Gần đây, sau khi tiếp xúc với một bậc cao đạo, vợ tôi bỗng ghê sợ chuyện vợ chồng, thậm chí nhăn mặt cả khi nghe nói đến, dù vẫn gắng chiều chồng. Tôi biết một người có biểu hiện tương tự và được chẩn đoán mắc hedonophobia. Phải chăng vợ tôi cũng như thế?
H.Tuấn (TPHCM)
|
|
Ảnh mang tính minh họa - Freepik - Jcomp |
Đáng ra từ diễn biến của vợ bạn, “bệnh trạng” được nghĩ tới trước hết là erotophobia, genophobia, gọi chung là chứng sợ tình dục. Nhưng vì bạn nhắc tới hedonophobia nên phải thực hiện một cuộc chẩn đoán phân biệt trước.
Hedonophobia, tức chứng sợ khoái lạc, với khoái lạc hiểu theo nghĩa rộng. Một hedonophobia thường sợ sệt và tránh né mọi niềm vui và thỏa mãn. Ví dụ: một hedonophobia có thể sợ hãi với “lạc thú” khi thưởng thức một món ăn ngon và sẽ cố sức thoái thác để không phải nhúng đũa vào một dĩa sơn hào hải vị.
Chuyện là khoái cực trên giường cũng được tính là khoái lạc, từ đây nảy ra lắm lẫn lộn giữa hedonophobia và erotophobia. Thật ra rất dễ phân biệt: erotophobia chỉ ngại riêng tình dục và/hoặc mọi thứ liên quan còn hedonophobia thì sợ tất cả mọi hoan lạc, chẳng hạn một bữa ăn ngon, một bộ cánh mới... Theo đó, hedonophobia có thể phát hoảng với giường chiếu và cả với dĩa bào ngư vi cá, còn erotophobia chỉ quanh quẩn 4 bức tường phòng the.
Về nguyên do, hedonophobia không giấu cái cớ liên quan đến tôn giáo, giáo dục, xã hội, đạo đức hoặc một rối loạn tâm lý quá khứ. Trong khi đó, erotophobia hay genophobia cũng bị các kiểu “giáo dục” khe khắt ám thị, nhất là những trải nghiệm không hay về tình dục trong quá khứ hoặc sự thiếu hiểu biết về tình dục…
Quay lại tình cảnh của bạn, dữ liệu trong thư khá ngắn không cho biết vì sao bạn nghĩ vợ là một hedonophobia thay vì erotophobia, dù phân biệt chúng không khó. Bởi thế, không thể đưa ra phương cách điều trị dù chúng không khác nhiều với cả hai. Một rối nhiễu tâm lý thường phải chữa bằng liệu pháp tâm lý, chẳng hạn liệu pháp nhận thức hành vi (CBT), liệu pháp tâm lý cá nhân hoặc nhóm, cộng một ít liệu pháp tình dục…
Tóm lại, mục đích bài viết chỉ dừng lại ở việc gửi tới bạn các chi tiết nhằm làm rõ trắng đen còn chữa chạy thế nào phải chờ đến khi mọi sự rõ ràng.
Về chi tiết vợ bạn “sinh tật” sau cuộc thỉnh giáo với ai đó thật ra không nhiều giá trị để giải thích về thời điểm phát tác của chứng “sợ khoái cảm” hay “sợ tình dục”.
Hy vọng đây chỉ là một sự “ngộ nhận” nhất thời, không phải một phát lộ của chứng hedonophobia hay erotophobia được vợ bạn giấu kỹ.
Theo phụ nữ TPHCM