Chị Hạnh Dung kính mến!

Em lấy chồng được 1 năm nhưng không khổ với mẹ chồng mà lại khổ vì mẹ ruột.

Mẹ em còn trẻ, bà kinh doanh nhỏ lẻ. Ba mẹ chồng em là nhà giáo, gia đình nền nếp. Em thích sự nền nếp đó nên chủ động chọn sống cùng ba mẹ chồng. Chuyện này làm mẹ ruột em giận dữ, bà mắng em không ra gì.

Sau cưới, mỗi lần gọi điện, mẹ lại hỏi em là chồng đưa bao nhiêu tiền mỗi tháng, ai là người đi chợ trong nhà, ba mẹ chồng có đưa tiền không? Ban đầu em nghĩ do mẹ quan tâm con nên có sao em trả lời vậy. Nhưng khi biết về thu nhập của em, mẹ liên tục mượn tiền. Em có bầu không đi làm được, bao nhiêu tiền chồng đưa cho em, mẹ mượn hết, hẹn tới lúc em sinh sẽ trả.

Còn 2 tháng nữa em sinh, mẹ chồng hứa cho 100 triệu đồng để sinh con. Em kể chuyện này và mẹ ruột lại ngỏ ý mượn số tiền đó. Mẹ chồng em chỉ mới hứa, nhưng mẹ ruột cứ hỏi hoài, em bực quá nên nói: “Mẹ muốn thì tới nói với mẹ chồng con đi!”.

Chẳng ngờ mẹ tới thật. Cả nhà sượng sùng. Mẹ chồng em nói không có sẵn tiền bây giờ, tiền này dự định cho con dâu, khi có mẹ sẽ đưa rồi con dâu muốn làm gì thì làm.

Em khổ tâm quá, toàn bộ số tiền mẹ mượn suốt 1 năm qua đều chưa trả. Em có phần áy náy vì đã chọn sống với nhà chồng nên em hay chiều ý mẹ ruột để “bù đắp”. Nhưng đến nước này thì chính em cũng bức xúc.

Mẹ chồng em nói đây là chuyện riêng giữa em và mẹ ruột, em tính thế nào thì tùy, bà không can thiệp. Em nên làm sao đây?

Thanh Thảo (Lâm Đồng)

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 

Thanh Thảo mến,

Thường thì sự khó xử xuất phát từ việc ta muốn được “lợi cả đôi đường”, nhưng nhiều tình huống buộc ta phải lựa chọn, hoặc là A hoặc là B. Và có vẻ như em đang rơi vào tình huống đó.

100 triệu là khoản tiền mẹ chồng cho em để sinh con. Vậy thứ tự ưu tiên số một phải là để dành tiền lo liệu các chi phí sinh con và chăm nuôi con. Em cũng có thể dùng tiền để cho mượn, hoặc dùng vào việc khác - với điều kiện em biết chắc là sẽ thu hồi được khi cần cho mục đích chính.

Hành xử như vậy thì mới đúng đắn, không chỉ là đúng với mẹ chồng, mà còn đúng với quy tắc ứng xử nói chung. Khi đó, em sẽ tránh được việc phụ lòng mẹ chồng, không làm bà thất vọng, buồn lòng. Bản thân em tránh được rủi ro tài chính khi sinh - điều mà mẹ chồng đã cất công lo liệu.

Tất nhiên, khi em làm như vậy, mẹ ruột sẽ bất bình. Nhưng cần hiểu, sự bất bình đó xuất phát từ ý muốn không phù hợp của mẹ, chứ không phải do em. Bản thân em không thể đáp ứng tất cả mong muốn của mẹ, nhất là khi chúng không hợp lý. Nhưng nếu mẹ không hiểu cho em, thì việc mẹ bất bình, trách cứ là bình thường, em cần chấp nhận, đừng quá
nặng nề.

Câu chuyện của em không chỉ trong phạm vi 100 triệu đồng kia, mà còn là cả một quá trình dài em bị động trong cảm giác có lỗi, rồi cứ thế chiều chuộng những đòi hỏi của mẹ. Bây giờ, em cần xác định rằng, việc em chọn sống ở đâu phải xuất phát từ mong muốn của riêng em. Em có quyền lựa chọn và mọi người cần tôn trọng lựa chọn đó.

Em có thể áy náy với mẹ, nhưng không nên thấy có lỗi. Chỉ khi phân định rõ ràng như thế, em mới có thể suy nghĩ mạch lạc hơn, chủ động hơn, tránh những “bù đắp” bất tận.

Thêm nữa, em đã nhiều lần cho mẹ mượn tiền. Đến lúc này, cần phải giúp mẹ một cách căn cơ hơn là cứ đưa tiền cho mẹ trong mù mờ, bất an. Em cần hỏi mẹ xem mẹ đang gặp khó khăn gì, mẹ định vượt qua bằng cách nào, các con có thể làm gì để giúp mẹ tháo gỡ?

Chỉ khi mẹ mở lòng và thực sự muốn vượt qua khó khăn, thì sự hỗ trợ của em mới hiệu quả. Mong em vững vàng và sớm an vui!

Theo phụ nữ TPHCM