Chị Hạnh Dung quý mến,

Em năm nay 28 tuổi, người yêu của em 34 tuổi. Chúng em quen nhau qua bạn bè giới thiệu, trong dịp sinh nhật của một người bạn chung.

Hôm đó anh ấy đến bữa tiệc cùng một bé gái rất xinh. Anh gây ấn tượng với mọi người khi chăm sóc, lo lắng chu đáo cho bé gái. Sau đó, em biết rằng anh là ba đơn thân và điều quan trọng là bé gái không phải con ruột của anh mà là cháu - con của người anh đã mất do tai nạn giao thông.

Sau này, tìm hiểu về anh nhiều hơn, em mới biết anh trai anh và người yêu chưa kết hôn thì anh ấy mất. Người phụ nữ ấy để đứa con lại cho gia đình bạn trai cũ và đi lấy chồng. Anh đã nhận lấy trách nhiệm nuôi cháu. Câu chuyện lúc đầu làm em rất ấn tượng và khâm phục anh. Với em, nghĩa cử của anh thật đáng trân trọng.

Nhưng thời gian trôi qua, em bắt đầu cảm thấy việc tụi em kết hôn và phải nuôi một đứa trẻ sẽ là áp lực lớn. Anh cho bé học trường quốc tế, chăm sóc như con nhà giàu, dù lương anh cũng chỉ tầm 30-40 triệu đồng/tháng. Anh cũng dành rất nhiều thời gian cho bé, thậm chí còn nhiều hơn cho em.

Cưới xong, em muốn có 2-3 đứa con, nhưng anh nói đã có 1 bé rồi nên chỉ sinh thêm 1 bé. Em đã đề nghị anh giao bé lại cho mẹ ruột, nhưng anh nhất định phản đối. Những tranh cãi của tụi em về chuyện này đang ngày một lớn. Em có nên tự mình đi tìm mẹ của bé và dàn xếp chuyện này hay không?

Thu Hòa (Bình Dương)

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa

Em Thu Hòa thân mến,

Được gặp và yêu một người đàn ông có trách nhiệm, có tình yêu thương, có lòng bao dung trong xã hội phức tạp, xô bồ ngày nay quả là điều may mắn.

Thế nhưng việc gì cũng có 2 mặt. Khi em chấp nhận ở cạnh một người vị tha, bao dung, nói nôm na là thích lo chuyện bao đồng thì đôi lúc em sẽ cảm thấy tình cảm của anh bị chia sẻ - không chỉ cho riêng em và người thân trong nhà mà còn dành cho những thứ anh quan tâm, cho những gì anh cho rằng bản thân cần có trách nhiệm.

Nói vậy để thấy, những băn khoăn, tính toán của em hiện tại cũng là cảm giác thường gặp khi rơi vào tình huống này. Hạnh Dung hiểu được những lo lắng, suy nghĩ của em khi cuộc sống sắp tới sẽ phải chung vai, chung sức, chung tấm lòng để chia sẻ với người yêu những điều anh ấy đã và đang gánh vác.

Hạnh Dung không dám khuyên em chọn đồng hành cùng người yêu hay từ bỏ. Tất cả đều phải dựa vào tình yêu, sự hiểu biết và chia sẻ của em với người mình yêu.

Nếu em chọn đồng hành, điều đó cũng không có nghĩa là em phải hoàn toàn làm theo những gì anh hoạch định. Khi xác định nuôi cháu ruột, em có thể bàn với anh chuyện học hành, ăn ở, sinh hoạt, nuôi dạy sao cho phù hợp, vừa sức, vừa túi tiền.

Khi tiến tới hôn nhân, sẽ còn nhiều thứ phải lo toan. Bài toán kinh tế cần đặt ra và có hướng giải quyết thật sát sườn. Còn chuyện vợ chồng sẽ có bao nhiêu con, nuôi dạy con chung, con riêng ra sao cũng cần được bàn bạc, đồng thuận.

Nếu sau khi nói chuyện rõ ràng, chân thành với nhau mà vẫn không tìm được tiếng nói chung và em quyết định buông tay khi đôi bên chưa có ràng buộc; đó là quyền lựa chọn của em, sẽ không ai có thể trách em được.

Riêng việc trực tiếp gặp mẹ bé gái để dàn xếp, Hạnh Dung thấy không nên, bởi chị ấy và người yêu em không có quan hệ tình cảm trai gái và chuyện nuôi cháu gái đơn thuần là chuyện riêng của gia đình anh, em không cần phải can dự quá sâu.

Chúc em bình tĩnh, tự tin và sáng suốt chọn cho mình con đường sáng để tìm thấy hạnh phúc, em nhé.

Theo phụ nữ TPHCM