Có những cặp vợ chồng sống chung nhà nhưng chẳng ai quan tâm đến ai; lại có những cặp vẫn là vợ chồng nhưng mỗi người ở một nơi, chỉ khi cần ký giấy tờ gì đó mới gặp nhau để ký.

leftcenterrightdel
 

Người thân khuyên ly hôn, họ dùng dằng không quyết hoặc cho rằng “không cần thiết”. Tại Việt Nam, chưa có cuộc điều tra quy mô trên diện rộng, chưa có thống kê cụ thể, chi tiết về những cuộc hôn nhân không hạnh phúc cùng những hệ lụy mang lại, thế nhưng đây là một thực tế đang tồn tại trong nhiều gia đình, gây nên nhiều khổ đau, nuối tiếc cho người trong cuộc.

Tổ hết ấm, vẫn không chịu rời

Cuối tháng 7/2024, chị Hoàng K.P. (tỉnh Bình Phước) tìm đến Báo Phụ nữ TPHCM nhờ chuyên viên tư vấn cách ứng xử với chồng, do chị phát hiện chồng mua xe tay ga cho tình nhân. Chị kể, chồng chị có thói trăng hoa và nhiều lần cặp với người khác, có lúc lén lút, có lúc công khai. Gần đây, anh xài tiền mất kiểm soát, bị chủ nợ tới nhà đòi.

Nhiều người - trong đó có con chị, cha mẹ chồng - khuyên chị ly hôn, nhưng chị cứ dùng dằng với lý do “chưa sẵn sàng”. Chị sợ cảm giác không có chồng, sợ bắt đầu lại ở tuổi đã ngoài 40, sợ không có tiền nuôi con, sợ miệng đời đánh giá, sợ cảm giác thua cuộc trước “đôi gian phu dâm phụ”. Chị bức bối cho hoàn cảnh của mình nhưng cũng không biết chừng nào “đủ sẵn sàng” để ly hôn.

Nhiều năm rồi, vợ chồng chị Hoàng T.X. (quận Bình Thạnh, TPHCM) nhạt phai chuyện gối chăn, tình cảm. Anh đi làm bên ngoài, chị ở nhà giữ xe kiếm thêm thu nhập. Chồng chị nhiều lần góp ý nhưng chị vẫn quanh năm suốt tháng “ôm” bãi giữ xe, không có thời gian đi ăn uống, du lịch với chồng con. Đêm khuya, vợ chồng chị đang ngủ, vẫn có người đập cửa gửi xe.

Rồi anh có bồ, có con riêng. Chị rình mò bắt ghen, rồi vợ chồng gây gổ rùm beng mấy trận, sau đó cứ thấy mặt là cắng đắng nhau. Riết rồi tình cảm nguội lạnh, vợ chồng chỉ còn nói chuyện với nhau mỗi khi cùng đưa cha mẹ chồng đi cấp cứu. Nghe nhắc đến giải pháp ly hôn, chị lắc đầu: “Tôi tự hỏi hàng trăm lần, nhưng không dám quyết. Ly hôn có nghĩa là tôi phải ra khỏi nhà chồng, biết lấy gì sống? Già rồi, xin việc chỗ nào? Bao năm “làm ô sin không lương”, chẳng lẽ giờ ra đi tay trắng?”.

Theo công bố năm 2023 của tổ chức World Population Review (WPR, chuyên điều tra về dân số và nhân khẩu học), Việt Nam nằm trong nhóm 10 nước có tỉ lệ ly hôn thấp nhất thế giới. Tuy nhiên, kết quả này dựa theo cách tính là chia số vụ ly hôn trong 1 năm nhất định cho tổng dân số.

Nên hướng tới hạnh phúc chân thật

Có những cặp vợ chồng chịu đựng nhau đến gần 20 năm, thậm chí nhiều hơn mà không bên nào chủ động hàn gắn hay chia tay. Vợ chồng anh T.P. và chị N.A. đã có 16 năm ly thân. Ban đầu, họ không ngủ chung giường; sau đó, mỗi người ở một phòng riêng; sau nữa, chị dọn về nhà mẹ ruột ở. Họ đều là trí thức, chưa từng gây gổ, chưa từng to tiếng, chưa từng nói xấu nhau. Họ từng đến với nhau bằng tình yêu, nhưng hố sâu ngăn cách ngày một lớn dần…

leftcenterrightdel
 Chị Hoàng K.P. - ở Bình Phước - lo lắng ly hôn sẽ tạo điều kiện cho chồng với người tình đến với nhau hợp pháp và chồng càng vô trách nhiệm với các con - Ảnh: Diệu Hiền

Chị nói: “Không ai có nhu cầu đi bước nữa thì cứ để vậy, ly hôn làm gì cho rắc rối. Tôi cũng ngại phải làm giấy chứng nhận độc thân mỗi khi mua bán nhà, đất (chị có nghề tay trái là mua bán bất động sản). Anh cũng tử tế nên khi làm thủ tục gì cần chữ ký là anh ký cho chị, vậy là xong”.

Mặt nạ đeo lâu cũng nặng

Sống trong cảnh hôn nhân “mặt nạ”, vợ chồng tôi đã quá ngao ngán nhau, nhưng chưa từng nộp đơn ra tòa do sợ con buồn, mặc cảm với bạn bè hoặc làm chuyện dại dột. Thêm nữa, ba tôi bị bệnh tim, sợ không chịu nổi cú sốc này. Tôi cũng sợ ảnh hưởng cơ hội thăng tiến, thu nhập sụt giảm.

Thành đạt, hiếu thảo, tôi là hình mẫu sáng chói của cả dòng họ, là niềm tự hào của cha mẹ. Giá mà tôi là một người tầm thường.

Vợ tôi nói: “Nếu ly hôn thì anh phải bước ra mình không, để tất cả tài sản lại cho vợ con mới đáng mặt đàn ông”. Nhưng tôi không đành lòng mất hết về tay vợ, bởi cô ấy không xứng đáng; mà nhờ tòa chia thì rùm beng, xấu hổ. Để tránh những nguy cơ có thể xảy ra, vợ chồng tôi bắt tay diễn kịch 6 năm rồi.

Nhưng “chiếc mặt nạ” này đeo lâu cũng nặng. Không khí gia đình quá nặng nề; các con uể oải, khép kín, học kém và mới đây, tôi còn bắt gặp cuốn nhật ký nhạt nhòa nước mắt của con. Tôi định nếu không có chuyển biến gì, sẽ dứt khoát ly hôn.

Nguyễn A.K. (giảng viên, ở quận 8, TPHCM)

 

Các lý do chính dẫn đến hôn nhân "mặt nạ"

Vì con cái:

- Sợ ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý và nhân cách của con.

- Không muốn con phải sống trong cảnh thiếu cha hoặc thiếu mẹ.

Do nỗi sợ, sự tổn thương và mặc cảm cá nhân

- Sợ điều tiếng, dư luận xã hội.

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstok

- Sợ mất uy tín, mất hình ảnh đẹp về sự toàn diện của bản thân trong mắt người khác.

Nguyên nhân kinh tế

- Sợ mất chỗ dựa về kinh tế do bị phụ thuộc.

- Lo lắng về những phiền phức và tổn thất về mặt pháp lý từ việc phân định tài sản khi chia tay.

Tuổi tác và sức khỏe

- Lo lắng khó tìm được một đối tác phù hợp hơn trong hôn nhân mới, do vấn đề về tuổi tác, sức khỏe và sinh lý.

Níu kéo tình cảm và sự kỳ vọng

- Vẫn còn tình cảm và mong muốn níu kéo quá khứ với hy vọng về một sự thay đổi trong quan hệ hôn nhân tích cực hơn.

- Áp lực từ sự kỳ vọng của gia đình, mong muốn có một hình thức hôn nhân - gia đình trọn vẹn.

Vì các lý do khác:

- Sợ đối mặt với sự thay đổi.

- Không muốn bắt đầu lại.

- Thiếu sự tự tin vào bản thân.

- Chưa hoặc không có sự chuẩn bị tâm lý để đối diện với cuộc sống mới.

Hậu quả của việc níu kéo không lối thoát

Ảnh hưởng đến sức khỏe: stress kéo dài có thể dẫn đến trầm cảm, suy nghĩ tiêu cực, bế tắc trong cuộc sống, mắc các bệnh liên quan về sức khỏe tinh thần.

Ảnh hưởng xấu đến các mối quan hệ trong gia đình và ngoài xã hội: các mối quan hệ thường xuyên căng thẳng do sự xung đột vai trò xã hội.

Ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển bản thân: kìm hãm sự trưởng thành, hạn chế cơ hội thăng tiến bản thân khi không đủ kiến thức, năng lực và kỹ năng để bước ra khỏi vùng an toàn, kiến tạo hạnh phúc và chạm đến ý nghĩa cuộc đời.

Tiến sĩ Vũ Toản

Theo phụ nữ TPHCM