Katie Sturino, một phụ nữ người Mỹ nói rằng, cô đã nhiều lần ao ước có thể thu nhỏ bản thân lại, hoặc thậm chí là biến mất. Từ nhỏ, Katie luôn bị gọi là đứa trẻ sumo trong lớp mẫu giáo, sau đó cô trải qua nhiều năm luôn trong trạng thái tự ti, xấu hổ về ngoại hình to béo hơn mọi người.
Kể cả khi đến tuổi trưởng thành, cô thường trực với nỗi lo sẽ không kiếm nổi một chỗ ngồi khi vào rạp chiếu phim, những nhà hàng thời thượng, khi đi nha sĩ, lên máy bay... Tuy nhiên, ở độ tuổi ngoài 30, cô chợt nhận ra một sự thật: Cơ thể của mình không có lỗi gì cả.
Tại sao rất nhiều người trong số chúng ta, giống Katie, lại luôn nhìn nhận về bản thân một cách tiêu cực như vậy?
Nina Savelle-Rocklin, một nhà phân tích tâm lý ở Los Angeles, người chuyên tư vấn các vấn đề về thực phẩm, cân nặng và hình ảnh cơ thể nhận định: "Tự đánh giá tiêu cực về bản thân là một hành động phá hoại tâm trí. Có một sự chia rẽ xảy ra giữa chúng ta và cơ thể của chính chúng ta khi một người tự body shaming".
Janet Tomiyama, phó giáo sư tâm lý học sức khỏe tại Đại học California ở Los Angeles, cho biết một số nhà đạo đức y tế cho rằng phương pháp "chế nhạo ngoại hình" có thể được sử dụng để thúc đẩy mọi người thay đổi cân nặng. Tuy nhiên, nghiên cứu của cô lại cho thấy điều ngược lại: "Chúng tôi biết rằng những người trải qua 'body shaming' có nguy cơ mắc trầm cảm và rối loạn lo âu cao hơn nhiều. Thật dễ thấy rằng những cảm nhận tồi tệ về bản thân có thể dẫn đến những rắc rối tình cảm nghiêm trọng thế nào".
Sự tự xấu hổ vể bản thân có thể bắt đầu ở trẻ nhỏ - như câu chuyện của cô gái ở trên, thậm chí kéo dài cho đến tuổi già. Janet Tomiyama khuyên: "Không bao giờ là quá muộn để bắt đầu vượt qua sự xấu hổ và hướng tới sự chấp nhận con người bạn".
Theo các chuyên gia, có những bí quyết để bạn vượt qua được sự tự chế giễu bản thân mình.
Viết ra tất cả những gì cơ thể đã mang lại cho bạn
Ragen Chastain - người giữ Kỷ lục Guinness thế giới là người phụ nữ nặng cân nhất hoàn thành cuộc chạy marathon, đã trải qua một thời gian dài cảm thấy tức giận với cơ thể của mình. Sau đó, cô nhận ra rằng cô đã không dành thời gian để biết ơn sức mạnh của cơ thể đã mang lại cho mình: "Tôi liệt kê tất cả những gì mà cơ thể tôi đã làm cho tôi. Một cách chi tiết, ngay cả tiếng thở, cái chớp mắt, một nụ cười... cũng đầy giá trị".
Sau đó, mỗi khi trải qua một suy nghĩ tiêu cực về cơ thể của mình, cô ấy lại thay thế nó bằng thứ gì đó trong danh sách biết ơn của mình. Cô nói: "Nghe có vẻ cao siêu, nhưng trong khoảng thời gian vài tháng, việc này đã thay đổi cơ bản mối quan hệ của tôi với cơ thể của chính mình".
Tự nói "đủ rồi"
Một trong những cách yêu thích của Katie để chống lại việc "body shaming" là tự hét lên trong đầu "Đủ rồi". Ví dụ, nếu bạn đang đứng trước gương than vãn về chiếc hông quá to đang hủy hoại cuộc sống của bạn, hãy tự nhắc mình dừng lại. Tất cả những điều này là nhằm ngăn chặn cuộc đối thoại tiêu cực liên tục trong đầu bạn, giúp bạn có thể phá bỏ thói quen.
Chống lại sự kỳ thị
Chastain cho rằng việc chống lại sự kỳ thị bắt đầu từ việc thay đổi nhận thức của bản thân về một định kiến nào đó, ví dụ gầy thì tốt hơn béo, ngực to thì đẹp hơn là ngực nhỏ... Ngoài ra, bản thân chúng ta cũng cần thay đổi suy nghĩ mình sử dụng, để tránh sự kỳ thị có từ trong tiềm thức.
Đối xử với bản thân như với những người khác
Lần tiếp theo, nếu bạn bắt đầu tự "body shaming" bản thân, hãy tự hỏi mình trong gương: Liệu mình có bao giờ dám thẳng thừng nhận xét về người khác như thế? Nếu bạn không đủ can đảm thô lỗ với người khác, thì sao lại thô lỗ với chính mình?
Dọn dẹp tủ quần áo
Thay vì giữ những bộ đồ đã không còn vừa với mình, hãy tặng chúng đi và thay thế bằng những trang phục phù hợp với kích cỡ hiện tại của bạn, Katie nhận định.
Cân nhắc nhận sự hỗ trợ từ chuyên gia
Trong khi một số người có thể tự mình vượt qua nỗi xấu hổ vì cơ thể của chính họ, một số người sẽ cần có sự hỗ trợ của chuyên gia để được tư vấn, giúp sức.
Theo vnexpress