Khi nào nên nhấn nút delete?
Cập nhật lúc 15:53, Thứ năm, 27/07/2023 (GMT+7)
"Trong một mối quan hệ, khi nào mình mạnh tay nhấn nút delete?". "Khi tiếc với nhau cái like". Nghe chị bạn nói vậy, tôi buồn cười, nhưng đến khi chị phân trần rõ ràng, nếu là tôi, tôi cũng sẽ delete không thương tiếc.
Một đồng nghiệp của chị, gặp nhau hàng ngày, luôn miệng khen chị viết status hay, nhiều ý nghĩa. Chị có kinh nghiệm viết lách, lại được sếp giao làm nội dung cho công ty, nên luôn nhận không ít lời khen, trong đó có cô đồng nghiệp kia.
Cô ấy dùng toàn những ngôn từ có cánh khiến người nghe mát lòng mát dạ. Chỉ có điều cô ấy chưa bao giờ like, thả tim, comment hay bất cứ tương tác nào đến những bài viết mà cô ấy không khen nức nở.
Ban đầu chị còn khắc nghiệt nghĩ: "Khen vậy mà tiếc với nhau một cái like", sau chị nghĩ lại, có thể cô ấy chưa quen dùng mạng xã hội, chưa hiểu rằng cái like đôi khi còn là sự xã giao của cho và nhận.
Đó là cách ủng hộ nhau mà. Vì người đăng ít nhiều gì cũng chịu khó chăm chút cho một bức ảnh đẹp, dành thời gian chụp bình hoa xinh xinh, viết ra những ngôn từ tích cực, hay ho… Like để thay cho lời nói với bạn rằng, mình vẫn dõi theo bạn, vẫn hiện diện cùng bạn… Và đương nhiên mình cũng mong muốn nhận lại điều đó từ bạn, để cõi mạng này không chỉ là ảo mà có sự kết nối một cách chân thành với nhau.
Nhưng chuyện không nằm ở khía cạnh cho và nhận like như trên, khi mà cô ấy gặp chị cứ tấm tắc khen bài viết, còn nói bài viết có giá trị với nhiều người, giúp thức tỉnh… Chị nghe khen thì càng thắc mắc: "Nếu bài viết mang nhiều giá trị như vậy, sao lại tiếc với nhau một cái like?".
|
|
Mối quan hệ trên mạng ngày nay không chỉ là ảo mà có sự kết nối chân thành với nhau (ảnh minh họa) |
Người viết đương nhiên cũng không vì cái like để viết hay không viết, để đo lường mối quan hệ. Khi đã viết ra, đã trải được lòng mình cũng là cách nhận lại rồi. Nhưng đã viết trên cõi mạng, là sự chia sẻ và ít nhiều gì cũng mong muốn sự ủng hộ, khích lệ mình. Nếu không, mở trang nhật ký của mình ra viết cho rồi. Viết xong cất kỹ đi chỉ để cho riêng mình.
Vì vậy mà một cái like cũng quý, cũng khích lệ người viết nỗ lực mang đến những bài viết có giá trị hơn nữa. Like quan trọng thật, nhưng dù sao những băn khoăn ban đầu ấy cũng chưa đẩy chị đến việc nhấn nút delete nick của cô đồng nghiệp kia.
Cho đến một ngày, chị vừa đăng status vào buổi trưa, lúc đi ăn cơm cùng nhau, cô ấy gặp chị và khen như mọi lần, còn nói với chị rằng muốn đưa bài viết về trang của mình vì rất tâm đắc. Đương nhiên là chị đồng ý. Facebook cũng có sẵn tính năng ấy mà chẳng cần xin xỏ gì. Mà đây cũng là lần đầu tiên cô ấy dẫn bài của chị về trang cá nhân, nên chị thấy vui vui. Tuy nhiên, chị khá thất vọng khi cả một cái like cho bài viết mà cô ta tâm đắc đến vậy cũng vẫn không hề có.
Và thế là sau bao lần dặn lòng lờ đi, lần này chị mạnh dạn nhấn delete. Chị nói, cái like không mất chút vốn liếng nào, mà còn tiếc, thì nói gì đến những thứ khác.
Hiển nhiên, mối quan hệ đó cũng nhạt nhòa đi sau khi chị hủy kết bạn. Mạng xã hội bây giờ đâu còn là thế giới ảo nữa, rất khó để rạch ròi giữa con người trên mạng và con người ở ngoài đời được. Bây giờ, người ta đối đãi với nhau trên mạng sao thì ra bên ngoài tương tự như vậy. Tài khoản mạng xã hội của mỗi người có đến vài ngàn người bạn, cho nên đâu thể biết hết nhau nếu cứ im hơi lặng tiếng. Có những người xa lạ mà nhờ comment qua lại mà ra ngoài thành quen, rồi thân.
Một lần, tôi được người bạn mời đi ăn, đó cũng là buổi gặp gỡ để biết mặt người yêu của bạn. Sau màn giới thiệu nhau, anh chàng người yêu như chợt nhớ ra điều gì, mắt sáng rỡ nói rằng anh ta với tôi cũng là bạn trên mạng xã hội… Anh ta còn mở trang của tôi để thấy rằng chúng tôi đã kết bạn từ rất lâu rồi. Điều đó để khẳng định rằng giữa chúng tôi không hề xa lạ mà cũng đã biết nhau. Nhờ vậy mà buổi nói chuyện trở nên gần gũi, thân mật.
Vậy thì, nếu đã nhận được điều gì đó hay ho trên mạng xã hội, tiếc gì nhau cái like, bạn nhỉ?
Theo phụ nữ TPHCM