Chị Hạnh Dung kính mến,

Lâu nay thường nghe chuyện mẹ chồng chê con dâu đểnh đoảng, hậu đậu, không biết làm việc nhà. Riêng em thì lại rơi vào tình huống ngược lại.

Em lấy chồng được nửa năm nay, về làm dâu nhà chồng. Ba mẹ ruột em rất khó tính, rèn em từ nhỏ chuyện nữ công gia chánh cũng như quán xuyến gia đình. Vậy nên về nhà chồng, em bất ngờ khi thấy gia đình chồng sống khá thoải mái - cả trong cách ứng xử với nhau và cách tổ chức gia đình.

Nhà cửa, phòng ốc thì luôn không gọn gàng. Mẹ chồng quản căn bếp thì bếp luôn bừa bộn, đồ đạc để lung tung nhìn không thẩm mỹ. Quần áo bỏ máy giặt, phơi xong cũng không ủi thẳng thớm treo sẵn mà xếp đại vào tủ, tới khi cần mặc cái nào mới ủi vội cái đó. Trong nhà rất hay thất lạc đồ dùng vì mọi người không có thói quen ngăn nắp. Mẹ chồng như vậy nên cô em chồng cũng không biết làm gì.

Em cảm nhận mẹ chồng là con người của xã hội (trước khi nghỉ hưu, mẹ là trưởng phòng của một công ty lớn) không giỏi việc nhà. Chuyện nấu ăn bà cũng không đặt nặng. Bữa cơm gia đình có cũng được, không có cũng chẳng sao, mọi người trong nhà có thể ăn bên ngoài hoặc gọi món về nhà.

Tính mẹ chồng em phóng khoáng, em không bị xét nét gì khi về làm dâu. Nhưng thật tâm em thấy lo nếu mai mốt có con sẽ khó dạy con nền nếp nếu sống trong gia đình quen bừa bộn như vậy.

Em cũng có ý dọn ra riêng nhưng chồng không đồng ý. Em muốn thay đổi nhưng không biết bắt đầu từ đâu.

Thu Trang (Ninh Thuận)

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 

Em Thu Trang thân mến,

Ông bà ta có câu “nhập gia tùy tục”. Em thấy nhà chồng có thói quen sinh hoạt chưa khoa học, nhưng dù gì đó cũng là cách họ đã sống vui vẻ, hòa hợp với nhau bao nhiêu năm nay, trước khi em xuất hiện.

Có những chuyện khó phán xét đúng sai mà chỉ là người trong cuộc thấy phù hợp hay không. Em là thành viên mới nên dù có thiện ý thay đổi những điều em cho là chưa hợp lý thì cũng phải thật khéo léo, mềm mỏng mới hy vọng có kết quả.

Theo Hạnh Dung, trước hết, em đừng nên phán xét, chê bai hay buộc mọi người phải thế này, thế kia, bởi em là phận dâu con. Thay vào đó, em hãy thể hiện cách sống thông qua việc làm cụ thể.

Ví dụ: bắt tay vào dọn dẹp lại nhà cửa. Trước hết tạo sự khác biệt từ phòng riêng của vợ chồng em, sao cho ngăn nắp, gọn gàng, sạch sẽ. Áo quần của vợ chồng em hãy giặt ủi thơm tho, thẳng thớm. Sau đó, nhẹ nhàng “tấn công” sang các phòng khác, như là rủ em chồng tham quan phòng mình, ngỏ ý cùng em dọn dẹp phòng riêng của cô ấy, lôi kéo cô ấy làm đồng minh cho cuộc “cách mạng vệ sinh” của em.

Với những khu vực vốn là lãnh địa của mẹ chồng như gian bếp, phòng riêng của ông bà, em hãy nhẹ nhàng ngỏ ý giúp mẹ sắp xếp, dọn dẹp. Em có thể đặt vấn đề: “Con nghĩ chỗ này nên bài trí như vầy, để con thử làm, mẹ xem góp ý cho con nhé”. Mẹ chồng em là người phóng khoáng, thấy em lễ phép, hiểu chuyện, bà sẽ vui vẻ ủng hộ thôi.

Chuyện nấu ăn cũng vậy. Chẳng ai thích ăn cơm hàng cháo chợ mãi. Em cứ thử xin mẹ được chia sẻ việc bếp núc, chủ động nấu cho cả nhà những bữa ăn ngon. Có thể trước đây công việc cơ quan bận rộn không cho phép mẹ chồng nấu ăn nhiều. Giờ bà đã về hưu, có nhiều thời gian hơn. Nếu con dâu, con gái chủ động lôi kéo, nhiều khả năng bà cũng sẽ hưởng ứng chuyện bếp núc. Em rành nữ công gia chánh nên hãy chủ động để mẹ và em chồng cùng tham gia.

Sống chung hòa hợp là cả một nghệ thuật. Ai cũng có điểm mạnh, điểm yếu. Khi đã là người một nhà thì cần thông cảm, chia sẻ, hỗ trợ nhau để mọi thứ tốt lên.

Em may mắn khi có bà mẹ chồng tính tình phóng khoáng, không xét nét con cái. Hãy thật tâm mở lòng với gia đình chồng để cuộc sống chung được êm đẹp. Vợ chồng có thể ra riêng khi đã vững vàng kinh tế, tự thu xếp yên ổn việc nhà; đừng hấp tấp đòi dọn ra vì những lý do không phải quá cấp thiết, rồi lại làm sứt mẻ tình cảm.

Chúc em vui.

Theo phụ nữ TPHCM