Mối quan hệ mẹ kế - con chồng bấy lâu vẫn đầy nhạy cảm, và dù người mẹ kế có làm gì, câu ca dao “Mấy đời bánh đúc có xương…” vẫn như một lời nguyền đè nặng. Hành trình đến với nhau giữa mẹ kế - con chồng luôn khó khăn hơn, khi cái bóng của người mẹ ruột vẫn luôn tồn tại. Để dung hòa mối quan hệ này, ngoài nỗ lực của “mẹ kế”, còn cần lắm cái nhìn bao dung, không định kiến của người thân lẫn người đời.

Người đàn bà

Ngày cưới vợ lần hai, ông H. - đã ở tuổi trung niên - đưa tay hướng về dì ruột của mình (ở nước ngoài về), nói: “Đây là dì tôi, nhưng bao lâu nay tôi vẫn coi dì như mẹ. Hôm nay tôi xin giới thiệu với mọi người: đây là mẹ tôi”.

Vào khoảnh khắc ấy, có một người đàn bà, tuổi đã gần 70, lặng lẽ đưa tay quẹt nước mắt. Bà là kế mẫu của ông H., là người đã nuôi dưỡng, chăm sóc ông từ khi ông còn nhỏ xíu.

Ngày đó, bà tuổi vừa đôi chín, về với cha ông H. khi anh em ông đang côi cút vì mất mẹ. Có điều, cái bọn nhóc ấy - đứa lớn nhất chỉ nhỏ hơn bà 10 tuổi - luôn tìm đủ mọi cách để trêu gan bà. Bảo chúng ra sân đuổi gà kẻo gà ăn lúa, chúng trả treo rằng chỉ ăn gạo chứ không ăn lúa nên không phải canh lúa. Phá làng phá xóm bị mắng vốn, chúng leo tuốt lên ngọn cây lêu lêu bà. Chúng đánh lộn với bạn bè, bà phải lên trường xin lỗi…

Bà đã âm thầm chịu đựng, nhiều lần nuốt nước mắt vào trong nuôi con chồng khôn lớn, dạy dỗ bảo ban, dựng vợ gả chồng cho từng đứa. Để rồi vào ngày đám cưới, đứa con chồng tuyên bố dì ruột là mẹ, không hề nhắc nửa lời đến bà.

“Kệ, mình ở sao mình biết, tụi nó biết; mình không thẹn lòng là được” - bà nói. Có lẽ cũng vì sự chịu đựng và bao dung đó của bà mà về sau, các con, cháu luôn dành cho bà một sự kính trọng đặc biệt. Mỗi khi có dịp quây quần, mấy đứa con chồng vẫn gọi bà là má. Và mỗi khi đường đời bất trắc, chúng vẫn gọi hoặc chạy về với má.

leftcenterrightdel
 Chiếc nhẫn giấy hình bướm, con chồng làm tặng “má” nhân Ngày của Mẹ - Ảnh do nhân vật cung cấp

Cô gái trẻ

Cô gái trẻ vì thương mà đến với người đàn ông từng bước qua đổ vỡ. Cô theo chồng khi mới đôi mươi - chưa hề có kinh nghiệm nuôi dạy trẻ.

Tuy nhiên, khác với những người đàn bà thế hệ trước, cô gái gen Z thẳng thừng với chồng: “Em sẽ thương con giống như người ta thương một đứa trẻ ngoan, chứ biểu em phải chiều khi con ương bướng là em không đồng ý. Em thương con thì anh cũng phải dạy con tôn trọng em nhé”.

Cô hoàn toàn có lý - một thứ lý lẽ mà phụ nữ thuở xưa không thể có. Dù vậy, hành trình thương con chồng của cô cũng gặp không ít khó khăn. Bởi mẹ ruột của bọn nhỏ vẫn còn đó nên mỗi khi cô dạy con điều gì, lại phải khẽ chú ý đến phản ứng của mẹ bọn trẻ, tuyệt đối tránh mâu thuẫn với những gì bọn trẻ được mẹ dạy.

Nhiều lúc bọn nhóc quá chướng, cô vẫn phải nén lòng. “Nếu là cháu em, chắc em sẽ đánh đòn; nhưng đây là con, nên… anh nói chuyện với con đi. Ý em muốn là vậy đó” - cô nhẹ nhàng nói với chồng. Dĩ nhiên, vì cô có lý nên anh chồng đã phải tự tìm cách trò chuyện, hướng dẫn các con.

Vài trường hợp tế nhị, như một số diễn biến tâm lý của con, cô chọn cách… hẹn vợ cũ của chồng đi uống cà phê, chị em tâm sự, ngõ hầu tìm được giải pháp chung tốt nhất cho bọn trẻ. Dù vậy, như cô tâm sự với chồng: “Ngồi nói chuyện với chị tốn nhiều năng lượng lắm, vì luôn phải cẩn trọng từng câu từng chữ, lỡ chị hiểu lầm thì khổ”.

Tận dụng hết sự gần gũi thế hệ giữa mình và con chồng, cô rủ tụi nhỏ đi xem phim hoạt hình, dắt chúng đi bơi, đi sinh hoạt hướng đạo. Thằng bé muốn có món quà độc lạ để tặng sinh nhật bạn, cô dẫn con ra shop chọn; chọn không được thì cùng con lên shop online tìm và cho phép con đặt hàng, gửi quà về cho cô nhận giùm, vì “gửi về nhà mẹ, con sẽ bị rầy”.

Từng chút từng chút một, cô đến gần hơn với con chồng. Đến giờ thì bọn trẻ gần gũi với “má” hơn so với ông ba “không phải gen Z, không hiểu gì gen Z hết”. Có lần, ba chúng đùa: “Vậy tóm lại con là con của ba hay con của má mà hở ra là bênh má chầm chập vậy?”. Thằng bé nhe răng cười: “Con của ba má, nhưng mà má đẹp hơn. Với lại, bênh má mới được cưng. Bênh ba có được cưng đâu”.

Nhân Ngày của Mẹ, cậu bé con chồng lấy giấy xếp thành chiếc nhẫn, tặng “má”. Cô kiếm một tờ giấy khác, bảo con xếp thêm một chiếc nữa, mang về tặng mẹ.

Theo phụ nữ TPHCM