Bên trong ngôi nhà có vẻ yên bình là những đợt sóng ngầm. Đằng sau những bức hình lứa đôi tình tứ là rất nhiều tổn thương. Câu chuyện hôn nhân của cô bạn thân nhất của tôi có lẽ là vậy.

Nói với nhau không quá 10 câu/ ngày

Tôi và Vân Thanh là bạn cùng quê, học cùng trường. 2 đứa chơi khá thân nên sau này dù lấy chồng khác tỉnh vẫn thường xuyên giữ liên lạc. Trong những câu chuyện về gia đình, Thanh hay nửa đùa nửa thật nói cô có 3 đứa con: đứa đầu học tiểu học, đứa thứ hai đi nhà trẻ, còn đứa út đang… đi làm.

Trong suy nghĩ của tôi, anh Đạt - chồng Vân Thanh - đâu đến nỗi kém cỏi. Đến khi có dịp ở nhờ nhà bạn hơn tuần trong một chuyến công tác tỉnh, tôi mới biết bạn không nói quá lời.

leftcenterrightdel
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock 

Chồng bạn con nhà khá giả, là con trai một nên từ nhỏ đã được cưng chiều. Trước khi lấy vợ, anh chỉ biết học; lấy vợ xong chỉ biết đi làm. Mọi vấn đề trong gia đình từ lớn đến nhỏ, đối nội hay đối ngoại như: nấu nướng, chợ búa, dọn dẹp, chăm con, dạy con, con bệnh đi bệnh viện, chạy giấy tờ thủ tục mua xe, xây nhà, chọn trường con học… đều một tay vợ lo.

Vân Thanh kể: “Trước khi lấy Đạt, mình và anh không có tình yêu. Ba mình động viên: chọn chồng chỉ cần nghề nghiệp đàng hoàng, gia đình tử tế. ở đời mấy ai hoàn hảo. Tội phạm người ta còn cảm hóa được huống chi mấy tật nhỏ của nó như vô tâm, không biết lo việc nhà”. Vì câu nói này của ba mà Vân Thanh cứ nhẫn nhịn chịu đựng, tin vào một ngày mình sẽ “cảm hóa” được chồng.

Nhưng cô đã lầm. Cảm hóa làm sao được khi mỗi ngày, vợ chồng cô không nói với nhau quá 10 câu. Nói chính xác hơn là chồng cô không có nhu cầu giao tiếp với vợ. Những câu giao tiếp ít ỏi đều không có chủ ngữ, vị ngữ, không đi kèm thái độ yêu thương, vui vẻ hay âu yếm gì. Anh chỉ đơn giản là trao đổi thông tin về con cái hay những việc chung không thể không nói: “Con chưa ăn à?”, “Máy giặt hư rồi sao?”, “Cuối tuần sau về quê có giỗ”.

Đôi lúc, Thanh có cảm giác nếu như không cần nói mà vẫn có thể có thông tin, có lẽ chồng cô sẽ chẳng buồn mở miệng khi về nhà. Lâu dần, Thanh cũng lười nói chuyện với chồng. Họ như 2 cái bóng lầm lũi, lặng lẽ cùng nhau dưới một mái nhà.

Tôi thắc mắc: “Vợ chồng chung nhà im lặng, mất kết nối như vậy thì làm sao bàn bạc, chăm lo cho con?”. Thanh cười buồn: “Mình biết “tảng băng chìm” không tốt cho các con nên đã cố hàn gắn, thay đổi không gian trò chuyện hoặc ráng dẫn dắt câu chuyện vào những đam mê, sở thích của chồng để anh hào hứng hơn.

Tuy nhiên, tất cả đều vô hiệu. Anh vẫn ngó lơ, bỏ mặc, cũng chẳng thèm trả lời khi vợ nhắn tin, gửi email. Phòng khách bây giờ là phòng ngủ của chồng.

Tối với cả thế giới, trừ... vợ

Những ngày ở nhờ nhà Thanh, tôi quan sát chồng bạn sau giờ làm từ công ty trở về thì không rớ tay vào việc gì, cũng chẳng mấy khi tương tác, nói năng. Anh để nguyên áo quần, nằm ườn ra chơi game, để mặc vợ xoay đủ việc như chong chóng. Cách cư xử của Đạt khiến tôi khá bất ngờ.

Vân Thanh nói, có lẽ cả đời cô sẽ không thể nào quên được lần sinh con đầu lòng. Bé khó nuôi, hay bệnh vặt. Ông bà 2 bên đều không có điều kiện phụ giúp. Thanh ngày đi làm, tối về còn ôm con nhún nhảy trên giường để con đỡ khóc ngặt. Nhiều đêm cô thức trắng, còn chồng vẫn vô tâm ngủ ngon lành.

Đến khi sinh đứa thứ hai, chồng cũng không đỡ đần gì, đến mức Thanh có lần phải nhập viện vì kiệt sức. Vợ nằm viện mà thái độ chồng vẫn dửng dưng.

Câu trả lời của Thanh giúp tôi hiểu ra, từ lâu, trong mắt bạn, chồng bạn đã trở thành “người vô hình” và từ rất lâu rồi, việc lo cho con vẫn là trách nhiệm, gánh nặng riêng của bạn. Bạn đã gọi chồng là “đứa con út”, đồng nghĩa với việc chẳng thể trông mong gì ở anh.

10 năm sống mòn trong cuộc hôn nhân không tình yêu, không gắn kết, Vân Thanh có nhiều lý do để nấn ná với chiếc tổ lạnh lẽo của mình: 2 con đều còn quá nhỏ, nhà chồng tử tế, ba mẹ chồng quan tâm, hỗ trợ cả về vật chất lẫn tinh thần. Chồng cũng là người tốt, nhiệt tình với mọi người, trừ… vợ.

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Dù đau khổ, bạn tôi gắng không để các con thấy mẹ khóc. Cô kể nhiều lần muốn gào thét, muốn “lật bài ngửa”, muốn chất vấn chồng vì sao nhiệt tình với cả thế giới mà vô tình với vợ. Nhưng rồi chính sự lạnh lùng cố hữu nơi anh khiến cô chua chát chấp nhận một sự thật: tâm của chồng ngay từ đầu đã không đặt nơi mình. Để đến như hôm nay, có lẽ một phần lỗi cũng ở cô khi vội vã kết hôn khi chưa yêu, chưa hiểu nhau. Cô đau khổ, anh cũng không hạnh phúc.

36 tuổi, Vân Thanh không cam tâm tiếp tục sống cả một đời héo hắt. “Vì con, mình sẽ gắng kết nối, gắng yêu chồng thêm một thời gian nữa. Nhưng nếu vẫn không kết quả thì tương lai, khi con cái đã đủ vững vàng, mình và con sẽ chọn rời đi, chủ động tìm kiếm một cuộc đời hạnh phúc, vừa vặn với mình hơn”.

Giờ đây, Vân Thanh hay tỉ tê trò chuyện với các con nhiều hơn, tập cho con làm việc nhà, rèn con tự lập, biết chăm sóc bản thân. Cô mong con có sự chuẩn bị trong suy nghĩ, không bị sốc trong trường hợp ba mẹ đường ai nấy đi.

Chia tay bạn, tôi ra về mà lòng ngổn ngang. Dù cho chỉ còn rất ít hy vọng, vẫn mong có một phép màu giúp cuộc hôn nhân của Thanh dần ấm lên. Còn nếu không được như ước nguyện, tôi tin với sự chuẩn bị kỹ càng, bạn sẽ cứng cỏi trong bão giông.

Theo phụ nữ TPHCM