Chào chị Hạnh Dung,

Em 26 tuổi, anh 32 tuổi, yêu nhau hơn 1 năm. Tụi em rất hạnh phúc vì hợp tính. Chuyện sẽ rất hoàn hảo nếu em không phát hiện sếp trực tiếp của anh chính là người yêu cũ của anh.

Lúc em biết chuyện, họ vẫn rất thân thiết với nhau. Trong khi cả công ty anh không biết sự có mặt của em thì anh và chị ấy thường xuyên nhắn tin hỏi thăm, tặng quà cho nhau trong mọi dịp lễ, tết, sinh nhật. Thậm chí, những hình ảnh thời yêu đương của 2 người, anh cũng không xóa. Chỉ đến khi em giận, anh mới chịu xóa đi.

Anh nói đó là quan hệ công việc, phần tình cảm anh đã chấm dứt rõ ràng trước khi quen em và bây giờ anh chỉ yêu em.

Sự thật là em cảm nhận được tình yêu, sự quan tâm, sự tôn trọng anh dành cho em. Bản thân em cũng thấy mình may mắn có được một mối tình tuyệt vời. Nhưng nhìn cách họ qua lại, tặng quà, quan tâm nhau, em cảm thấy bất an. Anh nói quà cáp chỉ là “văn hóa công sở”, nhưng vẫn không hóa giải được sự khó chịu trong em. 

Em bắt đầu chán và trách anh rất nhiều. Nhưng lương tâm không cho phép em buộc anh phải chuyển công tác. Vì vậy, chuyện này cứ lòng vòng, bế tắc. Xin chị cho em lời khuyên. 

Ngọc Phương (TPHCM)

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 

Ngọc Phương mến,

Trước hết, hãy nói về điều em muốn. Em muốn tôn trọng công việc của bạn trai. Muốn giữ vị trí và lối hành xử đúng đắn của một cô bạn gái. Điều này đồng nghĩa với việc em tôn trọng những giao tiếp công việc, những thân tình đồng nghiệp của anh ấy.

Thứ hai, là những điều em không muốn. Em không muốn anh thân thiết và có những giao tiếp riêng tư với sếp - tức người yêu cũ của anh. Em không muốn anh dành những giao tiếp đặc biệt với sếp.

Vậy, cần phải làm rõ những biểu hiện trong mối quan hệ giữa họ là thuộc về giao tiếp đồng nghiệp hay giao tiếp riêng tư.

Có thể kiểm tra điều này bằng cách tìm hiểu xem anh có làm những điều đó (hỏi thăm, tặng quà) với những đồng nghiệp khác không. Nếu quan hệ đồng nghiệp với người phụ nữ đó có chút đặc biệt vì cô ấy là sếp thì các đồng nghiệp khác có làm như vậy với cô ấy không. Nếu có, thì đó đúng là “văn hóa công sở”.

Còn nếu chỉ riêng bạn trai em và cô ấy quan tâm đến nhau theo cách đó thì anh ấy hoàn toàn có thể điều chỉnh để giữ mối quan hệ ở mức bình thường và cũng là để em không hiểu lầm.

Em hãy nói với bạn trai về 2 khía cạnh của vấn đề này, đâu là điều em muốn tôn trọng và đâu là điều em không chấp nhận. Anh ấy cần chứng minh những điều mình làm chỉ là “văn hóa công sở” và tự điều chỉnh những việc vượt khỏi phạm vi đồng nghiệp.

Có một trường hợp nữa: họ thực sự trong sáng nhưng vẫn có cách giao tiếp đặc biệt vì đã từng yêu nhau. Điều này cũng dễ hiểu. Nhưng nếu em không chấp nhận điều đó, cũng cần chia sẻ thật rõ với bạn trai.

Một khi đã bước vào một mối quan hệ yêu đương, anh ấy cần tôn trọng những logic bình thường của mối quan hệ hiện tại, thay vì xuôi theo những quán tính của mối quan hệ cũ. Những quan tâm, giúp đỡ thuộc về “quán tính” của mối quan hệ cũ cần được điều chỉnh để đưa mọi mối quan hệ về đúng vị trí của nó.

Cũng cần xem xét một trường hợp rất phổ biến khác: dù họ đang rất trong sáng, dù họ không thân thiết quá đà, em không chấp nhận nổi ngay cả việc họ làm việc cùng nhau, việc người cũ là sếp của anh ấy. Đây là một cảm xúc hết sức vô lý nhưng lại cũng hết sức hợp lý và dễ hiểu.

Nếu quả thật em rơi vào trường hợp này, cũng cần thẳng thắn với bản thân và thẳng thắn với bạn trai để tìm hướng giải quyết.

Cả hai cần xem cảm xúc của em là một thực tế, bên cạnh thực tế công việc của anh ấy. Cần xem xét thứ tự ưu tiên trong lòng mỗi người, để xem đâu là điều bắt buộc phải giữ, đâu là điều có thể thay đổi.

Trong nhiều trường hợp, người ta chấp nhận cảm xúc vô lý của mình là không thể/chưa thể hóa giải thì cần xem xét thay đổi yếu tố còn lại (công việc của bạn trai). Nhiều trường hợp khác, khi xem công việc của bạn trai là tối thượng thì cần phải học cách giải tỏa cảm xúc của chính mình.

Quan trọng nhất là phải nhìn thật sâu, thật rõ vào mối bòng bong này và thấy thật cụ thể từng nguồn cơn để giải quyết. Chuyện không có đúng - sai, chỉ có “phù hợp nhất” với chính em và bạn trai em.

Hãy tôn trọng cảm xúc của bản thân, nhưng cũng đừng nhân danh cảm xúc để đẩy hết trách nhiệm giải quyết cho bạn trai. Trên sự tôn trọng, hãy tự xem mình là người trong cuộc để cùng anh ấy tìm cách giải quyết.

Chúc em sớm an vui.

Theo phụ nữ TPHCM