Đợt giãn cách vào tháng 6/2020, người hàng xóm tại Melbourne (Australia) của gia đình Asher phàn nàn về chuyện cậu con trai 12 tuổi trồng cây vào chỗ dành để đậu xe ôtô của khu chung cư. Ban quản lý đe dọa sẽ phạt gia đình cô.

Câu chuyện giữa những ngày phong tỏa khiến gia đình Asher đã suy nghĩ về cách con mình nên được tiếp xúc với thế giới xung quanh. Đến đợt phong tỏa thứ hai, nhà Asher quyết định chuyển về sống ở một vùng quê.

Đó không phải lựa chọn dễ dàng, bởi làm như vậy đồng nghĩa vợ chồng Asher phải từ bỏ sự nghiệp đã dày công tạo dựng suốt 10 năm. Nhưng họ biết rằng "đó là sự thỏa hiệp và làm cha mẹ là một mối quan hệ hai chiều".

 
cha me gan bo voi con anh 1

Thời gian ở nhà vì phong tỏa, cha mẹ kết nối với con cái nhiều hơn. Ảnh:Getty.

Đại dịch đã làm đảo lộn hoàn toàn kế hoạch của nhà Asher với con trai và với cuộc sống của chính mình.

Theo Guardian, không phải ai cũng thay đổi cuộc sống vì những đứa trẻ giống như vậy, nhưng hai năm đại dịch đã khiến mối quan hệ của nhiều cha mẹ với con cái có sự chuyển biến hoàn toàn.

Trân trọng thời gian được bên nhau

Suốt thời gian đại dịch, nhiều cha mẹ rơi vào trống rỗng khi phải che giấu nỗi lo sợ trước các con. Phụ huynh cố trấn an đứa trẻ của mình, khuyên con bình tĩnh trước hoàn cảnh đặc biệt mà chúng phải trải qua.

Tiến sĩ Joe Tucci, Giám đốc điều hành của Australian Childhood Foundation, nói rằng: "Đây là khoảng thời gian trẻ phải vượt qua, cha mẹ cũng phải tự đối phó với nó. Cha mẹ phải linh hoạt với cách nuôi dạy trẻ".

Vị tiến sĩ kể rằng suốt thời gian giãn cách vì đại dịch, ông thường xuyên bắt gặp hai cha con ở công viên gần nhà. "Những gì người cha làm cùng đứa con 3 tuổi là nằm dài trên bãi cỏ. Hoặc họ nhặt những chiếc lá và xếp đống. Đứa trẻ trông thực sự hạnh phúc".

 
cha me gan bo voi con anh 2

Đại dịch khiến cha mẹ có cơ hội trung thực về cảm xúc của mình trước những đứa trẻ. Ảnh: Keri Cibelli.

John, ông bố 3 con đến từ Melbourne, nhớ lại nỗi lo lắng những ngày đầu của đại dịch. Khi con gái 10 tuổi hỏi liệu mọi người có chết không, anh đã khóc.

"Đại dịch đã khiến chúng tôi thay đổi. Đọc ít tin tức hơn và dành nhiều thời gian để tập trung vào hạnh phúc của con cái", anh nói.

Trải qua quá trình vật lộn với những chấn thương do dịch bệnh, một số người nhận ra những gì họ học được trong hai năm qua thực sự có giá trị và mang ý nghĩa lâu dài.

"Đại dịch thiết lập lại tầm quan trọng của việc dành thời gian cho con cái. Mọi người cảm nhận được sức mạnh và ngạc nhiên bởi cách họ tận hưởng khoảng thời gian bên nhau", Nick Tebbey, Giám đốc điều hành của Relationships Australia, bày tỏ.

Trong một nghiên cứu toàn cầu với hơn 5.000 người ở Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Ấn Độ, Singapore, Trung Quốc và Brazil, 61% cho biết họ cảm thấy tự tin hơn vào kỹ năng nuôi dạy con cái của mình so với trước khi giãn cách.

"Thời gian dịch bệnh, cha mẹ không thể giao phó trách nhiệm dạy con cho giáo viên hay các tổ chức khác. Họ nhận ra rằng bản thân đóng vai trò quan trọng với những gì con cái mình trảu qua", Tebbey nói.

Mở rộng nhận thức

Tebbey cho biết giờ đây các bậc cha mẹ đã nhận thức rộng hơn về vấn đề sức khỏe tâm thần. Họ biết phải quan sát và tìm cách hiểu những biến chuyển tâm lý của con nhiều hơn.

"Tôi cảm thấy hiểu con mình hơn. Những ngày ở nhà, tôi đã nắm bắt được những thứ tôi vốn chẳng bao giờ để ý", Patrick, bố của một đứa trẻ 7 tuổi, tâm sự.

 
 
 
cha me gan bo voi con anh 3

Cha mẹ ngày nay nhận thức và quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe tâm thần của trẻ. Ảnh:TODAY.

Trước đại dịch, vợ của Patrick là người chăm sóc con chủ yếu. Sau đại dịch, điều đó đã thay đổi. Dành nhiều thời gian hơn với cậu con trai mắc chứng tự kỷ, anh mới thấy rằng thằng bé có nhiều năng lực hơn mình nghĩ.

Patrick đã thay đổi kỳ vọng đối với con trai nhỏ. Anh cảm thấy con làm mình phải kinh ngạc, và hiểu rằng đứa trẻ có thể bị tổn thương bởi chính cha mẹ.

Thực tế, không phải gia đình nào cũng trải qua khoảng thời gian quây quần ấm áp trong những ngày phong tỏa. Phía sau cánh cửa, một số người đã trải qua giai đoạn căng thẳng, áp lực tài chính và bị bạo lực gia đình.

Song với mong muốn có nhiều trải nghiệm quý giá với con cái, các bậc phụ huynh đã cố gắng vượt qua khó khăn.

Theo Tiến sĩ Tucci, đại dịch đã nhắc nhở mọi người rằng được ở bên gia đình là điều quý giá, không chỉ đối với trẻ em mà ngay cả người lớn cũng vậy.

Nhiều phụ huynh đã chia sẻ với Guardian rằng họ thực sự suy nghĩ về mối quan hệ với con cái. Một số người có ý thức bù đắp khoảng thời gian đã mất, cùng con cái vui đùa trong những ngày đại dịch.

Theo Zing