Sống ảo thì phải chấp nhận bị... soi
Cập nhật lúc 23:22, Thứ bảy, 09/11/2024 (GMT+7)
Chị đăng bài lên mạng để thu hút sự chú ý, rồi cay cú, hằn học với những bình luận trái chiều. Quả là trái khoáy, dám chơi mà không dám chịu!
Chị D. M. là một doanh nhân 47 tuổi, ngụ TP Thủ Đức rất thích đăng hình ảnh bản thân và công khai chuyện đời tư lên mạng xã hội. Tất nhiên chị chỉ khoe những thứ chị cho là đẹp đẽ, sang trọng, hạnh phúc.
Chị thuê hẳn đội ngũ trang điểm, làm tóc, phục trang và thợ chụp ảnh chuyên nghiệp để ngày nào cũng có ảnh đẹp đăng Facebook, Instagram, Zalo... Trên trang mạng xã hội của chị M. thường xuyên là các triết lý sống, đại khái dạy mọi người thế nào cho hạnh phúc, thành đạt.
Trên “tường” nhà mình, chị M. thích đăng gì thì đăng, những quan điểm sống và sự thể hiện bản thân của chị chẳng vi phạm pháp luật. Thế nhưng có một điều lạ là chị dám chơi mà không dám chịu, hay nói thẳng ra là cách chơi mạng xã hội của chị rất kém văn minh. Chỉ cần có ý kiến trái chiều là chị sẵn sàng nổi đoá, buông lời lẽ hằn học, thậm chí “block” để “khoá mồm” người bình luận.
|
|
Muốn không bị soi mói thì tốt nhất đừng đăng gì lên mạng (ảnh minh hoạ) |
Gần đây, chị M. đăng tấm ảnh mặc đầm ngủ hai dây, tạo dáng trên giường. Nhìn gương mặt được chăm chút kỹ lưỡng từ sợi lông mi, lông mày, tóc sấy lọn bồng bềnh thì ai cũng hiểu chị đã dày công chuẩn bị cỡ nào. Đột nhiên, bên cạnh những lời tâng bốc có cánh, lại có một "còm" như dội gáo nước lạnh: “Em thấy lớn tuổi rồi mà đưa ảnh mặc đồ ngủ lên mạng thì không hay lắm”.
Thấy vậy, chị M. nhảy xổ vào “còm chiến” với cô bạn, tỏ ý là cô này không có quyền nói mình như vậy. Chị buông lời nhục mạ cô kia dù có mặc đồ ngủ như mình và đăng lên mạng cũng không ai thèm dòm nên ghen tức.
Một lần khác, chị M. viết một bài dài trên Facebook bày tỏ nhân sinh quan, triết lý sống của bản thân. Chị định nghĩa thế nào mới là phụ nữ đẹp, người thực sự có tiền phải cư xử ra sao…
Không may cho chị, giữa cả vài chục bình luận vào tâng bốc lại có một người dại dột lỡ mồm. Người này chỉ ra những cái chưa đúng trong quan điểm mà chị M., thậm chí còn lấy dẫn chứng để chứng minh điều chị M. nói là thiếu khách quan và rất phiến diện.
Ngay lập tức, chị M. “dội bom” câu chữ để hạ nhục người bình luận ngược ý mình. Sau đó chị thông báo đã “block” để “khoá mồm”, không cho người ấy nói nữa.
Đã lên trên mạng xã hội bày tỏ mọi điều, nhưng thi thoảng chị M. lại chửi mắng mọi người là soi mói đời tư của mình, xét nét và vạch lá tìm sâu để nói xấu chị.
Càng bị cười cợt, chị M. lại càng gồng, cố tỏ ra đang rất ổn, rất hạnh phúc, mọi thứ rất tốt đẹp. Hình ảnh của chị cũng được đăng lên mạng với tần suất cao hơn.
Từ khi mê sống ảo, chị M. trở nên cay cú hơn trước. Từng lời lẽ đối đáp với mọi người của chị luôn có "tính phòng thủ" và giọng điệu khiêu khích.
|
|
Hãy thận trọng khi tham gia sân chơi lớn trên mạng xã hội (ảnh minh hoạ) |
Mạng xã hội là một sân chơi lớn, nơi mọi người có thể tự do thể hiện bản thân. Tuy nhiên, chính sự tự do này cũng đồng nghĩa với việc chúng ta phải đối mặt với những ý kiến trái chiều. Điều bạn cho là đẹp, người khác có thể thấy kỳ quái. Quan điểm của bạn, người khác có thể không đồng tình. Đó là quy luật tất yếu của cuộc sống, chứ không chỉ trên cõi mạng.
Vậy nên, trước khi đăng tải bất kỳ thông tin gì, hãy suy nghĩ thật kỹ. Bởi một khi đã đăng lên, mọi thứ sẽ trở nên công khai và khó lòng thu hồi. Mạng xã hội giống như con dao 2 lưỡi, nếu sử dụng khéo léo, nó sẽ là công cụ hữu ích giúp chúng ta kết nối và chia sẻ. Ngược lại, nó có thể gây ra những hậu quả đáng tiếc.
Nếu muốn bình yên, không bị ai soi mói, bình luận thì tốt nhất là đừng đăng gì lên mạng!
Theo phụ nữ TPHCM