Chị Hạnh Dung ơi,
Tình cảnh của em thật trớ trêu, trên phim cũng hiếm chứ đừng nói ngoài đời. Vợ chồng em lấy nhau được 3 năm vẫn chưa có con. Đi khám thì bác sĩ nói nguyên nhân từ phía chồng em nên nếu chờ thụ thai tự nhiên thì tỉ lệ vô cùng thấp, còn thụ tinh nhân tạo may ra có hy vọng. Em bàn với chồng gom tiền tiết kiệm, nếu thiếu thì vay thêm ba má 2 bên để làm thụ tinh.
Thế nhưng khi nghe chuyện này, má chồng em lại có vẻ thờ ơ không quan tâm, nói cứ từ từ coi sao. Em tìm hiểu thì biết má chồng không muốn bỏ tiền tốn kém cho vợ chồng em làm thụ tinh, vì thật ra ông bà đã có mấy đứa cháu nội trai là con của anh và em chồng.
Ý má chồng muốn tụi em nếu không có con thì nhận nuôi con của cô Út - em chồng của em - để cô ấy rảnh rang mà đi lấy chồng. Cô em này trót dại với người yêu, làm mẹ đơn thân khi tuổi đời còn trẻ.
Em nghe vậy mà buồn hết sức. Càng buồn hơn khi chồng em không có chính kiến, mẹ nói sao nghe vậy. Hiện anh vẫn lần lữa kéo dài thời gian, trong khi em biết càng chờ lâu, cơ hội mang thai, sinh con của em càng ít.
Em vẫn còn thương anh, nhưng cảm thấy tổn thương nhiều với tính toán của gia đình anh. Mong chị cho em lời khuyên.
Tú Lệ (Kiên Giang)
|
Ảnh minh họa |
Em Tú Lệ thân mến,
Hoàn cảnh của em quả là đặc biệt. Thôi thì mỗi người có một quan điểm, má chồng em đã nghĩ vậy nhưng chưa mở lời với em thì em khoan có động thái gì với bà.
Chuyện sinh con và nuôi dạy con là chuyện chủ yếu giữa 2 vợ chồng, nên giải quyết trong phạm vi của vợ chồng em trước. 2 người ngồi lại với nhau, nói ra hết những suy nghĩ về kế hoạch có con: cả hai có thực sự mong kiếm con, có thống nhất phương án tài chính, chuẩn bị tốt về tinh thần và sức khỏe để bước vào hành trình sinh con bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm hay không?
Trong trường hợp thất bại thì tài chính có đủ đảm bảo để tiếp tục theo đuổi đến cùng? Rồi quá trình làm thủ thuật, nếu vợ không thể đi làm kiếm tiền thì chồng có gánh vác kinh tế gia đình được không?…
Rất nhiều chuyện cần phải bàn tính trước khi quyết định việc này. Có thể chồng em còn băn khoăn chỗ này chỗ khác nên mới chưa dứt khoát. Cũng có thể anh ấy mặc cảm vì mình là nguyên nhân khiến vợ không thể mang thai tự nhiên nên muốn né tránh.
Về bản năng, Hạnh Dung tin là khi đã lập gia đình, phần đông ai cũng muốn có đứa con ruột thịt do mình sinh ra. Hãy trò chuyện cùng chồng để biết anh ấy đang nghĩ gì.
Nếu nguyên nhân nằm ở kinh tế, các em cần lên sẵn bảng chi phí, dự trù nếu thất bại một hay vài lần thì cần tốn bao nhiêu tiền, từ đó mới cân đối các khoản cần tiết kiệm hoặc vay mượn. Sinh con là quan trọng, nhưng để có con mà mang nợ quá nhiều thì không thể nuôi con tốt được.
Nếu nguyên nhân do chồng em thực sự không quan trọng chuyện có con thì em cũng cần cho chồng hiểu em thích có con đến mức nào, đứa con ruột sẽ có vai trò gắn kết hạnh phúc gia đình ra sao. Khi thực sự thương vợ, anh sẽ quan tâm đến sở nguyện của em.
Riêng việc nuôi cháu chồng, em phân tích cho chồng hiểu việc này và chuyện sinh con là 2 chuyện riêng biệt. Nếu vợ chồng đồng thuận và được sự hỗ trợ nhiều mặt của ba má, anh chị em chồng, 2 em vừa có thể sinh con, vừa cưu mang cháu một thời gian nhất định nếu hoàn cảnh em chồng khó khăn cần giúp đỡ.
Chưa kể, chắc gì cô em chồng đã muốn bỏ con, bởi máu mủ tình thân dễ gì chia cắt. Chuyện này mới manh nha trong kế hoạch của má chồng, em khoan phản ứng gay gắt kẻo mất tình cảm. Em nói em vẫn còn thương chồng, Hạnh Dung tin tình yêu đó, cộng thêm một chút sáng suốt sẽ giúp em giải quyết mọi chuyện êm xuôi.
Theo phụ nữ TPHCM