Chị Hạnh Dung kính mến,

Em và chồng tự tìm hiểu và yêu nhau. Lúc mới quen, chúng em yêu xa, và lúc đó còn đi học nên thường cãi vã vì những chuyện nhỏ (có thể gọi là khắc khẩu). Khoảng 5-6 năm sau, tụi em kết hôn.

Trong lúc yêu nhau, cũng nhiều lần em bực tính cách của anh mà đòi chia tay, nhưng sau đó lại huề. Anh là người tốt, nhưng không bao giờ biết quan tâm đến gia đình em. Cảm giác như anh chỉ cần biết đến em thôi, còn người khác mặc kệ. Trong khi em đối xử lễ phép tận tâm với cha mẹ anh. Anh còn tật xấu là bừa bộn, và có tí máu đỏ đen (dù chưa gây ra nợ nần).

Anh yêu em và đối xử với em rất tốt, nên em cũng nghĩ rằng con người không ai hoàn hảo hết. Anh như vậy là quá OK rồi. Từ từ lấy nhau về, em sẽ khuyên anh bỏ đi tật xấu.

Chúng em kết hôn gần được 2 năm, cuộc sống đa phần êm đềm, anh có tiếp thu những điều em muốn anh khắc phục, tật xấu 10 thì giảm đi còn 5-6.

Nhưng đôi khi anh chê em hay lèm bèm khó tính, em thì nhiều lúc buồn anh những chuyện lặt vặt và trong quan điểm sống khác nhau. Nhiều nỗi buồn tích tụ lại khiến em cảm thấy tiêu cực và muốn ly hôn. Em muốn quay lại cuộc sống độc thân, không phải quan tâm đến ai.

Thỉnh thoảng em cũng cảm thấy không hợp với gia đình bên chồng. Dù bên ngoài em luôn giữ hiếu đạo cư xử đúng mực, nhưng trong tâm em cảm thấy không hòa hợp và đôi lúc chán ghét.

Em cũng biết tất cả điều tiêu cực kia là do chính em tự suy nghĩ ra. Có thể chồng em như vậy đã rất ổn rồi, gia đình chồng không khắc nghiệt cũng đã quá tốt rồi, nhưng sau những lần bực tức hay có chuyện không vui, là em lại muốn ly hôn. Em cảm thấy không cam tâm.

Phạm Thanh Hà

leftcenterrightdel
 

Em Phạm Thanh Hà thân mến,

Có một sai lầm không nhỏ của khá nhiều đôi vợ chồng trẻ, đó là họ cho rằng hôn nhân có thể giúp sửa chữa những khiếm khuyết, thay đổi nhau. Là kết hôn xong sẽ khác, người ta sẽ sống có trách nhiệm hơn, sẽ thay đổi bản thân...

Nhưng thật ra, hôn nhân không phải là cây đũa thần. Đa phần trong cuộc sống chung đó, dần dần khá nhiều tính xấu, thói quen xấu, những điều xung khắc, khó chịu mới từ từ bộc lộ ra. Và khi đó, người ta phải học cách sửa chữa chính mình, điều chỉnh cả hai để có một cuộc sống bình an, hạnh phúc bên nhau.

Cái công cuộc chỉnh sửa ấy không đơn giản và dễ dàng. Bởi phải sống khác với cái con người xưa nay của mình, khó chịu lắm. Phải có nhiều yêu thương, kiên trì, nhiều hy sinh, mạnh mẽ... mới có thể làm được.

Hạnh Dung thấy rằng em và chồng đã quá thành công, quá tuyệt vời. Bởi chỉ có 2 năm mà anh ấy đã vì em thay đổi, giảm đi đến 4-5 phần những điều em không thích. Hoàn toàn không dễ chút nào.

Có một thực tế mà các nhà khoa học, tâm lý học đã kết luận: Thời gian khó khăn nhất của hôn nhân chính là khoảng 3-5 năm đầu tiên. Người ta có thể viết đến hàng chục lá đơn ly hôn, chính là trong thời gian ngắn ngủi này đó em ạ.

Vậy thì, cái cảm giác tiêu cực của em với hôn nhân là chuyện hoàn toàn bình thường. Em đừng trách anh ấy không quan tâm đến gia đình em. Đàn ông thường vô tâm thôi, mấy ai được kỹ tính, biết cách đối nhân xử thế với cả gia đình vợ chu toàn.

Thời gian sống chung lâu hơn, được em nhắc nhở và "làm phụ", anh ấy sẽ học dần. Quan trọng là anh ấy không lèm bèm với em "Lấy chồng rồi là người của nhà chồng, nhà mẹ đẻ... quên đi". Nhiều ông như thế đó em.

Những chuyện bừa bộn trong đời sống, những khác nhau về cách sống, quan điểm sống... cũng là chuyện bình thường. Hạnh Dung đã nói ở trên, làm gì có ai phù hợp 100% đâu. Khác nhau mới là bình thường. Mà phù hợp hoàn toàn, có khi cuộc sống lại... đơn điệu và nhàm chán.

Chuyện gia đình chồng không hợp, khó yêu thương, gây cho mình cảm giác chán ghét... cũng chẳng có gì lạ. Một người có vài khác biệt, mình đã khó chịu, huống hồ là cả một tập thể hoàn toàn mới... Đâu dễ gì có thể lập tức gần gũi, yêu thương.

Nói tóm lại, giống như em tự nhận ra, Hạnh Dung cũng kết luận rằng mọi vấn đề đang nằm ở... chính em. Cuộc hôn nhân của em đang tốt đẹp, các mối quan hệ đang trong thời kỳ "giữ thăng bằng", em vẫn thấy bình an, êm đềm. Vậy thì còn đòi hỏi gì nữa?

Hãy tự điều chỉnh cái nhìn tiêu cực của mình, điều chỉnh cách mình góp ý cho nhau (để không bị gọi là lèm bèm)... Cái nào không điều chỉnh được thì học chấp nhận nhau một cách vui vẻ, coi đó là những chuyện bình thường, thậm chí, có thể tìm ra những góc nhìn hài hước trong sự khác nhau đó.

À, chỉ có một điều em phải kiên quyết... không chấp nhận, đó là máu đỏ đen của chồng. Dù chưa gây hậu quả nghiêm trọng, thì cũng phải tìm cách triệt tiêu nó, và khiến anh ấy hiểu rằng đó là điều tối kỵ với sự an toàn của hôn nhân, gia đình.

Còn lại, mọi thứ đều rất ổn. Vui lên em nhé!

Theo phụ nữ TPHCM