Chị Hạnh Dung thân mến,

Em và chồng yêu nhau được gần 2 năm. Lúc yêu, tụi em đã thấy có nhiều điều khác nhau, nhưng vì cố chấp, vì sự ngăn cản của gia đình hai bên mà vẫn quyết lấy nhau cho bằng được. Ngay gần ngày cưới, tụi em đã muốn dừng lại. Nhưng rồi vẫn cưới.

Cưới xong tụi em có em bé ngay, cũng là ngoài ý muốn. Khi đó, lòng em muốn bỏ, vì thấy chưa đủ tin tưởng vào tình yêu và gia đình. Nhưng cũng không dám bỏ.

Rồi càng sống chung, em và chồng càng hiểu là tụi em không phù hợp nhau. Cái tôi của tụi em lớn quá, lại khác nhau từ chuyện ăn uống, sinh hoạt đến quan điểm sống...

Nhiều người thân khuyên tụi em nên cố gắng thay đổi, để sống vì nhau và vì con. Tụi em cũng đã ngồi lại, bàn bạc và thử thay đổi. Nhưng khó quá, lại chỉ thấy mệt mỏi khi sống không đúng với con người mình.

Cuối cùng tụi em quyết định ly hôn, bởi ý nghĩ cả hai đều xứng đáng có được hạnh phúc, chứ không phải ép bản thân như này, để mỗi ngày là mỗi cực hình, và nhất là không phải diễn màn gia đình hạnh phúc với người ngoài, với cả con sau này.

Thế nhưng, hai bên nội ngoại lúc trước phản đối tụi em kết hôn, thì bây giờ lại đồng thanh phản đối tụi em ly hôn. Họ nói không thấy tụi em có mâu thuẫn gì trầm trọng, có chuyện gì đều cũng có thể nói chuyện bình tĩnh với nhau, thì sao lại ly hôn?

Mọi người nói tụi em ích kỷ, muốn sống cho bản thân mà quên con. Rằng mọi đứa trẻ khi cha mẹ ly hôn đều bị tổn thương tâm lý.

Chồng em thì vẫn khăng khăng ly hôn. Còn em, khi bị mọi người mắng mỏ, thì bắt đầu thấy dao động. Em muốn hỏi chị Hạnh Dung như là ý kiến của người sau cùng: Ly hôn có phải là ích kỷ? Và có nên sống vì con hay không?

Từ khi thỏa thuận với nhau xong, em thấy chồng em thoải mái hẳn. Hình như anh ấy còn đang tán tỉnh một cô gái khác. Anh ấy thường xuyên nhắn tin, gọi điện mà không e dè gì em cả. Thấy như vậy, em cũng bực mình, khó chịu. Là sao hả chị?

Hà Xuyên

 

Em Hà Xuyên thân mến,

Hôn nhân là một cuộc kết hợp giữa hai người, để họ cảm thấy hạnh phúc khi được ở bên nhau. Gia đình là nơi người ta được sống với bản chất thật sự của mình, được chấp nhận và yêu thương bởi chính bản chất đó.

Khi người ta thấy không hạnh phúc, vui vẻ khi ở bên nhau, phải cố gượng ép biến mình thành người khác để làm hài lòng nhau, thì nên dừng cuộc hôn nhân đó lại.

Có rất nhiều người nói rằng không thể ly hôn vì lo con mình sẽ không có gia đình trọn vẹn, thiếu cha hoặc thiếu mẹ. Với sự lo sợ đó, họ ép mình tiếp tục sống bên nhau. Những đứa trẻ vô cùng nhạy cảm, chúng sẽ lập tức nhận ra sự gượng gạo, giả tạo của cuộc sống chung đó.

Thậm chí, còn tệ hơn, khi những người lớn nói rằng họ ở lại bên nhau là vì con, nhưng họ thường xuyên hằn học, gây gổ, nặng lời, có khi bạo hành lẫn nhau bằng lời nói và hành động. Đó không phải là bầu không khí sống tốt đẹp cho một đứa trẻ. Chúng sẽ lớn lên trong sự tổn thương, đau khổ, nghi ngờ những giá trị tốt đẹp của gia đình, hạnh phúc.

Để chăm sóc con cái một cách trọn vẹn, và con được hạnh phúc nhất, là khi gia đình quây quần, sum họp dưới một mái nhà, nơi tất cả đều yêu thương và muốn sống bên nhau. Thế nhưng, khi cha mẹ nhận ra rằng mình cần phải tách ra, sửa chữa sai lầm cho sự lựa chọn của mình, thì cách chia tay văn minh, hiểu biết, và tôn trọng lẫn nhau là lựa chọn thứ hai tốt cho tất cả.

Dù có ly hôn, nhưng cha mẹ vẫn luôn là cha mẹ, vẫn có thể cùng nhau chăm lo cho con cái, mang đến cho con sự an tâm và bình an ngay khi cả nhà đang ở tâm của giông bão, sẽ là một trải nghiệm khác hẳn, nhưng cũng vô cùng có ích cho mọi thành viên của gia đình.

Đọc thư em, Hạnh Dung cảm thấy một sự bình tĩnh, ổn định và cởi mở của hai vợ chồng em trong mối quan hệ với nhau, và với vấn đề của hôn nhân. Đó là điều rất tốt. Nó chứng tỏ sự hiểu biết và cảm nhận sâu sắc về bản thân và đời sống chung của hai người.

Tất nhiên, chẳng gia đình nào (cha mẹ và người thân) lại muốn con cháu mình phải sống cảnh "tan đàn sẻ nghé" cả. Cũng vì thế mà các em hãy chọn cách cùng nhau nhìn lại cuộc hôn nhân của mình một lần nữa thật thấu đáo và tỉnh táo. Sau đó, hãy trò chuyện với người thân về những khó khăn và cố gắng của các em, cách tụi em sẽ "chia đôi" mái gia đình như thế nào.

Hãy giúp người thân hiểu là các em không nông nổi, bồng bột, và tụi em đã lựa chọn điều này với những kế hoạch rõ ràng, tốt đẹp hơn cho tương lai của cả hai và con cái.

Hãy cho gia đình hiểu rằng các em không còn là vợ chồng, nhưng con cái là mối dây ràng buộc tốt đẹp để các em luôn là người thân của nhau, cùng nhau chăm sóc, dạy dỗ và hỗ trợ con phát triển.

Theo phụ nữ TPHCM