Trong giai đoạn 2001-2009, tỉ lệ người cô đơn nhiều nhất ở Úc tập trung vào lứa tuổi từ 65 trở lên. Tuy nhiên, cuộc khảo sát thường niên về hộ gia đình, thu nhập và lao động tại Úc (HILDA) năm 2023 cho thấy, tỉ lệ người cô đơn ở những cư dân lớn tuổi nhất hiện thấp nhất trong cả nước. Thay vào đó, những người trẻ tuổi mới là nhóm đối tượng cảm thấy cô đơn và bị cô lập cao. Năm 2001, khoảng 18,5% người trẻ từ 15-24 tuổi cho biết họ cảm thấy cô đơn. Năm 2021, tỉ lệ này tăng lên 24,8%. Tiến sĩ Ferdi Botha - Đại học Melbourne, tác giả của khảo sát HILDA - cho biết: “Mức độ cô đơn cao có thể liên quan đến việc những người trẻ tuổi hiện không có nhiều bạn bè. Đối với một số cá nhân, tương tác bạn bè có xu hướng diễn ra trực tuyến, vì vậy mức độ gần gũi không được như các thế hệ trước”.

leftcenterrightdel
 Nhiều người trẻ đã chọn lối sống thu mình và dần trở nên cô đơn - ẢNH MINH HỌA: GETTY IMAGES

Tại Nhật Bản, cuộc khảo sát toàn quốc vào năm 2022 cho thấy 40,3% trong số 20.000 người được hỏi cho biết họ “cảm thấy cô đơn” từ mức độ thỉnh thoảng đến thường xuyên, tỉ lệ này cao hơn ở những người ở độ tuổi 20 và 30. Nền kinh tế Nhật Bản đã nhận ra xu hướng này, với nhiều sản phẩm và dịch vụ thân thiện với người độc thân hơn trong các lĩnh vực du lịch, nhà ở và tài chính.

“Solo katsu” là thuật ngữ mô tả việc tự mình tham gia các hoạt động mà theo truyền thống được coi là cơ hội giao tiếp xã hội. Ngoài ra, hình thức sống một mình cực đoan nhất được thể hiện qua một nhóm được gọi là “hikikomori” hay những cá nhân tự giam mình trong nhà.

Hideaki Matsugi - Giám đốc Văn phòng Chính sách về cô đơn và cô lập Nhật Bản - cho biết, một “bước ngoặt” xảy ra khi những người trẻ tuổi tốt nghiệp, chuyển ra ở riêng và rời xa bạn bè thời đi học. Ngay cả khi họ vẫn duy trì tình bạn, những người bạn tâm giao thân thiết cũng rất hiếm. Mitsunori Ishida - giáo sư xã hội học tại Đại học Waseda (Tokyo, Nhật Bản) - nhận xét: “Những người trẻ tuổi nói riêng có xu hướng tránh giao du với người khác, vì sợ vướng vào những tình huống khó xử hoặc gánh nặng phải giải quyết những vấn đề tiềm ẩn”.

Cơ hội giao lưu ngoại tuyến cũng giảm đi khi những người trẻ tuổi bước vào lực lượng lao động vốn nổi tiếng với giờ làm việc dài, bao gồm cả việc làm thêm giờ. Hôn nhân cũng không phải là giải pháp chữa khỏi nỗi cô đơn, đặc biệt là đối với phụ nữ. Nhiều phụ nữ Nhật Bản vẫn được kỳ vọng sẽ trở thành bà nội trợ toàn thời gian sau khi kết hôn, hạn chế các tương tác xã hội bên ngoài.

Các chuyên gia sức khỏe tâm thần phân biệt giữa cô đơn tạm thời và cô đơn mãn tính - cảm giác cô lập dai dẳng và cảm giác rằng bản thân không thuộc về một nhóm xã hội cụ thể. Roseline Yong - trợ lý giáo sư về sức khỏe cộng đồng tại Đại học Akita (Nhật Bản) - cho biết: “Cảm giác cô đơn có thể leo thang thành các vấn đề sức khỏe tâm thần nghiêm trọng. Nó sẽ làm xói mòn lòng tự tôn của bạn và thậm chí giết chết bạn”. Vào ngày 1/4/2024, Chính phủ Nhật Bản đã chính thức nhìn nhận “sự cô đơn và cô lập” là vấn đề xã hội, yêu cầu chính quyền địa phương phải thành lập các nhóm hỗ trợ cho những người có nhu cầu.

Một số thị dân Nhật Bản cũng tự mình giải quyết vấn đề bằng cách chuyển về sinh sống ở khu vực nông thôn. Đối với họ, sự thấu hiểu và hỗ trợ từ cộng đồng ở vùng quê ấm áp hơn nhiều so với hàng xóm nơi đô thị.

Tiến sĩ Ferdi Botha nhận định: các chuyên gia có thể kê đơn “liều thuốc xã hội” cho những người trải qua sự cô đơn. Đơn thuốc này hỗ trợ kết nối mọi người đến với các hoạt động nhóm và dịch vụ trong cộng đồng của họ, từ đó đáp ứng các nhu cầu thực tế đời sống, giao lưu xã hội và cảm xúc cá nhân, giúp bệnh nhân cảm thấy hạnh phúc và có sức khỏe tổng thể tốt hơn.

Theo phụ nữ TPHCM