Chào chị Hạnh Dung,
Bây giờ thực sự em không biết phải làm gì với chồng. Em không hề nhắn tin, gọi điện hay gặp gỡ người đàn ông nào trong 5 năm kể từ ngày cưới anh ấy. Chỉ thỉnh thoảng vào xem Facebook người yêu cũ vì tò mò. Chuyện này đã từng xảy ra vào năm ngoái, chồng em giận dữ, và em cũng hứa là không vào nữa.
Mới đây, vợ chồng em cãi nhau, anh ấy đánh em, tát liên tục vào mặt, khiến em bị thâm mặt, thâm trán. Đi làm đồng nghiệp hỏi, em còn phải giấu.
Sau hôm đó, em tình cờ vào Facebook người yêu cũ, nhưng không nhắn tin hay có ý gì. Chồng em biết được, bảo mất niềm tin vào em, anh bảo không cần em nữa, và không muốn tiếp tục cuộc hôn nhân này.
Em thấy lý do em vào Facebook người yêu cũ không đáng để anh ấy như vậy đúng không chị? Trong khi anh ấy lại vũ phu đến thế.
Có lẽ em nên theo ý anh ấy, buông xuôi và dừng lại cuộc hôn nhân này, chị ạ.
Trà My
Em Trà My thân mến,
Chẳng lẽ em không thấy rằng cuộc hôn nhân của em đang có những vấn đề nghiêm trọng, chứ không đơn giản là chuyện em vào xem Facebook người yêu cũ.
Vấn đề vô cùng cấp bách và cần phải được đặt lên hàng đầu: Bạo hành gia đình. Nghe em tả cách chồng đánh em mà Hạnh Dung... hãi hùng. Chuyện này mới chỉ xảy ra một lần, hay thường xuyên?
Nghe cách em kể thì Hạnh Dung có cảm giác đó là chuyện khá quen thuộc. Và em, dù rất đau đớn và sợ hãi, nhưng không có phản ứng căm phẫn, bất bình... cần phải có của một người xưa giờ quen được tôn trọng.
Không biết suy luận của Hạnh Dung có đúng không, nhưng dù đúng, dù sai, thì việc chồng em ra tay như thế vì bất cứ lý do nào cũng là điều không thể chấp nhận được. Trong người chồng em có sẵn một bản năng vũ phu, tàn bạo và coi thường những giá trị của một gia đình thật sự.
Theo kinh nghiệm của những người từng bị bạo hành, nếu người vợ nhắm mắt làm ngơ cho một cái tát đầu tiên, thì sau này, các hình thức bạo hành sẽ càng lúc càng dã man, tàn bạo.
Việc em vào Facebook người yêu cũ, Hạnh Dung cũng hiểu rằng có thể là chỉ do tò mò. Thế nhưng, sự cấm đoán của chồng em chứng tỏ thêm một bản chất cũng không kém phần đáng sợ: ích kỷ, gia trưởng, kiểm soát cuộc sống riêng của em.
Hạnh Dung không bàn việc đó có đáng là nguyên nhân cho việc ly hôn không. Bởi ở đây có một việc nghiêm trọng hơn. Chính em mới là người cần cân nhắc xem mình có thể tiếp tục sống với một người chồng vũ phu tàn bạo và kiểm soát đến mức như vậy hay không?
Em chỉ có thể tiếp tục chung sống với người chồng này, khi em có thể làm bất cứ cách nào đó để chấm dứt tình trạng em bị đánh đập và cấm đoán đến mức khủng khiếp như vậy.
Còn van xin, năn nỉ, níu kéo để tiếp tục sống trong tình trạng đó chỉ vì anh ta và cả em coi em là người có lỗi, thì Hạnh Dung nghĩ rằng sẽ đó là cuộc sống tồi tệ và nguy hiểm cho em.
Theo phụ nữ TPHCM