Hai ngày liên tiếp, tôi làm cháy hai chiếc nồi. Một dùng kho cá và một dùng để kho thịt. Vốn là người rất lười, phải kỳ cọ nồi bị cháy, tôi luôn đổ nước vào và ngâm riêng một góc. Tôi nghĩ nếu như không thể cọ được thì sẽ bỏ luôn, mua nồi mới. Nhưng chồng tôi là người luôn cố gắng bằng mọi cách, từ dùng cọ sắt, thìa muỗng… cọ thật mạnh để nồi trở lại sạch sẽ tinh tươm.

Tôi luôn rất ngạc nhiên khi thấy anh hoàn thành công việc rửa chén với những chiếc nồi cháy mà không chút phàn nàn nào.

Nhớ lại mười năm nay, anh chưa bao giờ mắng vợ vì những lỗi ngớ ngẩn như thế. Dù tính tôi ẩu đoảng, có thể bế con sang hàng xóm chơi và quên món đang nấu trên bếp, phơi chiếc áo đắt tiền của anh phía ngoài ban công khiến gió cuốn đi mất, lười biếng ở nhà không nấu cơm, một tháng làm mất hai chiếc điện thoại, một năm sửa laptop khoảng mười lần…

Tôi không biết chồng tôi dùng năng lực nào để có thể thông cảm được với người vợ như mình. 
leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa

Nhưng tôi biết, sự bao dung của anh là một thái độ mà anh chọn lựa để đưa vào cuộc hôn nhân. Anh coi trọng sự an toàn, niềm vui, hạnh phúc hơn là những vất vả hay mất mát về tiền bạc. 

Ngược lại với sự kiên nhẫn của chồng, tôi bước vào hôn nhân với rất nhiều tổn thương và những hình mẫu sai lầm về mối quan hệ vợ chồng. Tôi không biết làm vợ cũng là một quá trình cần phải sửa mình và thay đổi để phù hợp với nhau hơn. Tôi như một con nhím xù lông lên với mọi chuyện, luôn cáu gắt và đòi hỏi.

Chỉ một lỗi nào đó của chồng như cầm điện thoại trong lúc đang chơi với con, tôi cũng có thể quy kết rằng anh là một người cha chẳng quan tâm gì đến con. Nếu anh về muộn, tôi cho rằng anh luôn đặt công việc lên trên gia đình. Áo quần tắm xong không mang ra máy giặt, tôi bảo anh lười biếng. Anh quên nói những lời ngọt ngào, không chủ động nhắn tin với vợ, tôi giận anh không yêu thương tôi… Mỗi một nguồn cơn nhỏ, tôi khơi lên thành một cuộc cãi vã lớn trong gia đình.

Nhưng bao nhiêu lần tôi bắt đầu nổi điên cũng là bấy nhiêu lần anh đi đóng cửa để hàng xóm không nghe thấy và ngồi yên nghe tôi nói. Những khi tôi “giận cá chém thớt”, quát tháo con cái ầm nhà, anh đều là người dỗ con hay đi nấu món gì đó cho con ăn tạm. Trước những lần vợ đình công, anh luôn hỏi: “Thế mình đặt gì về ăn nhỉ?” hay “Để anh nấu cho”. Với anh, dường như vợ như nào cũng có thể chấp nhận được. 

Tôi lại luôn cố gắng bằng mọi cách để sửa cho anh vừa khít với hình mẫu người chồng mình mong muốn. Nhưng thậm chí tôi cũng không biết mình muốn người chồng như thế nào khi chẳng bao giờ tôi vừa lòng hoàn toàn về anh, sửa được cái này rồi lại muốn sửa thêm cái khác. Cho đến khi cảm thấy cuộc hôn nhân ngày càng rơi vào những bế tắc, tôi mới cố gắng đi tìm mọi câu hỏi để trả lời cho việc mình phải làm thế nào để kết nối được với chồng. 

Nhưng càng tìm kiếm lại càng thấy nhiều câu trả lời khác nhau khiến tôi mệt mỏi và mất phương hướng. Cuối cùng, tôi nhận ra chính thái độ hậm hực, luôn gắt gỏng và cho mình là nhất của tôi là nguyên nhân khiến những sự chịu đựng của người bên cạnh lên đến đỉnh điểm. Mọi thứ trước nay vốn bị xé tung chỉ bởi vì tôi đã luôn né tránh việc mình đang sai lầm, chỉ đổ lỗi cho người khác trong khi tôi cũng luôn là người có lỗi.

Dường như tôi đã từ chối việc tự thay đổi và cho rằng bản thân mình đã đủ để có một cuộc sống hạnh phúc. Đặt mình trong hoàn cảnh của chồng, làm sao có thể yêu thích việc ở cạnh một ngọn núi lửa có thể chực trào bất kỳ lúc nào? Nếu là tôi, tôi có muốn ở bên cạnh một người như chính mình đang là hay không?

Dừng lại và quan sát nhiều hơn trong chính thực tế, tôi nhận ra chồng lại là “cuốn sách” mà mình nên đọc. Chỉ cần tôi bao dung hơn với anh như cái cách anh đã luôn bao dung với những lỗi lầm của tôi. Chỉ cần tôi học cách chấp nhận anh hoàn toàn như cái cách anh chưa từng đòi hỏi tôi phải thay đổi một điểm gì. Đối xử với nhau nhẹ nhàng hơn thì cuộc đời cũng sẽ tự nhiên dịu dàng.

Trong những cuộc nói chuyện, tôi không thể lúc nào cũng là người nói mà cũng cần phải tròn vai của một người nghe. Và tôi không thể đòi hỏi một người chồng 10 điểm trong khi bản thân còn chẳng bao giờ tự chấm điểm cho mình. Có một câu nói “nhìn cây sửa đất, nhìn con sửa mình” còn trong trường hợp của tôi sẽ là “nhìn chồng sửa mình”. 

Theo phụ nữ TPHCM