Chị và anh là người cùng làng. Anh hơn chị 8 tuổi, là chủ một doanh nghiệp nhỏ chuyên về lĩnh vực điện dân dụng. Chị trước đây từng tốt nghiệp đại học đàng hoàng, thế nhưng ra trường không xin được việc như ý nên đành chọn ổn định cuộc sống bằng cách lấy chồng.

Cưới nhau 1 năm thì chị sinh con, một bé gái đầu lòng dễ thương, kháu khỉnh nhưng lại hay ốm vặt. Từ khi kết hôn đến khi con tròn 3 tuổi, anh là trụ cột kinh tế của gia đình. Chị loay hoay ở nhà chăm con, lo việc nhà. Thỉnh thoảng, chị cũng lấy thêm hàng mỹ phẩm, gia dụng về bán online tuy nhiên kinh doanh qua mạng thoạt nhìn vào tưởng dễ, nhưng nếu không có duyên, thiếu sự đầu tư bài bản thì cuối cùng cũng chẳng đâu vào đâu.

Khi con gái 4 tuổi, bớt ốm đau, chị gửi con đi học rồi đánh liều, thử nộp hồ sơ đến các trung tâm ngoại ngữ đang có nhu cầu tuyển dụng.

Câu nói của chồng khiến chị điếng người ( Ảnh minh họa)
Câu nói của chồng khiến chị điếng người ( Ảnh minh họa)
 

Nhớ lại, ngày nhận thông báo trúng tuyển, chị không giấu được vui mừng, háo hức thông báo cho anh. Chị cứ tưởng, anh sẽ chia vui và nhẹ lòng cùng chị, nào ngờ câu nói “Nhà có mỗi đứa con, mấy từ tiếng Anh giao tiếp bì bõm dạy còn chưa xong mà đòi đi dạy ai” như gáo nước lạnh khiến chị điếng người.

Mấy năm nay sống chung, phải phụ thuộc kinh tế vào chồng, chị biết mình ít nhiều đã bị chồng khinh thường, coi rẻ. Sự thiếu tôn trọng của anh khi thì thể hiện qua hành động, thái độ như cái nhếch môi, ánh mắt nhìn, đôi khi bằng cả những câu nói mỉa mai đầy thô lỗ.

Lúc chưa sinh con, anh thường “nói mát” rằng chị số sướng, chỉ cần lấy chồng là được ấm thân, khỏi phải lo tính chuyện tiền nong, kinh tế. Lúc sinh con rồi, con hay đau ốm, anh lại chê gen di truyền đằng ngoại là còi cọc, nhỏ người không khỏe mạnh, chê chị vụng về, làm mẹ mà không có kĩ năng.

Vì không coi trọng vợ nên bất cứ chuyện gì trong gia đình anh cũng giữ vị trí trung tâm để giải quyết. Ngoài chuyện làm ăn, kinh doanh riêng, những chuyện lớn nhỏ khác như sắm sửa, cải tạo nhà cửa, đối xử với họ hàng hai bên nội ngoại, cho con uống hãng sữa nào, dùng loại bếp nào để tiết kiệm chi phí, anh cũng can thiệp. Anh chưa bao giờ để chị có cơ hội nêu ra ý kiến của mình.

Nhiều lần chán chường nhưng chị đành chấp nhận, dằn lại sự phản kháng của mình. Chị nghĩ, dù sao ngay từ đầu, việc chọn cưới anh cũng là lựa chọn của chị. Sau này, có những tình huống căng thẳng đỉnh điểm, chị lại tự nhủ, chắc do bản thân thất nghiệp, không kiếm ra tiền, mỗi chồng gánh vác kinh tế nên anh ấy độc đoán, khó chịu, xét nét cũng là điều đương nhiên.

Thế mà, bây giờ khi chị đã đi làm hơn 2 tháng, đem về một khoản thu nhập tương đối để đóng góp, xây dựng gia đình, chồng chị vẫn chưa hết gây hấn.

Chồng chị dò từng giây camera để bắt lỗi vợ ( Ảnh minh họa)
Chồng dò từng giây camera để bắt lỗi vợ ( Ảnh minh họa)

 

Mới hôm qua, chỉ vì nghĩ oan cho vợ không chào hỏi ba chồng mà anh nặng lời: “Em bữa nay có công có việc nên chẳng xem ai ra gì”.

Sự thật, lúc đó tan làm muộn, về đến nhà, chị lật đật chưa kịp cởi mũ nón đã chạy ào vào nhà nhưng dù vội đến mấy, chị cũng đã kịp chào ba chồng ghé chơi đang ngồi ở sân. Thế nhưng, mặc cho chị giải thích hết lần này đến lần khác, anh vẫn không tin, khăng khăng mình đúng. Anh lại “dây cà ra dây muống”, chuyện nọ xọ chuyện kia, bắt bẻ chị đủ thứ. Tối đến, sau khi cơm nước xong xuôi, ba cũng đã về nhà ba, anh lại lần nữa đem chuyện cũ ra gây. Tệ hơn, anh còn lôi điện thoại ra check camera ghi lại tình huống.

Nhìn cảnh chồng nằm ườn trên sô pha, mắt chăm chú dò từng giây hình ảnh camera hòng bắt lỗi vợ, chị ê chề. Chị nhớ lại câu nói đâu đó mà mình từng nghe: “Vợ chồng nếu yêu thương thì một đời không đủ, còn nếu không tôn trọng thì một năm, một tháng cũng sẽ quá dài”. Vậy mà chị đã chấp nhận, chịu đựng được đến mấy năm. Chị nhận ra, mọi sự hời hợt, vô tâm đều đi kèm với sự trả giá. Ngày ấy, vì nhắm mắt đưa chân, chị đã lấy nhầm chồng.

Theo phụ nữ TPHCM