Ảnh minh họa
Chào chị Hạnh Dung,
Em đang có thai đứa con thứ hai trong khi mẹ chồng em từ đầu đã khuyên chỉ nên sinh một. Theo mẹ, nuôi con vất vả, tốn kém mà rồi đứa nào cũng khốn khổ.
Dù các con của mẹ đều có cuộc sống tạm ổn, mẹ vẫn suốt ngày thấy rầu vì luôn thấy khía cạnh cực khổ của các con. Lúc em sinh con gái đầu, mẹ đã nói nhà mẹ không cần phải có cháu trai, nên sinh vậy là đủ.
Em không nghĩ nhiều về chuyện này, cho đến khi em có bầu tiếp. Lúc đó em mới biết mẹ nghiêm túc trong quan điểm về con cái thế nào. Mẹ mặt ủ mày chau, gặp ai cũng than: “Nó lại có bầu rồi, nói không chịu nghe”.
Trong mọi cuộc họp mặt gia đình, em cứ thót tim, sợ mẹ nhắc đến mình. Và quả thật lần nào mẹ cũng biến em thành tâm điểm bàn tán khi cứ than phiền về cái bụng bầu của em.
Thực tế, vợ chồng em không dư dả, việc sinh thêm đứa nữa sẽ khó khăn. Vậy nên sự tiêu cực của mẹ cũng ảnh hưởng lên nỗi lo lắng của em. Nhưng điều khiến em buồn tủi hơn là cảm giác con mình không được chào đón, và bản thân em là một bà mẹ mang thai nhưng lại luôn phải đối diện với sự ái ngại mà mẹ mang lại.
Nhà em rất gần nhà mẹ chồng. Sự than thở của mẹ tạo ra cả một dư luận trong xóm về việc vợ chồng em không chịu kế hoạch, giờ phải gánh cái bầu như một hậu quả của sự thiếu tính toán. Em trở thành một hình ảnh thảm hại, đáng thương, trong khi lẽ ra đây phải là một tin mừng.
Chồng em vốn ít nói nên chỉ nói em “đừng để ý tới mẹ”. Nhưng chuyện này khiến em thấy bực, rồi áp lực và đâm ra ghét mẹ, ghét luôn cả việc mình mang thai. Khi em tâm sự điều này với bác sĩ sản thì được bác sĩ cảnh báo nguy cơ trầm cảm thai kỳ. Em không biết làm sao để thoát khỏi tình cảnh này, mong chị giúp em.
Vân Anh (Long An)
Vân Anh mến,
Chúc mừng gia đình nhỏ của em sắp đón thành viên mới. Giai đoạn mang thai sẽ khiến người mẹ trở nên rất nhạy cảm, dễ bị ảnh hưởng bởi năng lượng tiêu cực - đây hoàn toàn là vấn đề tâm sinh lý nên em hãy đón nhận một cách nhẹ nhàng, đừng quá áp lực việc phải thoát khỏi nó.
Tuy nhiên, để không bị ảnh hưởng quá nặng nề vì tâm lý thai kỳ, em cũng cần có những biện pháp tinh thần phù hợp.
Suy nghĩ và hành xử của mẹ em xuất phát từ ý tốt là không muốn các con vất vả. Tuy nhiên ý tốt của mẹ chưa chắc đã đúng.
Cách nhìn tiêu cực đã khiến mẹ em có những cảm xúc tiêu cực (bao gồm thất vọng, lo lắng, buồn bực) chỉ vì con dâu mang thai. Nếu không thể giúp mẹ thoát khỏi cảm xúc đó, thì em cũng không nên trở thành nạn nhân của nó.
Việc mang thai luôn là một tin vui đối với một người mẹ khỏe mạnh và có chồng bên cạnh. Hầu hết các gia đình trẻ đều sẽ phải tính toán nhiều hơn, chi tiêu có kế hoạch hơn khi có thêm con nên đừng vì điều đó mà tiêu cực.
Nếu em thấy cách nghĩ của mẹ chồng không phù hợp với mình thì hãy sống theo cách của em. Em đang mang thai, đấy là hạnh phúc của người mẹ. Khi mang thai em cũng sẽ rất bận rộn với các dự định đẹp đẽ, như sửa soạn đồ dùng, nôi cũi, trang trí phòng ốc...
Em hãy tập trung vào những hoạt động như thế để tránh bị xâm chiếm tâm trí bởi những điều không đáng.
Với mẹ chồng, thay vì thót tim sợ mẹ nhắc đến mình, em hãy chủ động bày tỏ niềm vui và những dự định với đứa con thứ hai. Thay vì mong chờ mẹ thay đổi, em hãy chủ động trấn an mẹ.
Sự trấn an cũng sẽ giúp em có một tư thế trong cuộc trò chuyện, để không bị lấn áp bởi cảm xúc bên ngoài. Nếu may mắn, sự tích cực của em có khi cũng sẽ giúp mẹ an tâm hơn, và nhìn ra hạt mầm vui vẻ trong chuyện này.
Chúc em có một thai kỳ khỏe mạnh và an vui.
Theo phunuonline