leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Thắm vốn được biết đến như một “phụ nữ kiểu Nhật”. Cô trẻ đẹp, giỏi chăm chút bản thân, nhà cửa, tự tay chăm 3 đứa trẻ, rồi thỉnh thoảng còn đón cha chồng về chăm sóc. Bằng - chồng Thắm là chuyên gia trong lĩnh vực cơ khí. Anh thường xuyên công tác nước ngoài.

Họ quen nhau khi còn sinh viên. Thắm học cùng trường đại học với chồng. Nhưng vì Bằng quá xuất sắc, lại sớm “chu du” khắp thế giới vì công việc; từ khi mới cưới, Thắm đã lui về chăm sóc gia đình.

Là “công dân quốc tế” nên Bằng cởi mở, quảng giao, luôn đóng vai người tư vấn cho cả nhóm về việc chọn chương trình học cho con hay các xu hướng nuôi dạy con trên thế giới. Nhóm bạn gồm 8 gia đình chơi chung với nhau. Nhìn Thắm, chị em phụ nữ thỉnh thoảng phải thốt lên khen cô quá giỏi khi một mình gánh vác lịch học, lịch chơi của 3 đứa trẻ. Nhà cửa lúc nào cũng tinh tươm, dù chưa từng thuê bảo mẫu hay giúp việc.

Khen Thắm, nhưng ai cũng tặc lưỡi nghĩ Thắm “số sướng vì có chồng tinh hoa". Ai mà chẳng biết, thời này người ta đánh giá phụ nữ với “tiêu chuẩn kép”: vừa hạnh phúc hôn nhân, vừa có sự nghiệp riêng. Nhưng nếu ai đó can đảm chọn một, mà làm thật giỏi, thật hạnh phúc với lựa chọn đó thì quả đáng ngưỡng mộ.

Các chị em lại liên hệ sang Nhật Bản, một đất nước phát triển và có hiệu suất lao động cao như thế mà chuyện phụ nữ ở nhà lo hậu phương để chồng phát triển sự nghiệp lại rất phổ biến. Đó có thể nói là mô hình cho sự phát triển cân bằng của xã hội Nhật. Thêm nữa, lùi về chăm lo hậu phương cho một người đàn ông bản lĩnh, giỏi giang như Bằng, thì cũng đáng.

Nhìn Thắm theo cách đó, nên khi nghe cô “độc lập tài chính”, ai cũng… té ngửa. Đã bỏ hết sự nghiệp về lo gia đình, vậy mà còn phải tự lực tài chính thì… công bằng ở đâu? Chuyện người chồng chu du khắp thế giới để vợ một mình lo toan tất cả, tài chính thì chia đôi, khác nào… bóc lột lao động? Chỉ lạ là, suốt 12 năm hôn nhân, trông Thắm luôn rạng ngời, ngọt ngào và ngập tràn ái mộ khi nhắc về chồng.

Mọi người hỏi dồn, “rồi em kiếm tiền bằng cách nào?”. Thắm nói cô vẫn bán hàng online - đồ hiệu đã qua sử dụng, nhưng ai cũng nghĩ cô chỉ làm cho vui. Trong những cuộc “tám” của chị em, chuyện của Thắm lại được đem ra bàn bạc. Các chị chốt hạ: “Chẳng việc gì phải hy sinh sự nghiệp để về bán hàng, lại ôm hết chuyện nhà cửa, con cái, rồi cả cha chồng. Lấy chồng vậy thì lấy làm gì”.

7 chị bạn thân càng nói càng bức xúc, muốn giải cứu Thắm khỏi thiệt thòi. Họ nghĩ ra đủ kế để chồng Thắm phải “biết điều”. Dĩ nhiên, mục đích chỉ là lập lại cân bằng, chẳng ai muốn Thắm phải ly hôn. Thế nhưng, ngay khi mưu kế đã bày sẵn, Thắm tỉnh queo: “Em tự chọn mà. Em làm vậy là vì chính em thôi”.

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Cô kể, ban đầu Bằng cũng gánh vác tài chính; nhưng cũng giai đoạn ấy, vợ chồng thường xuyên cãi nhau vì khác biệt trong quan điểm chi tiêu. Trong mâu thuẫn, Thắm nhận ra bản thân không muốn thay đổi theo ý chồng và Bằng cũng sẽ không thay đổi theo ý vợ. Trong lúc chờ chính mình hoặc chồng thay đổi, Thắm thử… tự kiếm tiền.

May thay, đam mê đồ hiệu từ thời con gái lại giúp cô kiếm ra tiền. Cô thống nhất với chồng rằng sẽ tự chủ tài chính, chia sẻ cùng anh các chi phí trong gia đình và mỗi người được toàn quyền với phần tích lũy riêng.

“Ban đầu, em cũng chạnh lòng là sao mình ở nhà nội trợ không được chồng nuôi. Nhưng nghĩ lại, thấy mình cũng cứng đầu, vừa tự trọng, không muốn chồng vì chiều mình mà miễn cưỡng, nên em lại thôi. Nghĩ thoáng ra là em may mắn vì có thể sống theo ý mình, vận hành gia đình theo cách của mình. Anh Bằng đóng góp trong khả năng của anh. Cần số tiền lớn thì anh vẫn chu toàn. Vậy là ổn”.

Nghe người trong cuộc thấy ổn, chẳng ai nói thêm được lời nào. Chuyện hôn nhân của người ta, nếu thấy lạ thì chỉ còn biết… mở mang tầm mắt. Thế giới này có hàng triệu cách để vận hành cuộc hôn nhân. Nhưng rốt cuộc, người biết mình, biết người và hiểu về lựa chọn của mình chính là người ổn thỏa nhất.

Theo phụ nữ TPHCM