Chị Hạnh Dung thân mến,

Tôi và vợ bằng tuổi nhau. Chúng tôi kết hôn được 15 năm. Cuộc sống nói chung là khá ổn định, lương vợ tôi tầm 20 triệu, lương tôi lên xuống thất thường theo công việc, nhưng thấp hơn lương vợ tôi.

Vợ tôi thuộc kiểu người giỏi giang thu xếp, vén khéo. Nên dù bao năm nay thu nhập của chúng tôi không tăng, nhưng hiện tại chúng tôi đã có nhà, có xe, và đang vay ngân hàng để trả một căn hộ chung cư cao cấp cho thuê hàng tháng. Nói chung là mọi thứ trong nhà chúng tôi có được là nhờ bàn tay vợ, tôi không phủ nhận điều đó.

Nhưng cùng với sự giỏi giang đó, vợ tôi hay than vãn, kể lể và cảm xúc trồi sụt thất thường. Cô ấy bị rối loạn tiền đình nặng, mỗi khi bị bệnh là cô ấy than chỉ muốn chết. Mỗi tháng tới kỳ trả lãi ngân hàng, cô ấy cũng than cuộc sống sao vất vả quá, chỉ muốn chết. Chuyện bệnh thì tôi không nói, nhưng chuyện mua nhà, mua xe... đều do cô ấy khởi xướng. Cô ấy nói phải có "của để", chứ chỉ có "của ăn" thì rất bấp bênh.

Nhiều lần, tôi đề nghị cô ấy bán nhà chung cư, bán xe đi, trả dứt nợ ngân hàng, rồi từ từ muốn có gì thì để dành đủ tiền mới mua. Cô ấy nói rằng với hoàn cảnh của chúng tôi mà không tự ép bản thân, thì còn lâu mới có gì. Ai mua nhà mua xe cũng phải vay vậy thôi. Càng giàu thì càng vay nhiều...

Tôi thừa nhận là cô ấy nói đúng, những gì chúng tôi có bao lâu nay đều là từ cách đó, và cô ấy là người can đảm, mạnh mẽ, quyết đoán. Nhưng việc cô ấy than vãn nhiều quá khiến cả nhà bị áp lực, căng thẳng. Không chỉ tôi mà cả con cũng sợ hãi. Cứ tới ngày đầu tháng trả nợ là nó trốn trong phòng, không dám ra ngoài, kể cả ăn cơm...

Chị Hạnh Dung hãy cho tôi lời khuyên xem tôi nên làm gì với cô ấy, giúp cô ấy ra sao để cô ấy đừng tiêu cực, và đừng biến cuộc sống chung của cả nhà phải căng thẳng hoài như thế?

Minh Thành

leftcenterrightdel
 

Anh Minh Thành thân mến,

Nhiều người cho rằng ai giỏi giang, có khả năng thu xếp và giải quyết vấn đề, thì sẽ là những người không than vãn, kêu ca. Nhưng điều đó chưa chắc đã đúng, anh ạ. Có nhiều cách để giải thích cho sự hay than đó của vợ anh. Và anh cần tìm hiểu, nhận biết được tâm lý của vợ để có thể hóa giải được vấn đề khó chịu này trong gia đình.

Các chuyên gia tâm lý cho rằng bản tính phụ nữ là thích nói ra cảm giác của mình. Đó là một cách để họ xả stress, nhẹ nhõm trong lòng. Chính vì thế, người đàn ông thông minh là người có thể chấp nhận việc này, không coi đó là điều sai trái, khuyết điểm gì ghê gớm của vợ. 

Bên cạnh đó, còn có một tâm lý nữa là họ mong muốn nhận được sự động viên, chia sẻ của người bạn đời. Họ mong người chồng nhận ra được công sức họ bỏ ra cho gia đình. Có nhiều người dù mệt mỏi, vất vả mấy, nhưng nhận được lời khuyên, sự quan tâm của chồng, thì họ sẽ thấy mọi việc đều trở nên nhẹ nhàng.

Hiểu được tâm lý vợ, người chồng chỉ cần điều chỉnh cảm xúc, thái độ của mình, là mọi việc sẽ hết sức dễ dàng. Không có việc gì là không cần đến một sự nỗ lực nào đó. Trong vấn đề này của gia đình, người chồng sẽ cần một chút kiên nhẫn, cảm thông và thương vợ mình.

Hãy chịu khó lắng nghe vợ một chút, tỏ vẻ quan tâm những điều cô ấy nói. Động viên, chia sẻ hay hỏi han những vấn đề liên quan đến công việc, sức khỏe của vợ... Tất cả những điều đó dần dần sẽ mang đến cho cô ấy một tâm trạng ổn định và an tâm.

Nếu cần thiết, anh cũng có thể nói ra những cảm xúc của anh và của con khi vợ than vãn quá nhiều, nhưng hãy nói bằng thái độ bình tĩnh, tâm sự. Để vợ hiểu rằng sự than vãn của vợ làm cho anh và con lo lắng cho cô ấy. Hãy giúp cô ấy hiểu rằng anh sẵn sàng giúp đỡ và chia sẻ mọi khó khăn với cô ấy.

Cùng nhau phân tích vấn đề, điều chỉnh những thái độ, hành vi của mình là việc luôn phải có trong gia đình. Là người chồng, là chỗ dựa, chỗ nương tựa, bờ vai của vợ, anh hãy thể hiện sự mạnh mẽ chấp nhận và lèo lái các vấn đề của cả hai, chứ đừng buông cảm xúc của mình theo thái độ của cô ấy. 

Theo phụ nữ TPHCM