Kirstie Taylor, 28 tuổi, hẹn hò với bạn trai được tám tháng. Mối tình của họ diễn ra êm đẹp cho đến khi "cơn sóng thần" Covid-19 ập tới. Họ ở trong khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao nên phải cách ly 14 ngày. Kristie muốn cách ly cùng với người yêu. Chàng trai đồng ý nhưng muốn cả bố mẹ anh ở cùng hai người.
"Anh ấy nghĩ làm vậy an toàn hơn. Nhưng tôi cảm thấy không thoải mái khi ở bên họ và hai tuần là một khoảng thời gian dài", Taylor nói. "Tôi muốn cách ly với anh ấy. Nhưng tôi không muốn ở với cả bố mẹ anh ấy".
Đó là câu chuyện đang diễn ra trong thời Covid-19, căn bệnh rất dễ lây lan vừa được WHO tuyên bố đại dịch và khiến cả thế giới hoang mang.
|
Sự thay đổi cách tương tác xã hội để phòng tránh dịch bệnh khiến các cặp đôi phát sinh thêm nhiều cuộc tranh cãi. Ảnh minh họa:MenHealth. |
Giới chức y tế khuyến khích mọi người tự cách ly và giữ khoảng cách trong các hoạt động xã hội. Điều đó đã thay đổi cách tương tác xã hội diễn ra hàng ngày cũng như làm phát sinh chủ đề tranh cãi mới cho các cặp đôi.
Trước những lo ngại về việc dịch lan rộng ở Mỹ, mối quan tâm về cách ly, giảm nguy cơ lây truyền và phơi nhiễm đang lấn át các vấn đề thường gặp khác như tiền bạc, tình dục...
"Chúng tôi đang cãi nhau", Bradley, chàng trai 28 tuổi người New York, cho biết. Anh được mời làm phù rể cho đám cưới của người bạn với hơn 200 khách vào cuối tuần tới. Bạn gái của Bradley rất tức giận về việc này trong khi anh thấy mình buộc phải tham dự.
"Hiện tại chúng tôi đang ở mỗi người một phòng và không nói chuyện với nhau", Bradley nói.
Những trận cãi vã như trên có xu hướng theo mô hình khá dễ đoán: Một bên lo lắng đến việc nhiễm Covid-19, và bên kia không mấy quan tâm đến dịch bệnh.
Có lẽ không có gì ngạc nhiên khi những tranh luận này có liên quan đến giới tính, theo Heather McPherson, một nhà trị liệu tình dục được cấp phép ở Austin và Denver. Nữ giới có xu hướng lo lắng nhiều hơn nam giới.
McPherson cho biết, Covid-19 đã khiến mâu thuẫn về những vấn đề hôn nhân tiêu biểu (ví dụ chuyện tiền nong) bị đẩy lên một cấp độ hoàn toàn mới. Một trong những khách hàng của bà cho biết bị chồng quở trách khi chi 2.000 USD mua hàng tạp hóa trong tuần qua. Người chồng muốn tiết kiệm để đối mặt với trường hợp xảy ra suy thoái kinh tế vì đại dịch.
Ở một mức độ nào đó, căng thẳng gia tăng trong các mối quan hệ không gây ngạc nhiên. Đại dịch toàn cầu chắc chắn là thời kỳ căng thẳng cao độ.
Tuy nhiên, căng thẳng trong việc đối phó với sự lây lan của Covid-19 không nhất thiết khiến tình cảm đi xuống. Trên thực tế, khi nhiều người được làm việc từ xa và các cặp đôi có nhiều thời gian bên nhau hơn trong không gian kín, sự thân mật có thể tăng cao, Curt Ramsey, một cố vấn hôn nhân và gia đình ở Blacksburg, Virginia nhận định.
"Thời gian căng thẳng chắc chắn dẫn đến nhiều cuộc tranh cãi, nhưng điều đó đôi khi cũng có thể cải thiện quan hệ tình dục. Tôi thường thấy các mối quan hệ thiếu tình dục do quá bận rộn và quá mệt mỏi. Nếu cách ly khiến mọi người thoát khỏi sự bận rộn, ít nhất nó sẽ mang đến nhiều cơ hội hơn", ông nói.
Dù vậy, đối với một số cặp vợ chồng, sự căng thẳng đối với Covid-19 cùng với những vấn đề về tài chính hoặc tình dục trước đó có thể khiến họ không còn hứng thú gì dù có ở cả ngày với nhau. "Tôi chắc chắn rằng sẽ có một số cuộc chia tay. Đối với các cặp vợ chồng đã ở mức căng thẳng đó, tình thế này chỉ đẩy họ xa nhau hơn", McPherson nói.
Trong khi đó, đối với những cặp đôi nhẫn nại hơn, hoặc ít nhất còn có thể bày tỏ về mối quan tâm và lo lắng với nhau, dịch Covid-19 có thể giúp hàn gắn. Ngay cả trong những thời khắc đen tối nhất của cuộc khủng hoảng, các cặp vợ chồng vẫn có cơ hội hiểu nhau hơn. Đó là trường hợp của Austrew.
Trong nhiều tuần qua, vợ chồng Anstrew tranh cãi về việc chồng cô đi công tác. Anstrew phản đối vì cho rằng đó là sự mạo hiểm không cần thiết. Sự căng thẳng về dịch bệnh còn len lỏi vào mọi khía cạnh cuộc sống gia đình họ, chẳng hạn như việc mua sắm. Cô muốn mua thêm đồ dùng khi chồng thì không. Họ cũng mâu thuẫn cả việc có nên cho con trai tham gia một bữa tiệc sinh nhật ở công viên hay không.
Tuy nhiên, tất cả những tranh cãi đó đã kết thúc khi đồng nghiệp của chồng cô ngồi cạnh một người bị mắc Covid-19 trên một chuyến bay. Chồng cô được yêu cầu tự cách ly khỏi gia đình. Dù cả Austrew và chồng cùng các con không có bất kỳ triệu chứng nào, đó cũng là lúc cả hai tỉnh táo lại.
Khi cả hai phải ngủ cách xa nhau, nỗi sợ hãi về Covid-19 đã mang lại hiệu quả đáng ngạc nhiên. Nó đã khiến họ bình tĩnh lại và hiểu nhau hơn. "Chúng tôi chắc chắn không còn căng thẳng nữa. Cảm giác đó thật kỳ quặc trong tình huống này. Nhưng tôi nghĩ rằng anh ấy hiểu nỗi sợ của tôi hơn rất nhiều. Còn tôi hiểu rằng anh ấy thực sự đang làm những gì anh ấy nghĩ là đúng. Chúng tôi là một gia đình và sẽ luôn như vậy". Anstrew nói.
Theo vnexpress