Chị Hạnh Dung ơi,
Em và chồng kết hôn từ năm 2017 và có một con gần 3 tuổi. Nay em 31 tuổi. Chồng em làm nhân viên sửa xe ô tô, em đang học cao học. Em và chồng hiện sống ở Mỹ. Do em đang bận học nên con đang gửi cho ba mẹ chồng trông nom.
Hiện chồng em không muốn sống với em nữa chỉ với lý do cả hai không hợp.
Em nghĩ nguyên nhân từ tài chính. Tụi em hay cãi nhau vì chuyện tiền. Anh muốn lấy tiền để mua siêu xe. Và từ lúc anh chơi với những người bạn đã ly hôn, có thể bị bạn bè tác động. Nhưng tất cả các nguyên nhân trên anh đều không thừa nhận.
Anh thường đi chơi với bạn tới 12g khuya, đi ăn bên ngoài với bạn bè. Anh cứ làm vậy nên tháng nào cũng xài tiền quá nhiều. Em phàn nàn về những hành động đó thì anh giận.
Anh từng đề nghị ly hôn một lần, nhưng được gia đình anh hòa giải nên thôi. Từ đó tới nay, mối quan hệ của tụi em giống như bát nước đã đổ đi, không còn được như xưa. Dù em đã cố gắng vun đắp, nhưng anh cứ lạnh nhạt xa lánh em, làm em nhiều lúc bực quá phải hỏi: “Anh vẫn đang muốn ly hôn hay sao mà lạnh nhạt với em hoài vậy?”. Anh trả lời: “Anh rất muốn vậy”.
Giờ anh tuyên bố ly hôn và đang tiến hành làm thủ tục rồi. Tụi em trong giai đoạn chờ luật sư gửi giấy về. Em còn cơ hội nào không chị? Em thật lòng muốn cứu vãn hôn nhân.
Quỳnh Nguyễn
|
Ảnh minh họa |
Em Quỳnh Nguyễn thân mến,
Người ta có câu, "chỉ có thể giữ người muốn ở lại, chứ không thể giữ người muốn đi". Vậy, để trả lời cho câu hỏi của em, chúng ta cùng thử xem chồng em có còn chút nào muốn ở lại hay không em nhé.
Em đã 31 tuổi, và chắc là chồng cũng ở vào độ tuổi này, nghĩa là tuổi con người đã chín chắn, trưởng thành. Các em còn có cả một con chung. Vậy mà những gì em viết về cuộc sống gia đình, tình cảm vợ chồng... sao nghe giống như cuộc sống chung của hai đứa trẻ thì đúng hơn là một gia đình.
Các em có con, nhưng không nuôi con từ khi con mới chỉ vài tháng tuổi. Các em sống chung nhưng chồng thường xuyên đi chơi đến 12 giờ khuya. Những mâu thuẫn của vợ chồng em nảy ra đều xung quanh vấn đề tài chính, và thường được giải quyết bằng việc cãi nhau, phàn nàn, nói nhiều, ghim gút trong lòng...
Tài chính là một vấn đề khá lớn của gia đình, nhưng cách giải quyết vấn đề của các em không triệt để, không có những bàn bạc thỏa thuận đồng lòng, mà chỉ là những khó chịu, không bằng lòng. Một người thì thấy tiếc tiền, một người thì không thích bị kiểm soát, cằn nhằn.
Đã nói đến ly hôn thì phải có lý do chính đáng, và cùng nhau ngồi lại nói chuyện về lý do đó, xem cả hai có thể thay đổi hoàn cảnh, giải tỏa mâu thuẫn, và giải quyết vấn đề được hay không.
Thế nhưng, ngay cả khi từ ly hôn đã được nói ra, thì một cuộc trò chuyện nghiêm túc như vậy cũng không có, nên em cũng chỉ có thể đoán lý do mà không biết chính xác vì sao. Còn chồng em thì đưa ra một lý do rất chung chung, giống như người ta thường nói với tòa "không hợp", mà không biết rằng "không hợp" ở chỗ nào?
Đã một lần nói đến ly hôn, mà vẫn không thể bàn bạc, giải quyết mâu thuẫn với nhau, chỉ là được cha mẹ chồng hòa giải chứ không phải là giải quyết vấn đề. Nên đúng ra, sau cuộc hòa giải đó, các em phải cảm thấy cùng nhau muốn làm đầy bát nước lại, thì hóa ra chỉ là cầm lại một cái bát rỗng, đã bị đổ hết đi.
Mà hình như, cái sự giữ lại bát nước đó vô cùng miễn cưỡng, bởi sự ép buộc của gia đình - ít nhất là như thế, từ phía chồng em - thì làm sao có thể có lại được hạnh phúc chung sống?
Cái cách em kể về chuyện mình muốn vun đắp lại, thật lòng khiến Hạnh Dung rất nghi ngờ hiệu quả của nó. Nó vẫn cứ là kiểu cách của một đứa trẻ: cố gắng xuống nước, lôi kéo... đến khi thấy không được theo ý mình thì vùng vằng tra gạn, vừa đầy tự ái, vừa đầy khó chịu. Và kết quả của nó quả thật là không thể khá hơn.
Với tất cả những cách giải quyết vấn đề từ phía em như vậy, và sự thụ động không hợp tác của chồng em như vậy, thì Hạnh Dung chưa nhìn thấy cái sự "muốn ở lại" nào từ phía chồng em cả.
Tuy nhiên, "còn nước, còn tát", em hãy cố gắng hết sức thể hiện sự chân thành, yêu thương, níu giữ của mình, như trong tình cảm em có. Hãy cho chồng thấy rằng hôn nhân của mình vẫn còn điều gì đó khiến anh ấy muốn ở lại.
Hy vọng là bát nước đã bị đổ đi bao lâu nay vẫn còn gì đó để hớt lại. Và em phải thuyết phục được chồng cùng làm điều đó với em, may ra mới hiệu quả.
Theo phụ nữ TPHCM