Tôi vẫn nhớ dịp ra mắt ba má chồng tương lai ở nơi khá đặc biệt: trong bệnh viện!

Nhà chồng tôi có một xưởng nhỏ, gia công dập sắt thép. Trong lúc sửa chữa chiếc máy bị hư, ba chồng tôi vô ý đã bị tai nạn, phải đưa vào bệnh viện.

Lúc đó, dù quen nhau chưa lâu, nhưng người yêu rủ tôi vào thăm ba. Bước chân vào phòng bệnh, tôi gặp người đàn cao to với bàn tay băng bó, các ngón tay được lắp đinh ốc nẹp lại. Người sau này là má chồng tôi thì chạy tới lui để chăm sóc ông...

Lần đầu tiên gặp phụ huynh trong không gian lạ lùng như vậy không làm tôi sợ, mà lại tràn đầy cảm giác cảm thông, ngưỡng mộ. Cảnh một người đàn ông to lớn chịu đau đớn, bất lực trước bàn tay của mình và cách má lo cho ba từng chút khiến người ta phải nghĩ ngợi…

Ba chồng tôi thắp nến trong một dịp sinh nhật má
Ba chồng tôi thắp nến trong một dịp sinh nhật má (ảnh tác giả cung cấp)

 

2 năm kể từ ngày đó, chúng tôi cưới nhau, về ở chung với ba má. Nhà chồng tôi là gốc Hoa, ba là người Tiều, má là người Quảng, sống nhiều đời ở khu Chợ Lớn nên ba má cũng “xính xái”, nghĩa là đại khái, cởi mở.

Ba má dễ tính nhiều vấn đề, nhưng trong việc dạy dỗ con cái thì khá kỷ luật. Ngoài giờ học thì các con phải phụ giúp việc kinh doanh ở nhà, tùy người tùy tuổi mà có phân công khác nhau. Chồng tôi là con cả nên ba càng nghiêm khắc, nhưng má lại ưu ái hơn các em khác. Tuy nhiên, ba má lại “xính xái” với con dâu. Ba má không yêu cầu hay đòi hỏi gì, miễn hai đứa sống vui vẻ hạnh phúc là được.

Má kể, má là con đầu, làm việc giỏi giang, thêm vẻ ngoài xinh đẹp nên ba phải mất một thời gian khó khăn mới “kéo” (theo đuổi) được má. Cưới nhau vài năm sau ngày đất nước thống nhất, trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn chung, ba má cũng không ngoại lệ. Họ chăm chỉ làm lụng, nhưng sinh liền 5 người con nên càng thêm cực.

May thay, ba chồng tôi là một người giỏi làm ăn và tháo vát. Ông khởi đầu bằng việc sản xuất tại nhà, sau này mở rộng xưởng ra nơi khác. Ba tập trung lo chuyện bên ngoài, kinh doanh, giao thiệp, mọi chuyện trong nhà đều nhờ má. Ba cũng là người nóng tính, con cái đều sợ trái ý, lo bị ba la rầy.

Ngoài lúc lo cho đàn con, má còn phụ ba quán xuyến công nhân. Gần tới giờ cơm thì má ghé chợ mua đồ, một mình xoay trong bếp chừng hơn nửa tiếng là đã có bữa ăn cho cả chục người, vừa người nhà thêm vài công nhân. Ngày tôi về làm dâu, má không cho tôi đứng bếp chính, chỉ cho phụ các việc vặt, như lặt rau, rửa thịt. Má nói, ba khó ăn, nên má sợ người khác nấu ba không vừa miệng.

Ba má chồng tôi bình thường dùng tiếng Việt nói chuyện, nhưng lúc ba to tiếng với má thì chuyển sang tiếng Quảng, hẳn là ông bà không muốn để dâu con hiểu những lời giận dữ...

Sau nhiều năm làm dâu, tôi đã nắm được lõm bõm nội dung mà ba má nói với nhau. Khi ấy con cái thường len lén nhìn nhau cười, vì đó là chuyện cơm bữa ở nhà. Ông bà hay cãi nhau, nhưng ít khi để bụng, tranh luận đó rồi vui liền ngay đó, giữ hòa khí gia đình.

Một tấm hình hiếm hoi hai ông bà chụp riêng với nhau, không có con cháu
Một tấm hình hiếm hoi ông bà chụp riêng với nhau, không bị "dính" con cháu (ảnh tác giả cung cấp)

 

Sống chung với nhau gần 50 năm, giờ quá tuổi hưu, má vẫn hay cằn nhằn ba về chuyện không chăm lo sức khỏe. Ví như ba có tuổi mà vẫn hay đi nhậu với bạn. Mỗi lần má cằn nhằn là ba lớn tiếng phản ứng, xong thì má vẫn chăm cho ba từng chút một. Má nấu các món cá mà ba ưa thích, dặn dâu chặt thịt miếng nhỏ theo ý ba, để cái hộp khăn giấy lại gần chỗ ba hay ngồi...

Cùng nhau trải qua gần hết một quãng đời dài, cùng nuôi dạy 5 người con nên người, cùng nhau sống yên bình qua mỗi ngày ở tuổi xế chiều… như ba má chồng tôi, chính là điều mà bất kỳ cặp đôi nào cũng mong ước. Trong mắt những người trẻ, hẳn là ba chồng tôi có một chút gia trưởng, và má tôi giữ một chút cam chịu trong cuộc hôn nhân này… nhưng chắc chắn mọi thứ đều nằm trong giới hạn của ba má. Quan trọng là cả hai đều chấp nhận nhau. Chấp nhận người kia có vài lúc không hoàn hảo, để bù đắp cho nhau, gìn giữ một cuộc đời vợ chồng trọn vẹn.

Con cái hiện tại đã trưởng thành, ba má vẫn giữ được nếp nhà. Cuối tuần nếu ai không về cũng không sao, nhưng má hay gọi điện hỏi “Có về ăn cơm không để má nấu?”. Chiều 30 tết nhất định mọi người phải có mặt ăn cơm cuối năm, sau đó đứa nào muốn đi đâu thì đi, sáng mùng Một ba má đi chùa…

Ông xã tôi được nuôi dưỡng, dạy dỗ và lớn lên trong gia đình như thế nên tôi luôn cảm thấy may mắn khi gặp anh. Là trụ cột trong nhà, nhưng anh không hay lớn tiếng hoặc nóng tính như ba, lại giống má ở chỗ rất yêu thương và chăm sóc vợ con chu đáo. Tôi biết ơn ba má đã sinh ra anh, càng biết ơn vì ba má luôn nhẹ nhàng bao dung với con dâu.

Chúng tôi quen và cưới nhau đã gần 20 năm, ba má và con cái vẫn “tương kính như tân”, giữ được cho nhau sự kính trọng. Tôi nghĩ đó là “tài sản” ba má truyền lại cho con cháu đời sau.

Theo phụ nữ TPHCM