Mỗi lần cha đi viện, các em tôi lại tranh cãi nhau nên việc chăm cha đều do tôi đảm nhiệm. Em trai tôi thường nói: “Cha bệnh vặt thôi, chỉ cần ở nhà tĩnh dưỡng và uống thuốc là khỏe, sao cứ thích vào viện nằm”. Em gái cũng ủng hộ anh: “Cha chẳng thương con cái gì cả. Ai cũng bận việc. Mà bệnh nặng đã đành, đằng này hở chút là nhập viện”.

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Lifestylememory

Tôi hiểu các em bận gia đình, công việc, bỏ thời gian vào viện với cha rất khó, ảnh hưởng đến nhiều thứ. Những lần như vậy, tôi chỉ nói nhẹ nhàng: “Các em bận thì để đó chị chăm cha, đến tuổi cha mới hiểu cảm giác của người già”.

Gia đình tôi có 3 chị em, nhưng tôi hơn 2 em lần lượt 15, 17 tuổi. Khi tôi đã lớn tuổi, cha mẹ già, các em mới lập gia đình. Em gái út cưới được 1 năm thì mẹ tôi qua đời, cha đã hơn 80 tuổi. Cha sống với vợ chồng em trai, còn tôi ở cách đó không xa. Mỗi lần ghé thăm cha, thấy ông lủi thủi một mình vì các em đi làm cả ngày, các cháu đi học, tôi rất thương.

Tính người già khó chiều nên đôi lúc cha rất trái tính, khiến em tôi vất vả. Em than vãn, điều kiện sống như cha nhiều người mơ ước, được con cái chăm lo đầy đủ mà lúc nào cũng đòi hỏi.

Cứ 2 tuần đến 1 tháng, cha lại kêu đau để em trai chở đi khám. Bệnh của cha cũng loanh quanh mấy bệnh người già như huyết áp, tiểu đường, thoái hóa cột sống… Các em phân tích: cha chỉ cần ăn uống điều độ, uống thuốc theo chỉ dẫn, vận động thường xuyên là ổn chứ không cần vào viện điều trị. Tôi hiểu cảm giác công việc ngập đầu, lo cho con nhỏ, lại thêm chăm cha rất áp lực nên nhiều khi các em nói lời khó nghe. Mỗi lần cha bệnh, tôi đều gác lại mọi công việc để lo cho cha. Tôi đã gần tuổi về hưu, con cái cũng đã lớn nên thời gian thoải mái hơn.

Tôi biết cha thích vào viện không hẳn vì bệnh mà ở đó vui. ở viện cha có người nói chuyện, luôn có con cái thăm nom lo lắng từng viên thuốc, bữa ăn, giấc ngủ nên có cảm giác được quan tâm. Còn ở nhà, hầu như 3 bữa cơm cha đều ăn một mình, các con đi làm về ăn uống xong đều về phòng nghỉ ngơi. Những lần tôi đến thăm, cha thường thở dài.

Ngày trước, tôi chưa thấu hiểu, nhưng đến khi mẹ mất, tôi vào tuổi trung niên mới thấm thía nỗi niềm của cha. Bởi vậy, dù bận việc đến đâu, mỗi tuần tôi đều ghé chơi với cha khoảng 3 lần, mỗi lần khoảng 30 phút, nhổ tóc sâu, cắt móng tay cho cha và nói vài chuyện.

Mỗi khi cha khó tính, đòi hỏi vô lý, tôi lại tự nhủ “người già như trẻ con” để nhẫn nhịn. Hôm nay cha có thể ăn cháo bò một cách ngon lành, nhưng hôm khác cha nhất quyết không chịu ăn. Dù vậy, chỉ cần dỗ dành, kể một câu chuyện vui là cha lại ăn hết tô cháo. Em trai tôi phàn nàn, em xem qua camera thấy cha đi lên đi xuống cầu thang bình thường, nhưng khi em đi làm về, cha kêu đau chân, muốn em bưng đồ ăn lên tận phòng. Em bực bội nên đôi co, làm cha bỏ cả bữa cơm.

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - FreePik


Thực tế, lúc đó, chỉ cần em nhẹ nhàng hỏi thăm rồi đấm bóp chân thì cha sẽ khỏe ngay, vui vẻ liền. Người già đôi khi muốn nũng nịu như trẻ con để được chăm sóc. Nếu như trẻ con khóc lóc ăn vạ thì người già thường kêu ca đau bệnh để được chú ý. Hiểu được tâm lý của cha thì chiều cha không khó, không chấp nhặt gì sẽ thấy rất vui.

Tôi hy vọng đến một lúc nào đó, các em sẽ hiểu còn có cha để chăm sóc là hạnh phúc. Đừng để đến lúc họ rời xa, bản thân lại hối hận mình chưa làm được gì để báo hiếu. Cũng chẳng cần đợi đến khi đủ tiền, dư thời gian báo hiếu cha mẹ mà chỉ cần hỏi thăm sức khỏe hằng ngày, chăm lo khi trái gió trở trời, thậm chí chỉ là dành ít thời gian trò chuyện cùng mẹ cha, lắng nghe tâm tư là đủ.

Theo phụ nữ TPHCM