Gần đây, tôi nhận ra quan điểm “sau hôn nhân, tiền bạc trong gia đình phải quy về một mối” của tôi không còn phù hợp. Vợ chồng thỉnh thoảng lại căng thẳng kiểm đếm, rà soát để công khai. Hà - em gái tôi - thì không như vậy. Em đọc vanh vách 3 nguồn quỹ chính duy trì sự bình ổn cho gia đình: quỹ chung, quỹ riêng và quỹ dùng trong trường hợp khẩn cấp.

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Khác với thế hệ chúng tôi, Hà cùng bạn bè đồng trang lứa có những quan điểm rất đặc biệt khi xây dựng gia đình. Không chỉ phân chia việc nhà, thời gian chăm sóc con; về tài chính, Hà cùng bạn đời cũng có những phân định rạch ròi.

Vì ai cũng đi làm có thu nhập nên ngay năm đầu sống chung, Hà đã yêu cầu chồng cùng lập ra 3 nguồn quỹ. Quỹ riêng là những khoản dành cho chi tiêu, mua sắm cá nhân, đầu tư làm ăn riêng, biếu tặng, chia vui, chia buồn cùng người thân trong gia đình mỗi người; tùy theo khả năng, hạn mức cho phép.

Quỹ chung bao gồm tiền ăn, tiền nhà, tiền học cho các con, tiền mua sắm chung, tích lũy. Quỹ khẩn cấp là những chi phí dự phòng như tiền khám bệnh, du lịch, biếu nội ngoại linh hoạt vào mỗi dịp lễ, tết quan trọng.

Hà nói ý thức về việc ngay từ đầu phải lập đa dạng nguồn quỹ trong gia đình tuy cần thiết nhưng việc gây quỹ, duy trì và vận hành nguồn quỹ như thế nào cho hợp lý, bền vững mới là điều quan trọng. Ngoài khoản quỹ riêng tùy vào nhu cầu, khả năng của mỗi người thì 2 nguồn quỹ còn lại chính là nơi người vợ, người chồng thể hiện trách nhiệm, tình cảm, sự tự giác khi sống chung.

Hà luôn tự hào và vui ra mặt khi kể về chồng: “Dù mức lương của anh không cao hơn em, nhưng anh luôn hào phóng trong chi tiêu. Có tháng em đóng muộn, đóng ít nhưng chồng chẳng bao giờ so sánh, phàn nàn”. Chồng Hà vì thương vợ, vì có ý thức, trách nhiệm với gia đình nên thay vì đi tìm sự công bằng, anh sẵn sàng, tự nguyện thắt chặt chi tiêu cá nhân để dôi ra một khoản cao hơn vợ, góp vào nguồn quỹ chung.

Ngược lại, để cảm ơn chồng, Hà cũng luôn “chơi đẹp”, linh hoạt khi sử dụng nguồn quỹ khẩn cấp. Nhiều lần, dù gia đình không đi chơi chung, Hà vẫn rộng rãi trích quỹ để sắm sửa áo quần đẹp, đồ dùng cá nhân xịn, giúp chồng tự tin vi vu du lịch cùng bạn bè, đồng nghiệp. Em cũng hiểu công việc của chồng vất vả nên luôn ưu tiên một khoản tiền và thúc giục chồng thăm khám, kiểm tra sức khỏe thường xuyên.

leftcenterrightdel
 Ảnh Shutterstock

Tôi nhận ra, việc tài chính không quy chung về một mối khiến gia đình em thoát được tình trạng lấn cấn, áp lực mỗi lần chi tiền. Cách lập quỹ của vợ chồng Hà vừa rõ ràng, minh bạch nhưng cũng không kém phần uyển chuyển, linh hoạt, vừa hiện đại vừa mang nét truyền thống.

Với vợ chồng tôi, trước đây, khi chưa áp dụng mô hình lập quỹ chung - riêng, chồng tôi luôn có cảm giác bất công khi phải nai lưng kiếm tiền nhưng khi cần tiêu pha lại phải rơi vào thế ngửa tay xin tiền vợ. Còn tôi, hằng tháng dù cầm được một khoản lớn nhưng vẫn nơm nớp cân đối, “sao kê”, giải thích, đối phó nếu chồng hỏi bất ngờ.

Tôi đem câu chuyện kể thêm với một chị đồng nghiệp ở cơ quan. Chị cười: “Quỹ chung, quỹ riêng, hiện đại hay truyền thống gì đều ổn, nếu mỗi đôi hiểu được những nguyên tắc, phân định đặt ra trong hôn nhân luôn mang tính tương đối. Dù chia việc hay chia tiền thì mỗi người vẫn phải lấy tình cảm, lòng bao dung, ý thức xây dựng, vun vén gia đình làm nền tảng”.

Chị cảnh báo thêm, không ít đôi hiện đại phải đường ai nấy đi chỉ vì khi lập quỹ đã quá tính toán, chi li. Nếu quá cứng nhắc với những giới hạn, không ai nhường nhịn, không thấu hiểu, không chịu “co giãn” vì bạn đời, sớm muộn gì hôn nhân cũng sẽ rạn nứt. Sự rạch ròi, chung tay để nâng cao trách nhiệm của mỗi bên là cần thiết, nhưng việc hơn thua từng đồng chắc chắn sẽ rút dần những thăng hoa, năng lượng, cảm xúc giữa vợ và chồng.

Theo phụ nữ TPHCM