Anh Thanh trước đây từng làm chủ một tiệm buôn bán máy công cụ nhỏ. Cuộc sống khá đủ đầy với người vợ chăm chỉ, đảm đang và hai đứa con ngoan ngoãn, xinh xắn. Mọi việc chỉ thay đổi từ khi anh đua đòi theo bạn bè đi bia ôm, mát xa rồi cặp hết với cô cave này đến “bồ nhí” khác. Thế là từ đó, bao nhiêu tiền nong kiếm được, anh đều cung phụng cho “phòng nhì”, bỏ mặc vợ con nheo nhóc. Vậy mà vẫn không đủ. Anh còn bán nhà, đổi nhà to thành nhà nhỏ, nhà gần thành nhà xa để có thêm tiền cho cái việc như anh hay nói là “nghìn vàng mua một nụ cười mỹ nhân”.

Đã rất nhiều lần, vợ chồng anh gây lộn. Tôi cùng với tổ dân phố, hội phụ nữ phường đến hòa giải. Trước mặt đoàn thể, chính quyền, anh vẫn lên giọng miệt thị vợ con, chê vợ là “hai lúa”, là “cơm nguội thiu”, “không thể so sánh được với “người ta”. Rằng “người ta” của anh vừa đẹp, vừa quyến rũ, “chân dài” lại biết chiều chuộng. Rằng anh không còn cảm xúc với vợ. “Chẳng ai cả đời chỉ ăn mỗi món cơm vừa thiu, vừa nguội”. “Phở bao giờ chẳng tuyệt vời hơn cơm”. Nên nếu không muốn mất chồng thì phải chấp nhận “sống chung với lũ”... Chị vợ lúc đầu còn cố năn nỉ, chèo kéo mong anh nghĩ lại. Sau rồi cũng mệt mỏi, buông xuôi và hận anh đến mức có lần còn cạo trọc đầu. Các con anh thì “nổi loạn”: đứa bỏ học, hỗn hào; đứa giao du bạn xấu.

nga re cua nguoi nghien pho

Ảnh minh họa

Anh cứ như con thiêu thân lao vào cuộc tình với các cô cave rồi ghen tuông gây gổ với một người bồ khác của cô ta đến mức xảy ra án mạng và anh bị kết án 7 năm tù.

Anh vẫn tiếp tục kể với giọng đầy hối hận: “Tôi đi tù được 4 năm thì mẹ con cô ấy dọn xuống Bình Dương. Nhà ngoại cô ấy đi xuất cảnh hết và để lại cho cô ấy căn nhà cùng mấy sào vườn. Căn nhà cũ bỏ trống. Nó không có giấy tờ vì vi phạm lộ giới, chắc chị biết. Nếu không, cô ấy cũng bán rồi. Ra tù, hai bàn tay trắng, không nghề nghiệp; tài sản vốn liếng cũng không. Bạn bè, người quen xa lánh hết. Sức khỏe suy sụp vì đang bị viêm gan mạn tính. Cô vợ nhỏ thì đã cao chạy xa bay tít phương trời nào với thằng bồ. Bỏ lại cho tôi đứa con 8 tuổi. Tôi đành muối mặt đến nương nhờ vợ lớn. Nhưng đã bị cấm cửa. Vợ tôi hận tôi, hai đứa con và nhà vợ còn hận hơn. Họ đồng loạt làm áp lực bắt phải li dị tôi. Nhất là đứa con gái lớn. Nó coi tôi như kẻ thù.

Căn nhà cũ, tôi ở cũng không yên, cho thuê không được, bán chẳng ai mua. Chẳng biết làm gì để sinh sống. Tôi cũng làm đơn gửi lên Tư pháp phường nhờ họ phân chia căn nhà để lấy chút vốn làm ăn. Nhưng họ vừa trả lời là nhà không giấy tờ thì chính quyền không can thiệp được. Tôi cùng đường quá rồi. Đã mấy ngày nay, hai bố con tôi chỉ có mấy gói mì cầm hơi. Vậy mà cứ vài ngày vợ con lại đến quậy. Bảo là tài sản chung, tôi không được chiếm hết. Cô ấy còn bảo chẳng có cô ấy giữ thì chỗ này cũng chẳng còn. “Giờ đi tìm những con yêu tinh kia mà đòi nhà, đòi phở mà ăn cho ngon. Bao nhiêu tiền ngày xưa “gửi” hết cho nó mà sao giờ lại chịu chết?”

Thực tình cô ấy nói cũng chẳng sai và tôi cũng hiểu nỗi lòng của cô ấy. Vì thế, đã bao nhiêu lần mẹ con cô ấy quậy quá quắt. Tôi định ăn thua mấy lần rồi ra sao thì ra. Nhưng rồi lại dằn xuống được. Vì những lỗi lầm do mình gây lên, và quá ổn những ngày trong tù, rồi đứa con riêng tội nghiệp của tôi nữa. Cháu chẳng có ai ngoài tôi. Bỏ nó cho ai được bây giờ? Những đứa kia thì đã không coi tôi là cha nữa. Tôi năm nay đã 45 tuổi, bệnh tật thế này. Tôi có chết cũng đáng. Chỉ thương cho chúng nó. Làm thế nào bây giờ hả chị?”.

“Làm thế nào ư”? Lời giải này không nằm ở phía tôi, phía anh. Mà là ở vợ con anh. Đến chính quyền còn... kẹt thì biết làm sao? Nhìn dáng anh thất thểu bước đi với cái lưng không không, bước chân cao thấp trong bóng chiều hiu hắt. Khuôn mặt tiều tụy của người đang mang bệnh, cái đầu trụi lủi vì những ngày thiếu thốn trong tù và sự giằng xé của tâm can, của ân hận và nuối tiếc. Tôi phải cố nén tiếng thở dài.

Đâu rồi người đàn ông bảnh bao, phong độ? Đâu rồi ông chủ trẻ chiều chiều ríu rít bên hai đứa con chơi cầu lông, bóng bàn ở nhà văn hóa khu phố tôi gần 10 năm về trước? Tuổi mới ngoài 40, lẽ ra là đang ở giai đoạn sung sức nhất của cuộc đời. Sao lại là “chết cũng đáng thôi”? Sao lại đưa cuộc đời mình và gia đình mình đang ở... “đường cái quan” quàng vào ngõ cụt như thế? Triết lý “phở - cơm” kết cục tất yếu là như thế sao? “Trẻ ăn chơi, già hối hận”. “Trồng cây nào, ra trái đó”. Lẽ đời đơn giản vậy mà giờ anh mới hiểu thì phỏng có ích gì? Bởi tình yêu, hạnh phúc là những thứ thường một đi không trở lại. Như bát nước đã đổ đi rồi, bốc lại làm sao? Thôi thì đành mạn phép anh viết lại những dòng này. Hy vọng mong mạnh là vợ con anh đọc được. Tôi chỉ có thể làm như thế.

Theo giadinhonline.vn