Kính gửi chị Hạnh Dung,
Em năm nay 33 tuổi, vợ nhỏ hơn em 4 tuổi. Em hiện làm cho công ty nước ngoài nên thu nhập cũng tạm ổn, mỗi tháng sau khi trừ thuế thì còn cầm về được gần 40 triệu đồng.
Vợ em vốn chỉ là nhân viên làm tóc, tiền kiếm được không đáng bao nhiêu nên cưới xong, em cho vợ ở nhà nội trợ, chăm 2 con. Hằng tháng, em đưa hẳn cho cô ấy 25 triệu đồng để chi tiêu trong nhà. Số tiền này hơn gấp đôi thu nhập của cô ấy lúc còn đi làm.
Từ ngày ở nhà, cô ấy vui vẻ lo cơm nước, giặt giũ, đưa đón con đi học, đối nội, đối ngoại trong ngoài chu đáo. Chỉ có một điều là tiền em đưa tháng nào vợ xài hết tháng đó, không hề có kế hoạch tích lũy.
Em để ý thấy vợ mua rất nhiều mỹ phẩm. Sữa rửa mặt, dầu gội, sữa tắm, kem chống nắng, son môi… mỗi thứ mua cùng lúc nhiều loại và cùng xài dở dang. Quần áo thì cô ấy mua nhiều màu sắc cho cùng một kiểu, treo đầy tủ, có khi không mặc tới vì suốt ngày chỉ ở nhà chứ đâu đi làm.
Em góp ý thì vợ nói miễn sao chi xài không bị lố tiền chồng đưa là được, rằng cô ở nhà rất buồn, chỉ có mua sắm qua mạng là niềm vui và cũng chỉ mua hàng sale giá rẻ.
Riêng em thì thấy kéo dài như vậy hồi hộp quá. May mà vợ chồng con cái thời gian qua không bệnh đau gì nên chưa rơi vào thiếu hụt, chứ lỡ có biến cố, không biết tính sao. Gần đây, việc làm ăn của em cũng không thuận lợi nên càng thấy bực khi vợ không tiết kiệm. Giờ em phải làm sao?
Thành Đạt (TPHCM)
|
Ảnh minh họa |
Em Thành Đạt thân mến,
Thư em chưa cung cấp rõ thông tin về chi tiêu trong gia đình, chẳng hạn như con em mấy tuổi, cháu học trường công hay trường tư, hằng tháng có phải trả tiền thuê nhà hay đã có nhà riêng rồi…
Tuy nhiên, giả sử vợ chồng em không phải tốn tiền thuê nhà và các con học trường công với mức học phí vừa phải thì trong bối cảnh vật giá gia tăng như hiện nay, cầm số tiền 25 triệu đồng/tháng để lo hết mọi khoản chi tiêu cho gia đình 4 người, kể cả chu toàn đối nội, đối ngoại thì vợ em cũng là người đảm đang, giỏi tính toán.
Thông thường, tâm lý của người đi làm nuôi cả nhà sẽ luôn thấy áp lực và dễ có cảm giác người ở nhà đang “ăn bám” hoặc phung phí đồng tiền vào việc không thỏa đáng.
Tuy nhiên, ở nhà nội trợ cũng có nhiều cái vất vả và người giữ tay hòm chìa khóa phải chịu nhiều áp lực khi phải cân đong đo đếm các khoản sao cho vừa vặn.
Mỗi tháng, đưa cho vợ 25 triệu đồng xong là em xem như đẩy hết trách nhiệm lo toan trong ngoài cho vợ trong khi em vẫn còn gần 15 triệu đồng để xài riêng. Thế nhưng em lại mặc định vợ phải vừa lo chuyện nhà, vừa phải tích lũy; khi vợ mua sắm quần áo, mỹ phẩm thì lại thấy khó chịu, như vậy liệu đã thực sự công bằng với cô ấy chưa?
Dĩ nhiên, Hạnh Dung hiểu, em ra ngoài làm ăn nên cần tiền để xã giao, rồi chi phí xăng xe, ăn uống… Nhưng vợ ở nhà, ngoài việc làm “ô sin không công” cho chồng, cô ấy cũng có nhu cầu chi xài riêng.
Em cứ nghĩ, nếu em thuê giúp việc thì tiền công trả cho giúp việc cũng chiếm một khoản không nhỏ. Khi đó, em sẽ thấy việc vợ dành một ít tiền để sắm sửa cho bản thân cũng là hợp lý. Chưa kể, như vợ em nói, cô ấy mua hàng cũng chỉ chọn món giá rẻ, không xài lố tiền hằng tháng.
Trước mắt, em và vợ nên ngồi lại lập kế hoạch chi tiêu, tính xem với thu nhập như vậy thì nên chi từng khoản bao nhiêu, tích lũy, dự phòng thế nào, vợ và chồng mỗi người trích ra xài riêng ra sao là hợp lý. Khi rõ ràng các khoản, cô ấy có thích mua gì riêng là quyền cô ấy, em là đàn ông, đừng quá quan tâm vào tiểu tiết này.
Về lâu dài, khi con lớn, em nên động viên vợ đi làm lại, còn em tranh thủ giúp cô ấy việc nhà. Vợ chồng cùng kiếm tiền, cùng lo việc nhà, cùng có thu nhập và chủ động chi tiêu theo nhu cầu cá nhân, như vậy ai cũng thoải mái, vui vẻ; kinh tế gia đình cũng vững chắc hơn. Chúc em vui và tìm thấy chìa khóa hạnh phúc.
Theo phụ nữ TPHCM