Sau ca phẫu thuật, chị về quê một tuần. Mỗi ngày chị lặng lẽ ngồi nhìn mẹ. Ngoài 70, bà cũng phẫu thuật khớp gối mới lành, cố đi ra đi vào, hỏi con ăn gì, con đỡ đau chưa, chốc lát lại sửa cái gối, kéo cái mền.
Tưởng chị đã ngủ, mẹ rón rén đưa tay sờ lên trán, nắn nắn hai bàn chân như nắn em bé… Chị nằm im, quay mặt vào tường, một dòng nước nóng hổi từ khóe mắt bò xuống má, xuống cổ. Chị thấy như mình đã bước lên chuyến tàu xuyên không trở về ngày còn nhỏ, những lần sốt cảm, hay lên trái rạ.
Hồi ấy cũng trên bộ đi-văng này, giữa những cơn sốt, chị mong mình được bệnh lâu thêm một chút. Vì chỉ khi chị bệnh, mẹ mới ở nhà suốt, lát lại hỏi, lát lại sờ bằng đôi tay chai sần ấm áp...
Rốt cuộc, xa nhà mấy chục năm, đã làm vợ làm mẹ người ta, đã có một mái ấm nhỏ, vậy mà chị vẫn mang trong mình trái tim thơ trẻ, vẫn mềm yếu, vẫn thèm mẹ đến thế này sao? Những đứa con bao tuổi đều luôn cần mẹ! Rồi trong đầu chị là câu hỏi: Đàn bà, đến khi nào mới có thể đặt gánh gia đình con cái xuống cho đôi vai mình đỡ mỏi, cho bản thân nhẹ nhàng?
Đến khi nào đây? Ngoài 70, mẹ có đặt gánh ấy xuống được đâu? Chị nhận ra, được nhận nhiều quá từ người thương yêu mình và mình cũng yêu thương họ, không thoải mái chút nào. Tình thương khiến ta không đành lòng nhìn họ vì ta mà vất vả vì ta mà thiệt thòi. Chị nhận ra, thương yêu thật sự một người, ta chỉ mong cầu cho họ chứ không mong cầu cho bản thân mình! Chị yêu mẹ chị, con chị yêu chị, ba yêu mẹ, chồng chị yêu chị… Có lẽ họ đã không ít lần xót xa khi thấy chị quên mình để lo cho họ, hệt như giờ nằm đây, nghe lòng thương mẹ lan ra từng chân lông kẽ tóc...
Vết thương hãy còn đau âm ỉ. Chị nhớ như in cảm giác bước vào phòng phẫu thuật và lúc tỉnh dậy trên chiếc giường trắng toát, xung quanh im ắng, chỉ nghe tiếng rì rì của máy lạnh, tay vương víu dây nhợ loằng ngoằng, trí não ngơ ngác như thể vừa ngủ một giấc thật lâu. Một mình. Chị chỉ có một mình ở đó. Mẹ hay bất kỳ ai cũng vậy, đều phải đối diện với tai ương một mình, không thể khác. Là lẽ đời hiển nhiên không có gì buồn phiền. Nên chăng, sống ta như người tiêu xài tiền cần có kế hoạch, dành một khoản dự phòng khi bất trắc? Bao tâm sức dành hết cho gia đình, không dành cho mình chút nào, đến khi hữu sự sẽ như cây lau rỗng ruột trong giông bão để rồi gãy ngang, khô héo.
Dạo gần đây, bạn bè đồng nghiệp nói nhiều về việc yêu bản thân. Chị ít quan tâm, thi thoảng chỉ bâng khuâng nghĩ, việc nhà con cái làm sao bỏ bớt được đây! Cũng không ai bắt, ai đòi chỉ là chị tự nguyện thôi! Là yêu thương, chăm sóc vun vén thôi!
Chị không thể đi ngủ nếu chén bát chưa rửa. Chị cảm thấy bứt rứt nếu không chuẩn bị bữa sáng cho chồng con. Chị không vừa ý chút nào khi cha con mặc cái áo mà họ ủi cũng như không. Chị không dám mua sắm cho mình, làm 3-4 việc một lúc để kiếm tiền, vì sợ con thiếu thốn….
Lần đầu tiên chị bỏ 2 cha con ở nhà lâu như vậy. Hôm qua lòng vẫn còn thấp thỏm không yên. Chẳng biết họ ăn uống thế nào, gas, điện, cửa nẻo có cẩn thận, có tưới giùm chị mấy chậu cây ở ban công hay không? Quần áo có xếp ngay ngắn, nhà cửa có lau dọn sạch sẽ không?
Chị bỗng nhiên muốn cảm ơn cơn bệnh này. Nó khiến chị yếu ớt như con cua lột. Mấy mươi năm làm người lớn, trở về nằm đây với mẹ như một cô bé con, soi mình qua bà để thấy rõ bản thân hơn bao giờ hết. Ngày mai khi về nhà, chị sẽ sống khác đi. Thi thoảng lười một bữa, chén để qua đêm thì có sao đâu? Muốn xem nốt tập phim hay nghe một bản nhạc hoặc đi đâu đó với bạn bè, nhà hôm khác lau cũng được mà!
Chị cần nghỉ ngơi, cần tự tạo năng lượng cho mình và sự thoải mái cho chồng con. Nếu mua cái áo, đôi giày, có thể khiến bản thân vui vẻ yêu đời chị sẽ không tiếc nữa. Nếu không nấu ăn, không chăm chăm xem ghế bàn chỗ nào có bụi cằn nhằn đốc thúc chồng con lau dọn mà cả 3 được ngồi nói chuyện hay chỉ ngắm hàng cây khoảng trời ngoài kia, ăn tạm củ khoai hay mì gói... chị sẽ làm.
Chị nhiều năm đã không biết yêu người và yêu mình sao cho đúng rồi! Phải sống khác đi thôi!
Theo phụ nữ TPHCM