|
|
Anh chọn lối sống tách biệt họ hàng từ khi lấy vợ (ảnh minh họa) |
Từ ngày vợ chồng anh trai được cha mẹ tôi giao cho căn nhà từ đường, nơi ấy bỗng trở thành “điểm hẹn” của họ hàng bên vợ anh. Tuyệt nhiên không thấy người khách nào từ phía gia đình tôi.
Có vợ, anh trai tôi chỉ biết vợ. Cả cha mẹ tôi lúc còn sống, lẫn các em, các cháu trong nhà, anh ấy chỉ dừng ở mức xã giao. Bố tôi vốn trọng nam khinh nữ, đến khi gần mất vẫn gọi người con trai duy nhất về để giao căn nhà.
Sống trong nhà bố mẹ tôi để lại nhưng anh trai cứ phải nhìn mặt vợ mỗi khi họ hàng mình đến chơi. Dần dà, chẳng ai muốn gây khó xử cho anh nên không đến nữa, trừ những dịp giỗ, lễ quan trọng.
Những đứa cháu tôi, nếu là trước đây từ quê lên thành phố sẽ đến thẳng nhà ông bà, ăn uống ngủ nghỉ, thậm chí có đứa ở học hết 4 năm đại học, thì bây giờ mỗi lần có việc lên cần ở lại, chúng lẳng lặng đi tìm nơi khác.
Nói ra thì không phải chị dâu tôi xấu tính xấu nết gì, chỉ đơn giản do không có sự kết nối. Từ ngày anh chị lấy nhau, họ ra riêng, lập nghiệp ở một thành phố khác nên ít tiếp xúc với họ hàng bên chồng. Rồi thì anh trai tôi cũng chẳng mặn mà gì với em út, họ hàng, thì làm sao chị dâu thiết tha cho được?
Ai cũng có ít nhất một vài người bạn thì anh trai tôi không có. Vậy nên “chén chú chén anh” cũng không. Nhờ đó mà cuộc sống lành mạnh hẳn. Toàn bộ thời gian của anh chỉ dành cho gia đình. Đi đâu cũng đi với vợ, con.
Ban đầu, tôi còn tưởng anh có nỗi khổ khó nói nào nên mới sống hời hợt với họ hàng như vậy. Có người thì tưởng anh bị vợ quản, nhưng không, anh hài lòng với lối sống như vậy. Cuộc sống của mỗi người suy cho cùng cũng gói gọn trong những mối quan hệ gần gũi nhất như vợ chồng, con cái. Vun vén được cho tổ ấm hạnh phúc là tốt rồi. Nhưng, vài cái chậc lưỡi của người chung quanh không phải là vô lý, rằng nếu có sự kết nối họ hàng, ở đây là anh chị em, cháu ruột… thì đại gia đình sẽ ấm áp hơn.
Đó là khi trong gia đình người này người kia có chuyện, mới thấy rõ tính vô tâm của anh trai. Anh chẳng màng quan tâm. Một lần, chị gái tôi từ quê lên đi khám bệnh, hỏi anh mượn chiếc xe. Anh thẳng thừng bảo "để hỏi vợ đã".
Đó chỉ là chiếc xe. Rồi đến những dịp người nọ người kia cần góp công, góp sức, anh cũng chỉ đứng bên ngoài, hoặc là phải thông qua vợ chứ không tự quyết định. Bình thường, thấy anh hiền lành ai cũng thương, nhưng đến khi đụng chuyện mới thấy rõ sự vô cảm của anh với họ hàng. Trong khi, em và cháu vợ thì ở hẳn trong căn nhà tổ bố mẹ tôi.
Sau này, mỗi khi có chuyện khiến chạnh lòng. Các chị tôi đều lắc đầu bảo: “Cậu ấy giống y như chú Út”.
Chú Út là em trai của bố tôi. Mãi đến khi chú mất, tôi vẫn chưa một lần gặp mặt. Chú sống cùng vợ con ở Úc, nhưng thỉnh thoảng vẫn về Việt Nam vì 2 bên nội ngoại đều ở đây.
Ở dưới quê, bên nhà vợ chú chỉ cách nhà tôi một con sông. Dạo ấy, chưa có cầu bắc ngang sông như bây giờ, nhưng mỗi nhà đều có 1 chiếc thuyền phục vụ cho việc đi lại, và từ bên này qua bên kia sông chỉ chèo thuyền chừng 5 phút là tới. Vậy mà mỗi lần gia đình thím về, chú cũng chẳng rảnh rang để ghé sang nhà tôi chơi. Chỉ vì “thông cảm cho chú thím, anh em lâu ngày gặp nhau cứ kéo chú đi nên không từ chối được” - đến ngày đi, thím nói vậy khi gặp người nhà tôi. Vậy nên đến năm tôi 30 tuổi, chú mất mà tôi vẫn chưa một lần gặp mặt.
Hôm rồi thím tôi về nước, thím có làm mâm cơm mời họ hàng, cháu chắt đến sum họp. Các anh chị tôi đều viện cớ bận để chối từ. Không biết đến giờ thím có nhận ra không, rằng sự gắn kết tình thân phải đến từ cái tâm. Điều đó chỉ là muốn hay không chứ chẳng khó khăn gì. Có câu nói rằng “nếu muốn sẽ tìm cách, nếu không muốn sẽ tìm lý do”. Trải qua năm dài tháng rộng vậy, những gì thím dành cho mọi người, tốt hay xấu đều quá dễ dàng để nhận ra.
Vậy nên khi nghe các chị chốt lại bằng câu “anh trai giống chú Út”, tôi lại thấy bất an cho sự kết nối từ bây giờ và về sau này, khi mà những mối quan hệ họ hàng ngày càng trở nên rời rạc.
Theo phụ nữ TPHCM