Câu chuyện thứ nhất 

Một buổi sáng đẹp trời, vào Facebook, tôi đọc được status của một cộng tác viên cũ thông báo bạn ấy vừa chia tay tình yêu và cuộc hôn nhân sáu năm, đính kèm là ảnh cưới.

Trong ảnh, họ thật rạng rỡ, sâu lắng, hạnh phúc. Chỉ hơn năm dòng viết chân thành, hơi có chút xót xa nhưng đầy đủ thông tin, như một lời thông báo chính thức, cũng là để mọi người quen biết cả hai sẽ không nhầm lẫn mà khó xử cho tất cả sau này.

Có lẽ họ không thể bình thường, vui vẻ gặp nhau ngay ngày mai, ngày kia; cũng có khi nhiều năm sau vẫn buồn khi nhớ đến những dòng trạng thái đã viết hôm nay nhưng chắc chắn nếu không là bạn thân, họ vẫn có thể coi nhau như người quen, không hằn học, hận thù. Cả hai còn rất trẻ nhưng đã dạy cho nhiều tiền bối hiểu “hết tình, còn nghĩa” là như thế nào. 

 

Câu chuyện thứ hai

Ở một tài khoản Facebook khác, nhà văn D.B.N. đăng bức ảnh rất đẹp chụp cùng vợ cũ. Hai con người từng là vợ chồng vẫn rất đẹp đôi, tươi cười bên nhau với dòng chú thích: “Cùng vì một tình yêu”… Bạn bè thân quen đều biết tình yêu mà họ đang nhắc đến chính là cậu con trai giờ đã là một thiếu niên khôi ngô, còn mỗi người đều có gia đình mới và con đường riêng, đều hài lòng với cuộc sống hiện tại.

Gặp nhau công khai, vui vẻ, trong mắt họ rạng rỡ niềm vui chứ không hề day dứt tiếc nuối vì những ngày đã cũ. Hỏi D.B.N. về những ngày mới quyết định ly hôn, anh nói việc đầu tiên là tập trung tối đa cho công việc, hạn chế giao tiếp với nhau.

Nếu không có việc gì liên quan đến con thì họ im lặng. “Phải vài năm sau, chúng tôi mới thật sự coi nhau là bạn đúng nghĩa. Như bây giờ, trạng thái “bình thường mới” cũng cần thời gian để thích nghi, hậu ly hôn cũng vậy thôi” - anh nói vui.

Hai trường hợp này có thể không là hình ảnh phổ biến cho những cặp ly hôn nhưng chắc chắn giờ đây không còn là chuyện quá hiếm hoi trong đời sống. Bạn nghĩ gì về họ (cũng có thể có chút tò mò về nguyên nhân khiến họ phải chia tay) chắc chỉ thoáng qua vài giây; còn lại, nhận xét chung, hình dung chung nhất về họ là ứng xử văn minh. 

 

Câu chuyện thứ ba

Nếu thích đọc các bài viết cũ về các nhân vật nổi tiếng, về những vụ ly hôn, bạn sẽ tìm được bài phỏng vấn một nhạc sĩ nói về vợ cũ sau khi ly hôn đã khá lâu: "Cô ấy bảo không vướng gia đình thì cô ấy đã làm được tỷ thứ. Tôi vẫn chờ xem ly hôn xong cô ấy làm được gì…". Đọc xong bài phỏng vấn, tôi tin nhiều người sẽ ồ lên: “Hóa ra đàn ông thù dai phết!”. Mà đàn bà, khi bực lên thì “chém gió” cũng ác.

Tình hình là đến giờ cả hai vẫn chưa làm được gì hơn thời hoàng kim khi họ sống cùng nhau. Lẽ ra chị không nên đổ lỗi cho hôn nhân còn anh thì chẳng nên chì chiết như thế. Hình ảnh đáng mến họ xây dựng bao năm trước đó bỗng nhiên bị sứt mẻ ít nhiều trong lòng người hâm mộ.

Đằng nào cũng là người dưng rồi; thế nên dửng dưng, không quan tâm… vẫn tốt hơn hả hê khi người ta nói mà không làm được.

 

Câu chuyện thứ tư

Một phụ nữ tìm đến dịch vụ tư vấn hôn nhân kể rằng chị có hai con đã lớn, chồng có “trà xanh” mấy năm nay. Chồng chị không có trách nhiệm gì với các con; con học lớp Tám hay Chín, chồng không rõ. Anh cũng không phụ giúp về kinh tế, không quan hệ vợ chồng, cứ về nhà lại cáu gắt đánh đập chửi bới, năm ngoái đã hai lần viết đơn ly hôn bắt vợ ký, đem cô bồ công khai về nhà ăn ngủ…

Hỏi tại sao anh ta đề nghị ly hôn mà chị không chịu ký, chị nói “vì muốn níu kéo”.

Chị muốn giữ lại gì ở anh ta? Chăm con? Không. Tiền? Không. Tình dục? Không. Vậy níu kéo gì? Im lặng một lúc chị mới trả lời rất nhỏ: “Dù sao tôi cũng muốn giữ bố cho con mình”. Loại bố ấy trẻ con xa được là may, sao chị lại muốn giữ?

Tôi sợ ly hôn nhiều người biết chuyện thì xấu chàng hổ ai!Chồng chị đã là tấm gương rất xấu cho con nhưng bản thân anh ta đâu sợ xấu, chỉ còn chị có muốn các con bị ảnh hưởng bởi tấm gương đó hay không.

Không, tôi không muốn nhưng sau khi ly hôn, tôi sẽ phải nói gì với các con và mọi người xung quanh? Chị chẳng cần phải nói gì cả. Hôn nhân của chị, cuộc sống của chị, sự lựa chọn của chị và giờ quyết định cũng là của chị, vui buồn sướng khổ những năm qua cũng của chị kia mà.

Không ai bắt chị phải nói gì cả. Các con đều chứng kiến và sẽ tự biết vì chúng lớn cả rồi. 

 

Câu chuyện gần nhất

Vụ ly hôn, tố chồng doanh nhân sống rất tệ của một hoa hậu ầm ĩ không gian mạng những ngày qua đã thổi bùng cuộc tranh cãi bất tận về việc “nói gì sau ly hôn” và “có quyền kiện ra tòa khi vợ/chồng cũ nói sai sự thật hay không”.

Sau khi được biết cô hoa hậu và hai con nhỏ phải ra khỏi nhà mà trong túi không có nổi 100.000 đồng - số tiền đủ cho một bữa sáng - tôi không biết có bao nhiêu người xót thương và rộng vòng tay với mẹ con cô hoặc những phụ nữ đồng cảnh ngộ mà chỉ thấy lập tức có một số bài đăng trích dẫn lời cô, mô tả lại sự việc và nhắn nhủ phụ nữ nên độc lập tài chính.

Vậy là điều đó gián tiếp khẳng định việc ở nhà chăm con, rút lui khỏi showbiz là sai lầm mang tính chiến lược của cô hoa hậu? Biết bao hoa hậu, người mẫu khác chỉ chuyên tâm chăm sóc gia đình đang hạnh phúc viên mãn không biết có giật mình.

Càng bị cuốn sâu vào các chi tiết cụ thể về những ngày u ám nặng nề trong cuộc sống hôn nhân của cô hoa hậu này, nhiều người chắc sẽ tự hỏi như tôi rằng hiện tại, việc giãi bày kể lể về những sai lầm của chính bản thân khi chọn nhầm, yêu nhầm, kết hôn nhầm, bị chồng ngược đãi, bạo hành… có cứu vãn được mọi chuyện?

Chuyện gì xảy ra đã xảy ra. Người cần nghe, cần biết, cần hiểu… là ai? Chẳng lẽ là hàng vạn, hàng triệu độc giả lướt tin trên điện thoại thông minh? “Chúng tôi chia tay vì không hợp nhau” là câu trả lời kinh điển và giáo khoa của tất cả các cặp dẫn nhau ra tòa. Thế nên nó chẳng có giá trị thông tin gì cả.

Thời buổi 4G và trực tuyến, thông tin được lan truyền theo tốc độ ánh sáng thì chẳng nên nói gì vẫn là tốt nhất. Trừ phi số tiền bạn được nhận cho việc “nói tất cả những gì khán giả muốn nghe” đủ lớn để bạn hài lòng và cảm thấy được đền bù xứng đáng cho sự kiện ly hôn (như trong các sô truyền hình thực tế nhiều người xem, việc các ngôi sao cung cấp các thông tin được tính bản quyền với đơn vị triệu USD), bằng không thì những góc khuất trong cuộc hôn nhân thuộc về quyền riêng tư của chính bạn, can gì mang ra mua vui miễn phí cho các độc giả hiếu kỳ. 

 

Cuối cùng, hậu ly hôn, ứng xử văn minh ra sao, xin mượn lời của nhân vật trong câu chuyện thứ hai kể trên: “Ly hôn là kết thúc một quãng đường đã đi chung, cả hai bắt đầu một hành trình mới. Muốn nhẹ nhõm và bước đi thật xa, thật khỏe, việc đầu tiên là bỏ hết lại những gánh nặng và nỗi buồn cũ.Hãy hỏi chúng tôi ngày mai sẽ làm gì, như thế vui hơn là cứa vào những chuyện đã cũ. Chúng tôi bất đồng trong nhiều quan điểm nhưng riêng điểm này thì đồng thuận rằng nói tốt, suy nghĩ tích cực về người cũ không hẳn là chừa đường để quay về với nhau sau này mà đơn giản là giữ hình ảnh đẹp cho chính mình trong mắt các con và người mới. Nếu không nói được gì tử tế về nhau thì cứ im lặng là tốt nhất”. 

Vâng, cứ tin rằng bất kỳ cuộc ly hôn nào cũng chưa phải là điểm cuối cùng trong đời sống hôn nhân, chúng ta sẽ chọn được cách ứng xử tốt nhất cho chính mình. 

Theo phunuonline.com