Chị Hạnh Dung thân mến,

Em là một cô gái sống hiện đại và tích cực, có đạo lý, có trước có sau. Em kết hôn được 2 năm, và nhận định mình không may mắn khi gặp phải gia đình chồng khá phức tạp. Em đã gặp rất nhiều vấn đề trong hôn nhân, và cách cư xử của gia đình chồng cũng ảnh hưởng đến tình cảm của chúng em.

Mẹ chồng em là người phụ nữ không đẹp người cũng chẳng đẹp nết. Bà không có lòng nhân hậu và bao dung của một người mẹ. Từ bé, chồng em đã sống dưới một mái nhà không êm ấm, do mẹ suốt ngày không hài lòng về bố. Bà luôn chì chiết, mắng chửi ông thường xuyên.

Đến khi chúng em cưới nhau, vì có tính tham tiền, nên bà đòi giữ toàn bộ lương của chồng em. Bà còn yêu cầu chồng em vay ngân hàng để bà đứng tên mua đất. Vì chúng em ở riêng, nên mọi chi phí sinh hoạt hàng tháng, em đều phải gánh vác. Dẫu vậy, em vẫn nghĩ mình sẽ lo được.

Hàng tháng chồng em trả nợ ngân hàng, không thể đưa tiền cho bà chi tiêu, nên cứ dăm ba ngày là mẹ chồng em lại gây sự với bố chồng để kêu khổ với chồng em. Nhiều bữa cơm chồng em phải bỏ đũa bát để chạy sang xem bà, sợ bà tự tử.

Nhìn chồng em khổ sở vì chữ hiếu với mẹ, và điều này ảnh hưởng đến gia đình em quá nhiều, nên em quyết định sang nói chuyện với bố mẹ chồng một lần, hy vọng chấm dứt được sự mệt mỏi đó. Nhưng cuối cùng, em thành ra mang tiếng hỗn láo và ích kỷ, không vui khi chồng mình về chăm sóc bố mẹ già.

Từ đó em chán không buồn để tâm đến nhà chồng, và quyết không qua lại gì nữa. Em không biết làm vậy là đúng hay sai, nhưng vẫn còn đỡ hơn là phải chịu đựng.

Những thứ em nếm trải với gia đình chồng còn nhiều lắm ạ, mong được chị cho em những góp ý hữu ích, em cảm ơn chị.

Ngô Thị Nhàn

leftcenterrightdel
 

Em Ngô Thị Nhàn thân mến,

Vì em hỏi nhanh, nên chị cũng đáp gọn, không vòng vèo, tránh né, cho em không phải đoán, suy... Em sai rồi. Cái sai lớn nhất của em là việc em sang nhà bố mẹ chồng "mắng vốn" ông bà "làm khổ" chồng em!

Ngay cả nếu mọi nhận định, chê bai, xét nét cha mẹ chồng của em là hoàn toàn chính xác, thì việc em trực tiếp nói chuyện với ông bà như vậy đã là cách hành xử không đúng với vị trí của mình.

Em không bằng lòng, hay khó chịu với việc chồng đưa tiền cho mẹ, chồng lo lắng về những giận hờn, cãi vã của bố mẹ... thì đó cũng là cảm xúc của em. Còn nếu chồng em vẫn làm những việc anh ấy thấy phải làm và cần làm cho bố mẹ, thì đó là chọn lựa của anh ấy. 

Nếu không chịu được, bực bội, hay thấy chồng sai... em chỉ nên trò chuyện, góp ý với chồng, nói lên những khó khăn vì phải một mình cáng đáng chuyện chi tiêu gia đình. Em cũng có quyền yêu cầu chồng thay đổi, sắp xếp sao cho cân bằng hai bên, để gia đình được bình yên và bản thân anh ấy không phải quá vất vả.

Nhưng sang nhà để trực tiếp nói với bố mẹ chồng về chuyện chồng lo lắng chăm sóc cho hai cụ... thì em quả là... quá hiện đại. Còn nhận xét về chính bản thân mình, rằng mình hiểu đạo lý, thì chị thấy em hơi quá... tự khen mình.

Một chuyện rất nhỏ thôi, cũng làm Hạnh Dung phân vân về sự tự hào "sống có đạo lý" của em, khi em nhận xét mẹ chồng "là người phụ nữ không đẹp người cũng chẳng đẹp nết". Đúng sai, Hạnh Dung không bàn, nhưng cách em nói về mẹ chồng như thế, người ngoài nghe chắc nghĩ rằng có bà mẹ chồng đang nói về con dâu thì đúng hơn đấy, em ạ.

Giờ đây em bảo em không buồn để tâm tới ba mẹ chồng, quyết không qua lại nữa... và hỏi Hạnh Dung chuyện đó đúng hay sai. Nếu đúng với đạo lý ông bà xưa nay, thì dân gian có câu: "Cha mẹ đánh đuổi ở cửa trước, thì phải luồn cửa sau mà về". Ý là cha mẹ có giận, có la, có mắng, thì cũng chờ cha mẹ nguôi giận mà về. Có đâu đạo lý con dâu sang nhà "mắng vốn" cha mẹ, rồi không thèm quan tâm, không thèm qua lại nữa.

Thật sự, những điều em nghĩ và em làm có thể không sai, nếu mối quan hệ này là người dưng nước lã, nếu em không coi cha mẹ chồng là cha mẹ mình, nếu em không chia sẻ, thông cảm được với những khó khăn, khó xử của chồng. 

Hạnh Dung không bàn việc cha mẹ chồng em đúng hay sai, xấu hay tốt... hay không, em nhé. Bởi điều đó không thể phán đoán được chỉ thông qua vài dòng miêu tả, kể lể của em. Nhưng cách em cư xử với cha mẹ chồng, thì đúng là dường như em đang đặt em ngang bằng phải lứa với họ. Hiện đại quá như vậy, có nên không?

Theo phụ nữ TPHCM