Chị Hạnh Dung kính mến,
Em bị một sếp nam quấy rối tình dục. Ông ta thường gọi em vào phòng riêng, nói những lời gợi ý khiếm nhã. Cuối ngày ông cử em ra ngoài nắm tình hình các chi nhánh, và yêu cầu em phải trở về báo cáo công việc, khi cả cơ quan đã về hết.
Em rất sợ hãi ông ta, nhưng không biết làm cách nào để tự bảo vệ mình. Tố cáo ông ta thì tố cáo với ai, vì ông ta là sếp ở đây. Ở cơ quan này, hình như mọi người đếu biết tính "dê" của ông ta, nên những khi em bị cử ra ngoài công tác, các chị lớn cũng thường ở lại trễ chờ em về.
Em rất biết ơn mọi người. Nhưng bây giờ em cũng mệt mỏi vì phải đối phó với ông ta, và em nghĩ nếu cứ như thế này hoài, nếu không phải em, thì cũng sẽ có những người khác bị hại. Em nên làm gì để vạch mặt ông ta?
Mọi người nói em hãy tìm cách lấy bằng chứng, rồi tố cáo với truyền thông, báo chí, công an, hoặc với chính vợ ông ta. Theo chị, em làm vậy có được không?
Hòa Nhã
Hòa Nhã thân mến,
Trên thế giới vào năm 2017 đã bắt đầu dấy lên một phong trào chống nạn quấy rối tình dục nơi công sở, có tên gọi là Me too. Nhiều phụ nữ được khuyến khích đứng lên tố cáo những kẻ có những hành vi quấy rối, nói cho mọi người ý thức về tầm quan trọng của vấn đề.
Phong trào này cũng được hưởng ứng ở Việt Nam, làm lộ ra những hiện thực hết sức đáng sợ về sự an toàn của phụ nữ, ngay cả trong những môi trường có thể gọi là văn minh nhất: nơi làm việc.
Tuy có phong trào, có những tiếng nói mạnh mẽ, có sự phản kháng quyết liệt, nhưng hình như cho đến giớ phút này, nạn quấy rối tình dục nơi công sở vẫn còn đó, như trong câu chuyện của em.
Điều đáng mừng là ở nơi làm việc, dù không ra mặt hay lên tiếng một cách quyết liệt, nhưng các đồng nghiệp của em cũng đã âm thầm che chở, bảo vệ cho em. Tuy nhiên, như điều em lo ngại, việc đó chỉ giải quyết những tình huống cấp kỳ, còn việc lâu dài, chính là phải chặn cho được bàn tay của kẻ quấy rối tình dục kia.
Việc đơn giản nhất và dễ làm nhất, chính là sự đồng tâm hiệp lực của tất cả mọi người đứng ra đối mặt với kẻ xấu. Người ta có thể bẻ một chiếc đũa, chứ không thể bẻ cả một bó đũa được.
Em dùng từ "cơ quan" để nói về nơi làm việc của mình, có nghĩa là, theo Hạnh Dung hiểu, em đang làm việc ở một đơn vị nhà nước. Nếu như vậy, sếp của em không phải là người duy nhất, lớn nhất, mà vẫn còn có cấp trên, cao hơn ông ta.
Với các cơ quan nhà nước, việc em có thể cùng mọi người tố cáo những hành vi xấu xa của người đứng đầu, lãnh đạo cơ quan, là việc hoàn toàn có thể. Nếu mạnh mẽ và thẳng thắn, lại có tập thể ủng hộ, em nên làm mọi việc công khai, có danh tính đàng hoàng, thì việc tố cáo sẽ hiệu quả hơn.
Theo phụ nữ TPHCM