Kính gửi chị Hạnh Dung,
Vợ chồng em cưới nhau được 10 năm, đã có 2 con. Trong đó, thời gian chúng em ở nhà thuê đã gần 8 năm. Bạn bè em đều đã mua được nhà, em rất thèm như chúng bạn vì nhỏ lớn gì cũng là nhà của mình, có nhiều bạn đã mua xe hơi.
Thực tế thì vợ chồng em đi làm, công việc đều ổn định, thu nhập cũng ổn, có tiền dành dụm, nhưng chồng em nói để tiền đầu tư, không cần mua nhà vội. Bản thân em nhiều lần được bạn bè giới thiệu và đi coi nhà, cũng nhiều chỗ em ưng ý, nhưng hễ chồng tới coi là anh chê này chê nọ, lần lữa không mua.
Em chỉ nghĩ chồng khó tính, nhưng gần đây em phát hiện việc thuê nhà là cách chồng tính toán từ lâu. Ba má em chỉ có 2 chị em gái đều đã lập gia đình. Ba má về hưu sống với nhau cũng ổn và không muốn phiền con cái. Em gái em lấy chồng trễ hơn em nhưng cũng đã mua được nhà.
Có lần về chơi, chồng em đề xuất ba má cất thêm tầng lầu nữa, tiền sửa nhà vợ chồng em đưa, rồi vợ chồng em về ở chung với ba má.
Ba em nghe vậy chỉ cười chứ chưa nói gì. Lúc chồng nói, em rất bất ngờ vì anh chưa hề bàn tính chuyện đó với em. Không hiểu sao tự nhiên anh lại muốn về ở chung với nhà vợ. Anh thực sự có tình cảm với ba má em hay mục đích chỉ để “xí phần” chuyện nhà cửa.
Sau đó em hỏi lại chồng thì anh nói: “Trước sau gì ba má cũng cho 2 chị em thừa kế nhà. Mình về trước mai mốt dễ thu xếp hơn, với lại mình cũng đang ở nhà thuê, chưa có nhà riêng”.
Em khó chịu và xấu hổ với ba má, với em gái vì chồng em tính kỹ quá. Vợ chồng em đâu phải không làm ra tiền, nhưng chồng em cứ tỉnh queo như không, tiếp tục ở nhà thuê, không nói gì chuyện mua nhà. Em phải làm gì bây giờ?
Phương Như (TPHCM)
Em Phương Như thân mến,
Đàn ông ít người muốn ở rể, do ở cùng ba má vợ thường nhiều ràng buộc, mất tự do. Chồng em đã thuê nhà cùng vợ con ở ngoài 8 năm, bây giờ muốn quay lại ở rể, như anh nói rõ, việc này không chỉ là tìm chỗ ở đơn thuần. Quyết định này có thể có mặt tốt, mặt xấu.
Về mặt tốt, có thể chồng em suy nghĩ: ba má lớn tuổi rồi, khi ốm đau bệnh tật có con cháu ở gần việc chăm sóc sẽ thuận tiện và yên tâm hơn. Còn mặt tiêu cực, từ cái ý “mai mốt dễ thu xếp hơn” của chồng, chắc em cũng đã lờ mờ nhận ra ý định lâu dài của anh ấy.
Tuy nhiên, em cần tìm hiểu cụ thể mọi chuyện hơn nữa. Khi đã nắm rõ động cơ, nếu cần thì điều chỉnh lại suy nghĩ của chồng, để những dự tính tương lai của gia đình đạt được sự đồng thuận.
Vợ chồng em có tiền dành dụm để mua nhà, và tiền đó hiện đang dùng để đầu tư. Đây là điều mà em phải nắm chắc: tiền tiết kiệm đang ở đâu, đầu tư cái gì, sinh lợi thế nào? Cứ thoải mái hỏi chồng em xem nếu mình phụ ba má sửa nhà thì hết bao nhiêu, khoản tiền nào phù hợp cho chuyện đó.
Không nên để chỉ một mình chồng em nắm giữ và có quyền quyết định sử dụng tiền dành dụm của vợ chồng, thay vào đó em nên phát huy quyền đồng sở hữu. Từ việc chủ động nguồn tài chính gia đình, mình mới có thể tham gia bàn bạc cùng chồng trong nhiều quyết định quan trọng.
Chuyện chồng nói với ba em, chắc chắn ba em có những suy nghĩ riêng. Ông chưa nói gì, có thể vì chưa bàn bạc với vợ con. Người lớn giàu kinh nghiệm sống. Em cứ thử trò chuyện với ba má và hỏi ý kiến ba má.
Ông bà vẫn còn khỏe mạnh, sống vui vẻ và tự lo cho mình được, đó là cái phúc của con cháu. Lẽ thường, ba má đã nuôi mình ăn học, công việc đàng hoàng, mình nên tự lập thân, lo cuộc sống của mình, từ nhà cửa đến nuôi dạy con cái, không nên trông vào tài sản của ba má.
Khi ba má em hiểu được tấm lòng của em, ba má sẽ có cách thu xếp, trò chuyện để chồng em hiểu. Chuyện đang còn ở trong dự tính, cần khéo léo để tránh xảy ra bất hòa trong gia đình. Chúc em thu xếp yên ổn việc của cả 2 nhà nhỏ, nhà lớn nhé!
Theo phụ nữ TPHCM