn nhỏ tí teo, may mắn hơn thì đã đi học nền nếp ổn định, có cặp đôi vướng con khỏe, con ốm… đủ thứ vấn đề mà dẫu có chọn rẽ sang cha hay mẹ cũng xót như nhau.
Chúng tôi rời xa nhau khi con tròn 4 tuổi. Lý do chính là tôi không thể hòa hợp với gia đình nhà chồng. Anh là con một, không thể cãi lại song thân đã ở cái tuổi gần đất xa trời.
Suốt một chặng đường hôn nhân, tôi nín nhịn đủ điều, anh thì không thể chở che cho vợ, im lặng hàng mấy năm trời. Cứ thế, tôi chỉ nhìn thấy anh là một người chồng nhu nhược, anh chỉ nhìn thấy tôi là người vợ không giàu lòng bao dung. Rạn nứt cứ len lỏi dần, đến khi tôi không thể chịu đựng được nữa. Chúng tôi cạn tình, chỉ còn lại nghĩa.
Anh nhận nuôi con, tạo điều kiện cho tôi được gặp con bé thường xuyên. Tôi ở lại Việt Nam thêm 6 tháng nữa, tự mình ôm ấp những tổn thương từng trải, đưa con đi chơi nhiều hơn. Rồi sau những mệt mỏi hôn nhân, tôi quyết định ra nước ngoài một thời gian, học thêm một ngành mà hồi trẻ chưa có cơ hội học.
|
Sau ly hôn, anh đứng ra nhận trọng trách nuôi con (Ảnh minh họa) |
Còn nhớ hôm ra khỏi tòa, tôi mỉm cười hỏi anh: "Có khi nào anh lừa em, giành quyền nuôi con rồi không cho em gặp mặt, nói xấu em với con hay không?".
Anh cười nhẹ, nói tôi suy nghĩ quá nhiều rồi, rằng anh có thể là một người chồng tệ, nhưng chắc chắn anh sẽ là người cha tốt. Câu nói ấy làm tôi yên tâm hơn. Mấy tháng ở quê nhà, tôi có thể gặp con bất cứ lúc nào rảnh rỗi. Một vài lần, anh còn nói dối ông bà nội, chủ động đưa con ra ngoài để tôi khỏi phải qua nhà xin phép.
Khi sang trời Âu, dù trái múi giờ, anh vẫn chịu khó trả lời những tin nhắn hỏi thăm, gửi hình, video đều đặn cho tôi. Ở trong phòng, anh vẫn để hình cả nhà như lúc còn bên nhau. Trong hộc bàn của con, vẫn đầy ắp những khoảnh khắc có mặt tôi trong đó. Anh nói rằng dù chúng tôi chia tay thì vị trí của tôi trong lòng con là vĩnh viễn đẹp, vì vậy anh sẽ tôn trọng tình cảm của hai mẹ con, tôn trọng quá khứ của cả nhà. Tôi cảm động và cảm phục chồng cũ.
Mới tuần trước, con gái chúng tôi nhập viện vì đau bụng, ai cũng tưởng con bé chỉ bị tiêu hóa như mọi lần. Vậy mà khuya ấy, anh báo tin con phải phẫu thuật, tôi khi đó đang cách nửa vòng trái đất, vừa lo lắng rối bời vừa bất lực.
Đến khoảng 3 giờ sáng, anh nhắn tin, nói con đã ổn. Tôi thở phào, dù lòng nhẹ bẫng rồi nhưng lại rơi nước mắt khi nhìn anh chụp giường bệnh con nằm, chai nước suối anh uống vội, ổ bánh mì khô khốc đặt trên bàn cùng với vài hộp sữa và những vỉ thuốc ngổn ngang.
Tôi vẫn biết gà trống nuôi con là khó nhọc, nhưng đến tận giờ phút này tôi mới thấm. Anh đã thay tôi gánh vác tất cả những gì vất vả nhất sau một cuộc hôn nhân đau buồn. Còn niềm vui, sự hân hoan, háo hức của hai mẹ con, anh chưa bao giờ phá bĩnh.
|
Tôi vẫn biết gà trống nuôi con là khó nhọc, nhưng đến tận giờ phút này tôi mới thấm (Ảnh minh họa)
|
Có lẽ nhiều người sẽ mất niềm tin vào việc để cho đàn ông nuôi con hậu ly hôn. Nhưng tôi cho rằng, đừng nên đánh đồng một người chồng tệ với một người cha tốt. Có thể họ không lèo lái được con thuyền hôn nhân vững vàng nhưng họ luôn có bản năng làm cha và tình yêu đủ lớn để có thể lo cho con cái trong hành trình phía trước.
Đôi lúc tôi vẫn thấy sự vụng về của anh trong việc chăm con. Một người đàn ông có thể chẳng khéo léo để làm cho con những món ăn ngon, mua cho con những bộ đồ đẹp, dạy con múa hát thật hay, nhưng tình yêu của cha luôn là thứ tình cảm rất đỗi to lớn mà trên đời này có nhiều tấm gương hiển hiện.
Sau ly hôn, thật may mắn vì tôi vẫn có thể theo đuổi ước mơ dang dở thời trẻ nơi miền đất mới, đồng thời cũng có thể cùng anh theo dõi con mỗi ngày. Nhiều người nói tôi ích kỷ khi giao hết cho chồng, nhưng chỉ tôi mới hiểu, anh mới chính là bờ vai vững chắc để con tựa vào và lớn khôn.
Theo phunuonline.com.vn