Chị Kim H. vừa khóc vừa hạch hỏi chồng: “Anh không còn nhớ gì nữa hả? Mẹ tôi đã dám đưa cho anh 3 cây vàng làm vốn dù anh chưa chính thức cưới tôi. Bộ anh quên hết rồi sao? Quên cái thời vợ chồng đi chở hàng, hết xăng dắt bộ về. Túi ít tiền, không dám ghé quán ăn, anh kể chuyện này kia cho tôi quên đói…”.

Chị nhắc lời anh hứa - sau này giàu có, sẽ không bao giờ để chị phải sống khổ cực, thiếu thốn. Chị gặng hỏi “con nhỏ đó” là ai mà xóa não anh tài tình như vậy, khiến anh không còn nhớ hồi xưa đã từng thề thốt những gì với chị. Chị vừa phát giác anh có một mối quan hệ trên mức tình bạn. Dòng tin nhắn “tiếc rằng mình gặp nhau quá muộn” anh đã gửi cho nàng ta giờ đây ngày đêm cứa lòng chị.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa

Chị Kim H. từng kiêu hãnh vì có chồng chịu thương chịu khó, thủy chung, yêu chiều mình hết mực. Từ khi mở được thị trường mới, đem lại nguồn lợi ngoạn mục, chồng chị thay đổi nhiều, tỉa tót hơn, ăn nói kiểu cách hơn và hành tung có phần bí hiểm (trong mắt chị). Anh khăng khăng rằng mình đâu đã đi quá xa, chị thì không cho anh cơ hội phân trần. Chị không ngờ người cùng chị đồng cam cộng khổ tạo dựng cơ nghiệp từ thời hạt muối cắn đôi, nay lại quay lưng phụ rẫy vợ con khi bắt đầu qua cơn bĩ cực.

Người đời vẫn quan niệm cái nghĩa sẽ thêm dày nếu vợ chồng đã nương tựa, đỡ đần nhau đi qua thời gian khó. Những đôi vợ chồng từ đầu cuộc hôn nhân đã sống trong vàng son nhung lụa thì 2 chữ keo sơn hạn chế hơn, khả năng chống chịu thử thách thấp hơn. Nghĩa dày có là chiếc sà lan vững chãi đưa vợ chồng xuyên qua hành trình sóng gió hay đã kinh qua thời khó, người ta càng khát thèm tận hưởng nhu cầu cá nhân một khi có điều kiện?

“Giàu đổi bạn, sang đổi vợ”. Câu này là một quy luật hay chỉ là lời cảnh báo, tùy vào lập trường của mỗi người và tùy vào tình yêu có lấp đầy cuộc hôn nhân của họ hay không. Một người phụ nữ có đôi mắt sầu muộn bước vào phòng tư vấn tâm lý bằng câu chuyện đời… sầu muộn. Chị chia sẻ rằng, khi còn khó khăn và đủ ăn thì chồng chị đối xử với chị khá nhẹ nhàng, tử tế. Từ khi may mắn ôm được một số tiền lớn từ trên trời rơi xuống, chồng chị bắt đầu ăn chơi, nhậu nhẹt bê tha, đua tranh xe xịn đồ hiệu với nhóm bạn bè mới.

Đặc biệt, chồng xem thường chị ra mặt, khinh rẻ chị và gia đình bên vợ như đồ ăn bám; thường xuyên mắng chửi, xúc phạm khi chị góp ý, khuyên ngăn. Ngay cả khi người đàn ông không có mối quan hệ ngoài luồng thì tình trạng bạo lực, thiếu tôn trọng, chê trách, đổ lỗi cũng đã ngăn cách tình cảm vợ chồng.

Quên thuở hàn vi không chỉ riêng có ở cánh mày râu mà phụ nữ cũng có người phất lên về tiền của rồi sa sút về… trí nhớ. Họ quên những chén cháo mẹ chồng nấu những khi đau ốm, ở cữ. Họ quên tấm áo chồng choàng cho vợ giữa giá lạnh đêm đông. Có những quý bà chạy theo tân trang sắc đẹp, cả thèm chóng chán, tự thấy chồng mình sao mà thô kệch, quê mùa. Họ tự thấy tuổi thanh xuân mình đã bị chôn vùi oan uổng mà cơ hội thay thuyền đổi bến thì bày ra trước mắt. Họ vẫn đến bến bờ hạnh phúc nếu gặp chân ái, ngược lại, là bi kịch “thả mồi bắt bóng” và lối về hóa mù khơi.

Anh Nguyễn K. (một người khá thành đạt trong ngành truyền thông) chia sẻ: có đợt anh say nắng một cô sinh viên đến cơ quan anh thực tập. Cô cũng tỏ ra quý mến người đàn anh và thường chủ động tìm hỏi những kinh nghiệm, kỹ năng nghiệp vụ. Bên cô gái trẻ đẹp, nóng bỏng, anh tự nhiên “mất trí nhớ”, quên mình đã và đang có vợ. Nửa đêm, khi anh len lén lấy điện thoại soạn những dòng tin hẹn hò thì vợ anh đang ngủ bỗng trở mình, vạt áo phất qua vô tình để lộ vết mổ.

Vết mổ kể cho anh nghe một câu chuyện giữa đêm tịch liêu, rằng khi xưa có một người vợ phải banh da xẻ thịt mổ ruột thừa (bị viêm cấp) khi đứa con mới tượng hình trong bụng. Đứng trước bàn thờ, anh đã lấy mạng sống của mình để cầu nguyện cho vợ con được lành mạnh, bình an vô sự. Rồi giờ đây, anh tự hỏi mình đang làm những gì, mình có xứng đáng với người vợ đã hy sinh tất cả vì chồng con chưa?

“Giàu rồi bỗng thay đổi, quên tình nghĩa vợ chồng, điều đó không có cơ sở. Có thể lúc quen nhau, họ chưa thực sự hiểu bản chất của nhau. Những nhu cầu, những tính cách tiềm ẩn, khi có điều kiện mới được dịp bùng dậy chứ không phải họ thay đổi từ người xấu sang tốt, thủy chung sang trăng hoa, chân thành sang giả dối, giản dị sang đua đòi… Vật chất làm cho cuộc sống vợ chồng thi vị hơn, hạnh phúc hơn nếu họ rèn bản lĩnh trước những thử thách ngoại cảnh, có nghệ thuật giữ lửa, biết nghĩ cho nhau và biết ơn nửa kia đã luôn chia bùi sẻ ngọt với mình qua những chặng đường thăng trầm” - anh Nguyễn K. bộc bạch.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Giàu sang là thử thách của hạnh phúc

Giàu sang luôn là thử thách của hạnh phúc vợ chồng. Nhiều trường hợp đã tan vỡ, nhưng để đánh giá thấu đáo, nhìn nhận thẳng thắn nguyên nhân thì không phải ai cũng dũng cảm. Điều này phụ thuộc vào trình độ, kiến thức, sự cảm thông và tính sĩ diện nơi mỗi người.

Một người đàn ông thành đạt, trước hết là niềm tự hào của gia đình (cha mẹ, vợ con, họ hàng) rồi mới đến bạn bè, đồng nghiệp và xã hội. Ở góc nhìn tích cực, đó là tấm gương để mọi người noi theo, là sự ngưỡng mộ của nhiều người, trong đó có quý chị em. Nhưng lằn ranh của ngưỡng mộ, say nắng và sa ngã đối với quý ông thành đạt và cô gái xinh tươi như sợi chỉ mong manh, chỉ cần một phút yếu mềm, một cơ hội thuận lợi là họ có thể ngã vào nhau. Nhiều trường hợp, gặp cô gái có nhan sắc, thông minh lại tâm cơ thì quý ông khó mà thoát bẫy tình ma mị.

Điều này cũng không khó lý giải, bởi khi thành đạt, địa vị cao, quý ông dễ mang tâm lý chủ quan, mất cảnh giác trước những đàn em giỏi tâng bốc, dàn thư ký nữ xinh như mộng, giọng ngọt như mía lùi, khéo lấy lòng vây quanh. Trong khi đó, vợ nhà nhan sắc đã xuống sau thời gian làm vợ, làm mẹ gian nan để làm bệ phóng cho chồng. Tâm lý “cậy công” vượt ngưỡng của người vợ khi va chạm với “trụ cột hào hoa” của người chồng chắc chắn sẽ là tiền đề của rạn nứt tình cảm. Không có người vợ nào chịu chia sẻ hạnh phúc của chồng mình với người phụ nữ khác, nhưng cũng không thể bắt chồng mình “trơ như đá” trước nhan sắc của phụ nữ bên ngoài. Vấn đề là anh có ứng xử văn minh, lịch sự và biết điểm dừng hay không?

Nếu giàu sang làm cho “nam đổi vợ” thì cũng có thể làm “nữ thay lòng”. Vậy nguyên nhân do đâu? Đó là vì xã hội hiện đại làm gia tăng áp lực cho nam giới nên họ dễ bị căng thẳng, stress; rượu bia nhiều cũng là nguyên nhân giảm tần suất và chất lượng quan hệ vợ chồng. Tôi có một anh bạn, đại gia bậc trung, chia sẻ rằng: sự nỗ lực công việc đem về cho anh tài sản ngoài trăm tỉ đồng, nhưng khi cái bụng bia tăng đều, khả năng sinh lý giảm cũng là lúc “cái sừng” càng nhô ra, bởi vợ anh không đua đòi vật chất nhưng thuộc tuýp “nhu cầu cao”, từ đó mới ngoại tình với tay tài xế và ly hôn.

Cũng có trường hợp người vợ không thuộc tuýp lả lơi nhưng chồng “mê ăn chả” thành ra bà “phải ăn nem” để trả đũa chồng và chứng tỏ mình còn quyến rũ không thua các em “đào” của chồng. Sự khẳng định bản lĩnh lệch chuẩn đã trả giá bằng đổ vỡ hạnh phúc hôn nhân. Nhưng cả 2 vợ chồng đều không thừa nhận lỗi của mình. Họ đổ thừa tại giàu mà thay lòng, rồi tự trách phải chi đừng giàu có, phải chi trở lại nghèo (tuy nhiên, đam mê tình ái thì không bỏ được).

Vật chất luôn là thước đo của tình yêu. Có câu: “Lấy lửa thử vàng, lấy vàng thử đàn bà”, nhưng để thấu lòng đàn ông thì phải đợi khi họ thành đạt, họ giàu sang thì mới nhìn, mới biết họ có “giàu đổi bạn, sang đổi vợ” hay không. Và như một tất yếu: mọi sự thành đạt, giàu sang đều có cái giá của nó. Giàu nhanh, phất lên như diều gặp gió lại nằm ở một khung giá khác. Riêng phụ bạc tình yêu, cái giá phải trả rất đa dạng, có thể là: danh dự, sự nghiệp, gia tài hoặc tính mạng bản thân. Luật pháp đôi khi không đáng sợ bằng luật nhân quả, bởi những hệ lụy vô hình đôi khi đeo bám và ám ảnh ta mãi về sau.

Luật sư Trần Hoài Nhân

Theo phụ nữ TPHCM