leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa

Mạng xã hội đang lan toả thông tin: Năm 2023, Hải Dương có 10.674 cặp đôi kết hôn, trong đó ly hôn 5.071 vụ. Tỉ lệ ly hôn so với tổng số cuộc kết hôn chiếm trên 47%. Riêng 6 tháng đầu năm 2024, có 4.235 cặp đôi kết hôn và 2.696 vụ ly hôn, tỉ lệ ly hôn chiếm trên 63%. Và số vụ ly hôn dự báo sẽ còn tăng cao trong 2 tháng cuối năm.

Số vụ ly hôn ngày càng tăng không phải là chuyện mới mà được đề cập trong mấy năm gần đây. Theo báo cáo của ngành tòa án, trung bình hàng năm Việt Nam có 600.000 vụ ly hôn, bình quân cứ 2,7 cặp kết hôn thì có 1 cặp ly hôn (chiếm hơn 35%).

Trong số các cặp đôi ly hôn, 70% số vụ thuộc về các gia đình trẻ trong độ tuổi từ 18-30, 60% ly hôn sau từ 1-5 năm chung sống. Mâu thuẫn về lối sống, vấn đề kinh tế, ngoại tình, bạo lực gia đình… được chỉ ra là những nguyên nhân dẫn đến ly hôn.

Các con số trên khiến nhiều người bàng hoàng, một số cá nhân tích cực luận bàn, mổ xẻ chuyện thực tế quanh mình, trong chính gia đình mình.

Nhiều người cho rằng người trẻ hiện nay theo đuổi lối sống cá nhân, đề cao cái tôi, thiếu sự chia sẻ và vun vén trong hôn nhân, dẫn đến kết hôn nhanh - ly hôn vội. Vì rằng ngày xưa ông bà mình cưới nhau, đôi khi không có tình yêu mà có thể sống đến đầu bạc răng long. Nhưng cũng có ý kiến đặt vấn đề: Đã có thống kê nào, hay dữ liệu đáng tin nào khẳng định các cuộc hôn nhân của ông bà vì viên mãn, hạnh phúc mà lâu bền? Hay đó chỉ là sự chịu đựng của người phụ nữ theo quan điểm xưa, nên vẫn được cho là gia đình hạnh phúc?

Đàn bà xây nhà, đàn ông xây tổ ấm, phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong giữ lửa hôn nhân. Nhưng số liệu cho thấy có đến 70% vụ ly hôn do phụ nữ đệ đơn.

Năm 2022, góp ý vào dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), đại biểu Hà Thị Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp nhận định bạo lực gia đình là nguyên nhân chính của trên 76% số vụ ly hôn trong 10 năm qua, đặc biệt trong hơn 2 năm dịch bệnh COVID-19.

Hiện nay, nữ giới độc lập hoặc thậm chí là trụ cột kinh tế, nên họ đòi hỏi quyền được theo đuổi sự nghiệp cá nhân, theo đuổi đam mê. Điều đó chỉ có được khi người chồng đồng cảm, đồng hành, đồng san sẻ việc nhà, nuôi dạy con cái. Nhưng thực tế, nhiều người đàn ông đã kết hôn nhưng sống như còn độc thân, không nhận thức được trách nhiệm người cha người chồng. Từ đó dẫn đến mâu thuẫn và phụ nữ tìm cách thoát ra.

Tỷ lệ ly hôn cao không thể đổ cho nữ quyền vùng lên mà cần nhìn nhận ý thức hệ không theo kịp đà phát triển của xã hội. Một khi xã hội còn quan niệm phụ nữ lo việc nhà, đàn ông lo việc ngoài xã hội; con dâu phải chăm lo cho cha mẹ chồng; đàn ông đánh chửi vợ là bình thường;… thì các vụ ly hôn sẽ còn tăng trong tương lai.

leftcenterrightdel
 Số liệu thụ lý, giải quyết án hôn nhân - gia đình của TAND hai cấp trong tỉnh Hải Dương từ năm 2021 đến ngày 31/7/2024 (Ảnh: Báo Hải Dương)

Nói như thế không hẳn phủ nhận trách nhiệm của phụ nữ trong đổ vỡ hôn nhân. Thiếu chín chắn, chưa trang bị kỹ năng làm vợ, làm mẹ đã kết hôn; ảo tưởng về tình yêu, hôn nhân nhưng lại thiếu sự lắng nghe, thấu hiểu của những người phụ nữ trẻ cũng khiến hôn nhân rạn nứt.

Cần nhìn nhận, số vụ ly hôn tăng tác động đến trẻ em, trật tự xã hội… là điều không mong muốn của người kết hôn; nhưng một mặt nào đó, ly hôn do phụ nữ chủ động, trong đó có liên quan đến bạo lực gia đình thì lại là tín hiệu tích cực. Duy trì hôn nhân trong bạo lực gia đình là nuôi dưỡng ung nhọt, kìm hãm sự phát triển của xã hội. Không ai dám chắc rằng những tổn thương của trẻ em do cha mẹ ly hôn sẽ nhẹ nhàng hơn so với những tổn thương dai dẳng mà chúng phải chịu đựng khi sống trong bạo lực gia đình.

Vậy nên, thay vì kỳ thị ly hôn và lên án các cặp đôi, trước mắt cần làm sao để những cuộc chia tay diễn ra trong hòa bình để hạn chế những tác động lên gia đình 2 bên và nhất là những đứa trẻ.

Hạn chế số vụ ly hôn là 1 quá trình còn xa. Chúng ta, nhất là những người trẻ, cần 1 quá trình nhận thức, hấp thu văn minh để có ứng xử phù hợp trong hôn nhân, ở cả 2 phái.

Theo phụ nữ TPHCM