Trong các cuộc trò chuyện liên quan đến việc chăm nuôi cha mẹ già, câu mô tả thường nhận về sự tán dương là: “Cha mẹ tôi lớn tuổi mà tự lập lắm!”.

(Ảnh: Internet)
Chăm cha mẹ già thường khó hơn nhiều so với chăm sóc một đứa trẻ (ảnh minh hoạ: Internet)

Không ít người con đang rầu rĩ khi phải chăm lo người những già chậm chạp và không còn sức lao động. Trong nhiều gia đình, việc nuôi cha mẹ già được làm qua loa, thiếu đi sự cẩn trọng, thấu hiểu. Xuất phát từ thực tế này, một người dùng mạng xã hội đã đặt vấn đề trên trang Facebook cá nhân: “Có rất nhiều lớp học chăm con, thay tã, cho bú, bế con... mà không thấy lớp nào dạy con cách chăm cha mẹ già, thay tã, nuôi ăn, tắm rửa... Ta quên cha mẹ mình rồi có nghĩ rằng khi mình già cũng bị con cháu quên?”.

Vấn đề được đưa ra với 2 nội dung: vì sao không có những lớp học dạy kỹ năng chăm cha mẹ và thể hiện nỗi lo khi về già. Các nội dung này thu hút rất nhiều sự quan tâm, bàn luận.

 
Hầu hết những người tham gia bình luận đều giật mình xác nhận sự khác biệt giữa nhu cầu học cách chăm sóc con trẻ và chăm sóc cha mẹ già.

Cha mẹ sẵn sàng bỏ công sức, thời gian để học các kỹ năng nuôi con lớn khôn, trưởng thành. Nhưng khi những đứa con trưởng thành, chúng phải lao theo những vấn đề của riêng mình mà quên rằng cha mẹ đang già yếu dần. Con cái không hề nghĩ đến chuyện học kỹ năng chăm sóc cha mẹ đang phải loay hoay, chậm chạp trong từng sinh hoạt.

Nhiều người con lúng túng không biết thay tã cho cha mẹ sao cho đúng, đút cho ăn sao cho hợp lý… Dù có con cháu nhưng không ít người già phải nằm một chỗ chịu đựng những cái tã bẩn không được thay. Có người không thể với tới ly nước ở cách giường vài bước chân nhưng không dám gọi con cháu…

Cũng từ những quan sát đời thường, nhiều người nhận định rằng những khóa học chăm cha mẹ già nếu có mở ra thì cũng rất hiếm người học, bởi như một ý kiến: “Học chăm sóc khi các cụ về già là học cái ngọn thôi. Học cái gốc là người con chủ động hiểu về sức khỏe và cân bằng cuộc sống vật chất tinh thần, để biết cho mình rồi thì sẽ biết cách chăm sóc cho các cụ sớm được ngày nào thì càng đỡ được các vấn đề về sau”.

Ở chiều ngược lại, một ý kiến sắc sảo đã được đưa ra là cha mẹ phải cố gắng tự lập, đừng viện vào chữ “hiếu thảo” để ràng buộc nghĩa vụ với con cái. Vì việc chăm sóc nuôi dạy con cái cho đến khi chúng trưởng thành là chuyện đương nhiên, là bản năng và trách nhiệm của cha mẹ. Nhưng không nên để mình trở thành gánh nặng cho con cái. Bởi con cái có cuộc đời riêng, và chúng cũng đang bận bịu với trách nhiệm nuôi dạy con của chúng.

Đây là một phân tích nhận nhiều đồng cảm: “Yêu thương con là thứ tình yêu thương không cần đáp trả. Hiếu thảo cũng là đạo lý, là bản năng con người, nhưng người làm cha mẹ đừng mang lòng hiếu thảo đè lên cuộc đời con cái. Bản thân tôi lúc nào cũng mong cha mẹ sống lâu để được tận tình chăm sóc và chưa bao giờ cảm thấy đó là gánh nặng, nhưng tôi nhất định không trở thành một gánh nặng cho con cái của tôi".

Câu chuyện chăm sóc cha mẹ già vẫn luôn khó phân định giữa trách nhiệm hay gánh nặng, giữa hiếu thảo hay vô tâm, giữa đòi hỏi hay im lặng chờ đợi… Không hiếm những người con chẳng cần học cũng biết cách chăm cha, chăm mẹ. Và không hiếm những người con có học cao hiểu rộng vẫn thờ ơ, vô tâm, thậm chí bỏ bê, cư xử độc ác với đấng sinh thành.

Lớp học chăm cha mẹ già chính là lớp học làm người, và dù có theo học những lớp như vậy hay không, bản thân mỗi người đều tự phải suy ngẫm lựa chọn cách sống cho phải đạo và phù hợp. Không ít người con gác mọi công việc để ưu tiên chăm cha mẹ khi già yếu, kiên nhẫn bón từng thìa cơm, dìu cha mẹ đi vệ sinh, chịu đựng những cơn cáu kỉnh vô cớ của người già…

Trong ảnh là một câu chuyện từng gây xúc động trên mạng xã hội. Anh con trai đưa bố vào quán và gọi bát bún cá rô to, rồi chia ra một bát nhỏ và lấy thìa con xúc từng thìa đút cho bố, thủ thỉ Bún cá Thái Bình đấy bố, rồi vuốt ngực, vuốt lưng cho bố, nhẹ nhàng cứ từ từ thôi bố...
Trong ảnh là một câu chuyện từng gây xúc động trên mạng xã hội. Anh con trai đưa cha vào quán và gọi tô bún cá rô to, rồi chia ra một chén nhỏ và lấy thìa xúc cho bố...

“Tôi không học gì cả, tui chọn cái tâm để sống. Có tâm có tất cả bài học mà các bạn muốn, chỉ do không tìm ra mà thôi. Tôi đã sống và chăm sóc người già đến khi họ mất rồi”, một người dùng Facebook bình luận.

Theo phụ nữ TPHCM