Thỉnh thoảng cô cháu gái ở độ tuổi gen Z lại hỏi tôi: “Hồi đó đi làm, dì có muốn nghỉ việc không?”.

“Hồi đó” mà cháu đề cập, là độ tuổi mới ra trường, như cháu bây giờ. Thú thật tôi chẳng còn nhớ. Chỉ biết đi làm như một điều hiển nhiên, ra trường thì đi làm. Đi làm để trang trải cuộc sống và thực hiện những mục tiêu khác của mình như học hành, đam mê, sở thích cá nhân…

leftcenterrightdel
 Cuộc sống hiện đại khiến gen Z phải đối diện với nhiều áp lực trong công việc (ảnh minh họa)

Nếu hỏi rằng, “đi làm có mệt không?” thì xin thưa, bất cứ công việc kiếm tiền nào cũng có ít nhiều áp lực dẫn đến mệt mỏi. Từ áp lực chuyên môn đến áp lực phía con người, có khi cả hai. Có quãng thời gian tôi còn phải làm những việc chẳng liên quan gì đến chuyên môn, sở trường của mình, nhưng có thể mang lại nguồn thu nhập để ổn định cuộc sống, như là làm công nhân trong công ty may mặc.

Làm công nhân, tùy theo công ty, nhưng công ty tôi làm khi đó chẳng có giờ hành chính như nhân viên văn phòng. Bởi làm tính sản phẩm, chứ không phải theo giờ. Sáng sớm đã có mặt và làm việc cho đến tối khuya. Nếu bữa nào hàng hóa ít thì may mắn được về lúc còn thấy bóng hoàng hôn. Nhưng số ngày ấy đếm trên đầu ngón tay, còn lại là tăng ca đến 22 giờ, hoặc có những ngày hàng gấp, phải thức nguyên đêm là chuyện bình thường. Hôm sau vẫn áo quần chỉnh tề ngồi ngay ngắn vào bàn máy của mình, chứ chẳng được nghỉ bù “cho đúng chế độ”.

Chị gái tôi một lần đến nhà chơi, thấy vỏ hũ chao chất đống sau nhà mà không cầm được nước mắt. Bằng đó hũ chao, bằng đó bữa ăn mà tôi dùng chao để làm món ăn mặn cho nhanh, khỏi phải chế biến gì, lại hợp khẩu vị.

Nếu gọi đó là quãng thời gian u ám thì không hẳn. Trong công ty may, tôi cũng có được những vị sếp đáng kính và rất nhiều đồng nghiệp yêu thương, sẻ chia lẫn nhau. Tôi còn nhớ những bữa ăn trưa chung, tuy vội vã nhưng luôn đầy ắp tiếng cười. Những đêm tăng ca, tuy mệt vì cơ thể gần như đã cạn kiệt năng lượng, nhưng sự đồng lòng, cổ vũ lẫn nhau mang lại nguồn không gian nơi làm việc rất nhẹ nhàng, dễ chịu. Thỉnh thoảng có những buổi sáng đến sớm, tôi ngồi nơi khuôn viên ngắm những cụm hoa vừa bung sắc, tỏa hương, thấy thêm yêu nơi làm việc của mình. Ở không gian hơn 10 tiếng đồng hồ mỗi ngày đó, tôi còn được tĩnh lặng để nghe nhạc, nghe những chương trình thú vị phát trên radio.

6 năm là quãng thời gian dài của tuổi trẻ, nhưng nó chẳng lấy đi của tôi điều gì, mà còn cho tôi rất nhiều: mối quan hệ, kỹ năng sống, quan trọng nhất là những trải nghiệm thú vị mà nếu không được “tôi luyện” qua môi trường ấy, tôi sẽ chẳng thể có được. Đúng như nhà triết học Jean Jacques Rousseau từng nói: “Người sống nhiều nhất không phải người sống lâu năm nhất mà là người có nhiều trải nghiệm phong phú nhất”.

Tôi cũng hỏi lại cháu ý định trong công việc. Cháu nói một câu hình như tôi cũng nghe đâu đó rồi: “Quá mệt để đi làm nhưng quá nghèo để nghỉ” nghe như đọc rap, khiến tôi không khỏi bật cười. Và cháu tiếp tục hỏi tôi: “Nếu mệt quá, có nên nghỉ việc không?”. Hẳn nhiên là có. Ta đến cuộc đời này là để sống, chứ không phải để chịu áp lực để rồi lãng phí tuổi thanh xuân vào việc than ngắn thở dài với công việc. Chưa kể, một khi nhiệt huyết đã mất đi, trong tầm mắt sẽ chỉ còn mảng màu mờ đục, chẳng thể thấy một thế giới tươi sáng mở ra trước mắt mình.

Nhưng nếu làm ở bất cứ nơi nào cũng đều thấy “quá mệt, quá chán” thì phải xem lại bản thân mình. Mình có thắp đủ lửa trong tâm hồn để đưa thứ nhiệt huyết nóng hổi ấy, cháy hết mình với công việc chưa? Mình biết đủ yêu thương bản thân, để biết cách tự cân bằng cho chính mình chưa?

Tôi nhớ tới một chị làm công việc giữ xe đạp ở chợ. Đó là công việc đầu tiên chị được người ta thuê khi chân ướt chân ráo từ quê lên thành phố kiếm tiền nuôi con. Một công việc phải nói là rất chán, nhận xe, ghi phiếu, trả xe, lấy tiền. Tuy đơn giản, dễ dàng nhưng vẫn có áp lực, bởi chị phải căng mắt ra soát phiếu vì nếu mất xe chị phải tự đền cho khách. Có những lúc, khách gửi ngoài giờ quy định, chị vẫn phải cần mẫn ngồi đợi khách lấy hết xe mới xong việc.

Có lần, tôi nhìn vào chỗ chị ngồi. Dưới bóng cây tránh nắng, chị kê chiếc bàn nhỏ, đặt lên ấy một bình hoa xinh xinh bên cạnh cái loa phát nhạc. Những lúc không có việc làm, chị ngồi vào “không gian làm việc” ấy. Đó chẳng phải là phút giây giúp chị cân bằng lại đó sao?

Tôi tin, chỉ cần biết yêu thương bản thân mình, mỗi người đều biết cách tự cân bằng, để bước tiếp trên hành trình cuộc đời còn dài ở phía trước.

Theo phụ nữ TPHCM